Đồng Nai là tỉnh mở cửa đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá sớm so với cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh đã thành công và mở rộng quy mô gấp 4-6 lần ban đầu. Trải qua thời gian, nhiều doanh nghiệp lớn mạnh đã mở rộng đầu tư ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Đồng Nai là tỉnh mở cửa đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá sớm so với cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh đã thành công và mở rộng quy mô gấp 4-6 lần ban đầu. Trải qua thời gian, nhiều doanh nghiệp lớn mạnh đã mở rộng đầu tư ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Tập đoàn công nghệ ô tô và công nghiệp hàng đầu thế giới Schaeffler đã đầu xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Amata mở rộng (tháng 11-2017). Trong ảnh: Lãnh đạo Schaeffler giới thiệu các sản phẩm của công ty cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh. Ảnh: Huy Anh |
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến cuối năm 2017, doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng Nai xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút vốn FDI với 27,34 tỷ USD chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI vào tỉnh chiếm khoảng 8,6% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
* Dẫn đầu về nông nghiệp
Năm 1993, Tập đoàn Charoen Pokphand (Thái Lan) đã thành lập Công ty TNHH chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tiên tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ngành nghề ban đầu là sản xuất thức ăn chăn nuôi và đến năm 2011 đổi thành Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Đây là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sớm nhất tại Việt Nam. Sau khi thành công với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty C.P. đã mở rộng ra các lĩnh vực khác như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, thức ăn thủy sản, chế biến thực phẩm, phân phối, bán lẻ thực phẩm... Tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Đồng thời mở rộng hoạt động đầu tư ra cả nước. Nguồn vốn đăng ký ban đầu của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tại Đồng Nai là 4,7 triệu USD và sau hơn 20 năm đã tăng lên khoảng 261 triệu USD. Ngoài ra, công ty còn đầu tư ra nhiều tỉnh, thành ở miền Tây, miền Trung và miền Bắc. Hiện nguồn vốn đầu tư của C.P. và giá trị tài sản đã lên đến gần 1,1 tỷ USD. Đồng thời giải quyết việc làm cho gần 17,7 ngàn người, trong đó công nhân viên người Việt chiếm tỷ lệ 98,8% và nhiều người Việt giữ chức vụ quản lý cấp cao của công ty.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). |
Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết: “Sau khi đầu tư vào Đồng Nai thành công, công ty đã mở rộng đầu tư ra nhiều tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Hiện công ty có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản với tổng công suất trên 4,2 triệu tấn/năm. Đồng thời, công ty xây dựng 5 nhà máy chế biến thịt và thủy sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu”. Đến nay, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trên lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, C.P. đã tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Riêng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có hơn 400 doanh nghiệp trong nước cung ứng nguyên phụ liệu.
Trong quá trình phát triển, C.P. Việt Nam đã hợp tác với nông dân trên lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tạo thành chuỗi sản phẩm sạch từ nguồn nhiên liệu đầu vào, con giống, thức ăn chăn nuôi cho đến việc chế biến và phân phối thực phẩm đầu ra. Hàng năm C.P. Việt Nam cung cấp cho thị trường 5 triệu con heo thịt, 700 triệu quả trứng gà, hơn 80 ngàn tấn thịt gà và xuất khẩu 20 ngàn tấn thủy sản chế biến sang nhiều thị trường như: Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu...
Sản xuất xúc xích tại C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Ảnh: Hương Giang |
Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, cán bộ, công nhân viên C.P. Việt Nam đã hiến máu nhân đạo được 130 ngàn đơn vị máu. Đồng thời, vào dịp lễ, tết công ty tặng hàng ngàn phần quà cho người nghèo, xây dựng bệnh viện, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
* Có nguồn vốn đầu tư lớn nhất
Năm 2007, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) chính thức thành lập Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch). Công ty chuyên sản xuất các loại sợi vải mành nguyên liệu làm lốp xe ô tô, sợi spandex, sợi ny-lông, sợi thép và các loại sợi khác. Sau hơn 10 năm thành lập, Hyosung đã vươn lên trở thành doanh nghiệp FDI có nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất với hơn 1,5 tỷ USD. Ngành nghề Hyosung đầu tư vào tỉnh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang được ưu tiên mời gọi.
