Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm gần một ngã tư trên đường Rue Sámenthai ngay trung tâm thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ngôi đền Thánh do một gia đình người Lào gốc Việt xây dựng và giữ gìn qua 2 đời cha và con gái, đã hơn 60 năm.
Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm gần một ngã tư trên đường Rue Sámenthai ngay trung tâm thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ngôi đền Thánh do một gia đình người Lào gốc Việt xây dựng và giữ gìn qua 2 đời cha và con gái, đã hơn 60 năm.
Bên trong đền thờ Đức thánh Trần |
Đền Đức thánh Trần khá khiêm tốn so với những công trình tôn giáo đồ sộ ở xứ sở ra ngõ là gặp chùa này. Nhưng ngôi đền vẫn có một sự tích riêng đầy thú vị đủ sức níu chân du khách tình cờ viếng thăm.
* Sự tích đền Trần ở Viêng Chăn
Lịch sử hình thành ngôi đền Đức thánh Trần được xây dựng ở Viêng Chăn bắt đầu từ thời ông Võ Văn Thịnh. Theo lời bà Võ Thị Dậu (con gái ông Thịnh), bố của bà vừa là thông dịch viên tiếng Pháp vừa là thầy cúng. Sau năm 1945, ông từng qua Lào du lịch rồi gặp và yêu cô gái Lào, lại mến vùng đất có khí hậu ôn hòa, con người đôn hậu này nên chọn ở lại nơi đây. Một lần tình cờ, ông Thịnh đi ngang qua khu đất vốn là ngôi đền thờ của người Việt hầu như đã bỏ hoang, dấu tích duy nhất còn lại là ngôi miếu thờ thổ thần và những thanh gỗ còn lại sau khi ngôi đền sụp đổ. Ông Thịnh tìm được những thanh gỗ làm xà ngang của nóc nhà có chạm chữ Tự Đức tự mà theo lời bà Dậu là cơ sở chứng minh đây từng có ngôi đền của người Việt, có thể được xây dựng vào thời vua Tự Đức của triều Nguyễn. Ông Thịnh mong muốn dựng lại ngôi đền thờ của người Việt. Nhờ quen biết một quan chức ở vùng này là người gốc Việt, ông đã được giao quyền sử dụng mảnh đất này để xây đền thờ.
Trong đền thờ Thánh Mẫu trên đất Lào, bà Dậu trang trọng dành riêng một gian thờ bác Hồ, người cha già của dân tộc Việt. Ảnh: B.Nguyên |
Ông Thịnh đã kiên trì theo đuổi suốt 10 năm dài từ lúc khởi công cho đến khi ngôi đền hoàn thành (từ năm 1948-1958), có thời điểm phải tạm dừng vì là công trình tôn giáo Việt xây trên đất khách, lại do cá nhân đứng ra thực hiện. Theo bà Dậu, để kết cấu ngôi đền Đức thánh Trần vẫn giữ đúng “chất” đền Việt, bố của bà đã tìm một đội ngũ thợ người Việt trong xây dựng. Sau khi hoàn thành, các hoạt động lễ hội, thờ cúng đều duy trì đúng theo phong tục của người Việt.
Bà Dậu nhớ lại: “Trước khi ngôi đền này được hoàn thành, bố tôi từng được thần báo mộng hãy đi rước tượng Đức thánh Trần đang được gửi tại một ngôi chùa ở Viêng Chăn. Lần theo chỉ dẫn tâm linh, ông đã tìm và rước được tượng Đức thánh Trần về đền thờ và cung phụng hương khói cho đến nay”. Giai đoạn thịnh vượng, ngôi đền này thu hút được hàng ngàn người trên khắp nước Lào về “hầu” Đức thánh Trần khi diễn ra các kỳ lễ hội hằng năm.
Hơn 60 năm đã qua, từ ngày ngôi đền này được xây dựng, phải trùng tu, tái tạo nhưng vẫn được gia đình bà Dậu giữ gìn hương khói và sẵn sàng mở cửa đón khách viếng thăm. Bà Dậu kể: “Ngoài ngôi đền thờ Đức thánh Trần, bố của tôi còn xây dựng đền thờ Thánh Mẫu. Về sau, tôi còn dành hẳn một gian thờ trang trọng trong đền thờ này để đặt bàn thờ Bác Hồ, vị cha già của dân tộc Việt”.
