Tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018 tại Long An tháng 9-2018 vừa qua, trong 6 huy chương vàng vở diễn được trao, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai gây chú ý với vở "Bão táp một vương triều". Vở diễn lịch sử hiếm hoi được viết mới và khai thác một nhân vật rất đặc biệt - Hồ Quý Ly.
Tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018 tại Long An tháng 9-2018 vừa qua, trong 6 huy chương vàng vở diễn được trao, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai gây chú ý với vở "Bão táp một vương triều". Vở diễn lịch sử hiếm hoi được viết mới và khai thác một nhân vật rất đặc biệt - Hồ Quý Ly.
Nghệ sĩ Sang Sang (vai Thu Sương) và Xuân Vương (vai Hồ Quý Ly) trong vở "Bão táp một vương triều" |
* Những cải cách tiến bộ
Ngay từ buổi thi trong khuôn khổ liên hoan, Bão táp một vương triều đã gây được chú ý bởi hiếm hoi mới thấy một kịch bản cải lương lịch sử được viết mới, lại khai thác một nhân vật đặc biệt như Hồ Quý Ly. Chính vì lẽ đó nên nhiều người chờ đợi xem ê-kíp tác giả - đạo diễn và các diễn viên sẽ xây dựng Hồ Quý Ly - một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử như thế nào.
Nghệ sĩ Hoàng Việt Trang (áo trắng - vai Trần Thuận Tông) và Đông Nguyên (áo đỏ - vai Trần Khát Chân) |
Sự mạnh dạn khai thác đề tài, nhân vật khá mới mà các kịch bản cải lương ít đề cập đã khiến Bão táp một vương triều có một dấu ấn riêng trong liên hoan. Vở có một câu chuyện khá hấp dẫn. Người xem cảm nhận được tầm vóc của một Hồ Quý Ly ở tuổi 70 vẫn xông pha ở mọi lĩnh vực. Khi nhà Trần suy yếu, giặc Minh, Chiêm Thành không để yên bờ cõi, thì “người tướng già” vẫn tràn đầy năng lượng, đánh đông dẹp Tây. Cảm xúc của người xem thay đổi liên tục và không thể dùng tình cảm một chiều để định tính nhân vật. Bởi soi ở hệ quy chiếu nào cũng thấy có một góc của Hồ Quý Ly trong đó. Vở không cố ca ngợi hay chỉ trích Hồ Quý Ly, chỉ là cách trình bày các sự kiện một cách có logic để người hậu thế ở con mắt cân phân đánh giá đúng tầm vóc của một nhân vật lịch sử, có tốt có xấu.
Đạo diễn - NSND.Giang Mạnh Hà cho biết ông ấp ủ kịch bản này khoảng 2 năm, và quyết tâm xây dựng “để dành” cho liên hoan cải lương. Ông chia sẻ: “Tôi thích con người của Hồ Quý Ly. Con người mà cách đây đến 600 năm đã có tư tưởng tiến bộ vượt bậc, vượt thời gian, dám nghĩ dám làm, dám chịu thất bại. Để xây dựng nhân vật, tôi đã đọc rất nhiều tư liệu, sách sử, cả tư liệu mà các sử gia nước ngoài viết về ông như tài liệu từ Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Thật sự, tôi rất nể phục ông, một nhà đại tài, kinh bang tế thế. Ông đã có những thay đổi kinh khủng về rất nhiều mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, quân sự… Ông dám nghĩ việc in tiền giấy thay cho tiền đồng. Dùng đồng đúc vũ khí, có thể tạo ra cả súng thần công. Có thể nói, không chỉ bó hẹp trong đất nước Việt Nam, những sự cải cách vượt bậc khiến tầm vóc của ông hết sức to lớn đặt trong bối cảnh chung của thế giới lúc bấy giờ. Một nhân vật như thế mà chúng ta không tôn vinh thì quá uổng”.