Công nhân Công ty Tokin Electronics, Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. |
Sản phẩm của Hyosung Việt Nam đã xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Theo ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, công ty là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thế giới về xuất khẩu sợi các loại và được nhiều thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu cũng đặt hàng với số lượng lớn. Trong đó, 2 loại sợi của công ty đang chiếm thị phần số 1 thế giới là sợi dùng làm lốp xe ô tô khoảng 45% và sợi spandex 32% nhu cầu của thế giới. Doanh thu năm 2017 của công ty khoảng 1,5 tỷ USD đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
“Trong thời gian tới, Hyosung sẽ mở rộng đầu tư sang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số vốn khoảng 1,2 tỷ USD. Nếu Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 được mở thêm có đất, công ty sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy và tăng đầu tư vào Đồng Nai”- ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, chia sẻ. Bởi theo ông đầu tư vào Đồng Nai khá thuận lợi, mọi khó khăn, vướng mắc được tỉnh kịp thời hỗ trợ giải quyết. Đồng Nai cũng là nơi có công nghiệp phát triển nên DN có thể mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Hyosung dự tính năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ nâng công suất của các nhà máy để tiếp tục mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì Việt Nam vẫn đang có các lợi thế về hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương nên các doanh nghiệp đều muốn tìm nguyên liệu trong nước hoặc những nước trong khối cùng tham gia hiệp định để hưởng các ưu đãi về thuế. Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp FDI để ý tới vì ngoài hơn 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực thì hiện 4 hiệp định đang đàm phán hoặc sắp có hiệu lực là FTA Việt Nam - EU, FTA giữa các nước ASEAN - Hong Kong, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực - RCEP và CP TPP.
* “Giấc mơ” công nghiệp công nghệ cao
Năm 1995, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã đến Việt Nam và chọn Đồng Nai là nơi dừng chân đầu tiên để đầu tư. Lĩnh vực Amata chọn đầu tư là làm hạ tầng khu công nghiệp. Khu công nghiệp Amata ở TP.Biên Hòa được xây dựng và đi vào hoạt động đến nay đã thu hút hơn 150 doanh nghiệp đến từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 2,6 tỷ USD. Amata trở thành khu công nghiệp điển hình của Việt Nam. Sau gần 20 năm đầu tư vào tỉnh thành công, Amata đã quyết định hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu mở rộng đầu tư ra tỉnh Quảng Ninh để làm Khu phức hợp đô thị công nghiệp công nghệ cao có diện tích gần 6 ngàn hécta với tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD (trong đó vốn Amata 70%).
Vào giữa năm 2015, Amata lại một lần nữa được dư luận cả nước chú ý đến khi đăng ký đầu tư 3 dự án lớn tại Đồng Nai có tổng vốn lên đến 635 triệu USD. Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam, cho biết: “Sau khi thành công với Khu công nghiệp Amata Biên Hòa, Amata đã quyết định đầu tư thêm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành với tổng vốn đăng ký là 282 triệu USD và 2 dự án khu đô thị liền kề tổng vốn đăng ký 353 triệu USD. Với lợi thế về giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không đang xây dựng và hoàn thiện thì trong tương lai khu vực này sẽ rất phát triển, thu hút nhiều lao động đến làm việc và sinh sống”. Đây là khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh có vốn đầu tư lớn nhất trong 32 khu công nghiệp được cấp phép. Dự kiến khi hoàn thành, khu công nghiệp này sẽ thu hút khoảng 2 tỷ USD từ nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc trên lĩnh vực điện tử và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Đồng thời, khu công nghiệp sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20 ngàn lao động có tay nghề cao và Amata sẽ ưu tiên cho lao động tại địa phương.
Ban đầu Tập đoàn Amata đầu tư vào Đồng Nai chỉ 12 triệu USD thì nay đã tăng lên gần 650 triệu USD, gấp gần 54 lần. Khi Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và 2 khu đô thị liền kề hoàn thành sẽ tạo ra điểm nhấn lớn cho phát triển của huyện Long Thành và tỉnh.
HƯƠNG GIANG