* Người giữ đền Trần
Suốt mấy chục năm qua, bà Võ Thị Dậu vẫn đều đặn từ nhà cách vài cây số đến coi sóc đền Trần. Bà thường túc trực ở đây từ đầu giờ chiều đến tối muộn mới về nhà. Phía sau đền, bà cho xây một căn nhà nhỏ để có chỗ nghỉ chân khi ở đền.
Bà Dậu bên những khung ảnh cũ ghi lại những mùa cúng lễ tại đền Trần vài chục năm về trước. Ảnh: B.Nguyên |
Công việc đều đặn mỗi ngày của bà Dậu và ông Bun Ma (chồng cũ của bà Dậu) là tỉ mỉ lau dọn để giữ cho ngôi đền luôn sạch sẽ, thoáng mát. Trong khuôn viên đền, bà cho trồng những loại cây cỏ thân thuộc với người Việt như: chùm ruột, thanh long, xoài, đinh lăng, ớt, tần lá dày... Chỉ vào chậu bát tiên, bà Dậu khoe chậu cảnh này là do một khách người Lào tặng cho đền, họ nói đây là cây tỷ phú mang lại tài lộc, sung túc.
Bảng hiệu của đền Trần vừa được viết bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Lào để cả những người dân ở xứ sở Triệu Voi cũng biết về ngôi đền Thánh của nước Việt. Trong đền có tấm bảng sơn son, chữ vàng ghi lại lịch sử Đức thánh Trần là tôn thất vương triều Trần, từng lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Ngài là vị anh hùng kiệt xuất của nhân dân Đại Việt. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài, nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi và suy tôn là Đức thánh Trần - vị anh hùng dân tộc trở thành vị thánh thiêng liêng được thờ phụng rộng rãi và phổ biến nhất trong các vị nhân thần Việt Nam. |
Tấm bảng sơn son, thếp vàng treo trên cửa chính vào đền là do một doanh nghiệp gốc Hoa sống gần đền làm tặng; được khắc chữ có ý nghĩa là ngôi đền luôn được chiếu sáng. “Con rể người Việt của tôi là người thay mới dàn cửa gỗ cho ngôi đền. Ngôi đền vẫn luôn giữ được sự khang trang, vững vàng dù bao năm tháng đã trôi qua đều nhờ vào tấm lòng sẵn sàng góp của, góp công của bao thế hệ người gốc Việt sinh sống trên đất Lào” - bà Dậu nói.
Lật lại những bức ảnh đã ố màu thời gian, thời còn là đứa trẻ 6-7 tuổi đứng ở một góc tham gia buổi cúng lễ đền Trần, bà Dậu chia sẻ: “Ngôi đền Đức thánh Trần hầu như bằng với tuổi đời của tôi. Từ khi còn là đứa trẻ nhỏ xíu, tôi đã được tham gia lễ cúng đền. Những bài cúng cứ thấm dần vào trong máu từ lúc nào”.
Người nữ thầy cúng giữ đền Trần này dù đã bước qua tuổi 62 nhưng vẫn còn giữ được chất giọng sôi nổi, tấm lòng hồ hởi, nhiệt tình khi tiếp chuyện khách ghé thăm. Thời trẻ, bà Dậu từng là cô gái theo phong trào Hippie của giới trẻ phương Tây thập niên 1960-1970, để tóc ngắn, đi bar, rong chơi khắp chốn. 16 tuổi bà quen ông Bun Ma, chồng của bà sau này. Theo lời bà Dậu, ông Bun Ma là cầu thủ đá banh, đẹp trai, phong độ nhưng bà không mê. Bà nên duyên với ông vì muốn “khui” bí mật của hoàng gia Lào vì ba mẹ ông đều làm việc trong hoàng cung. Vợ chồng bà có 3 người con, họ sinh sống bằng nghề kinh doanh vàng ở chợ.
Rồi đến tuổi 33, cái nghiệp, cái duyên đưa bà trở thành người giữ đền Trần. Nhưng ông Bun Ma vẫn làm bạn với bà, cùng bà coi sóc 2 ngôi đền Đức thánh Trần và đền Thánh Mẫu của tâm linh người Việt.
Tuy cả đời sống trên đất Lào nhưng bà Dậu lại thích nhạc Việt, biết làm rất nhiều món ăn cổ truyền của dân tộc như: bánh chưng, bánh giầy, nấu món thịt kho tàu, giò chả… Tết cổ truyền bà vẫn làm đủ mâm cúng tổ tiên, luôn trân trọng giữ gìn những truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của cha ông.
Bình Nguyên