Từ những trăn trở của mình về nhân vật, ông Giang Mạnh Hà đã trao đổi với soạn giả Đăng Minh để có một kịch bản cải lương thuyết phục. Soạn giả Đăng Minh cho biết ông mất thời gian nhiều để tìm bài bản cải lương phù hợp sử dụng cho kịch bản. Ông nói: “Với vở này, sử dụng các bài lý là “không ăn” (ngoại trừ những phân đoạn tình cảm, nhẹ nhàng). Vì đây là tác phẩm chính luận nên tôi chú ý sử dụng những bài bản lớn trong 20 bài bản tổ, có những đoạn khai thác thêm những bài bản mới để thể hiện được chất hùng, đôi lúc bi tráng của vở. Có nhiều bài bản không sử dụng trọn bài mà chỉ lấy đoạn đầu, đoạn giữa miễn diễn tả được tốt nỗi lòng của nhân vật. Cải lương mình có nhiều bài bản hay lắm mà đôi lúc anh em viết cải lương mình dễ dãi, không tìm hiểu, không nghiên cứu riết rồi những bài bản hay bị lãng quên. Vô hình trung, có người không biết lại nghĩ cải lương mình sao nghèo nàn vậy”.
* Bài học nhân trị
Trong lịch sử cho đến thời hiện tại vẫn có ý kiến cho rằng Hồ Quý Lý là con người nhẫn tâm. Ông Giang Mạnh Hà phân tích: “Muốn đánh giá đúng Hồ Quý Ly cần có sự phân tích kỹ càng về ông đặt trong bối cảnh xã hội rối ren lúc bấy giờ. Bản thân ông muốn đất nước hùng cường. Ông cũng không ham làm vua vì thực tế ông làm thái sư trên 30 năm, quyền bính nắm hết trong tay. Ông chỉ làm vua 1 năm sau đó trao lại cho con là Hồ Hán Thương.
Nghệ sĩ Xuân Vương (vai Hồ Quý Ly) và Mỹ Vân (vai Khâm Thánh hoàng hậu) |
Nhà Trần thời ấy quá suy yếu, ông đã có những suy nghĩ với khát vọng đổi mới đất nước. Tuy nhiên, vì sự nôn nóng mà ông không lường được sức dân. Những cải cách của ông tiến bộ nhưng bị đốt cháy giai đoạn. Bản thân ông cũng có sự chuyên quyền, độc đoán, không lắng nghe tiếng nói của người dân. Không hiểu được tâm tư nguyện vọng, bức xúc của người dân. Một triều đình duy ý chí sẽ dẫn đến thất bại. Bởi không có dân sẽ không có đất nước.”
Soạn giả Đăng Minh thẳng thắn bày tỏ ông thích Hồ Nguyên Trừng (con Hồ Quý Ly) hơn nhân vật Hồ Quý Ly. Ông nói từng nghe đạo diễn Giang Mạnh Hà kể rằng khi sang tham quan Trung Quốc đã từng đến đền thờ Hồ Nguyên Trừng ở Trung Quốc. Hồ Nguyên Trừng là con người chính nghĩa, nhà khoa học lớn. Ông từng là người phát minh, chế tạo súng thần công thời nhà Hồ. Khi nhà Hồ mất, ông bị bắt sang Trung Quốc và được trọng dụng thành một tướng tài trong việc chế tạo vũ khí. Tác giả Đăng Minh nhìn nhận: “Hồ Quý Ly giỏi nhưng cũng là con người tự phụ, ông thường dùng pháp trị hơn là dùng nhân đức. Những cải cách của ông hết sức giá trị, dù thất bại nhưng là sự khai phá cho thế hệ sau này nối tiếp. Tuy nhiên, tôi nghĩ từ nhân vật này, bài học giá trị cho muôn đời sau và đến hiện tại chính là bài học nhân trị. Dù tài giỏi đến đâu mà không được lòng dân cũng thua”.
* Làm vở lịch sử không dễ
Làm một vở cải lương lịch sử với cái nhìn nhiều chiều hiện nay không hề dễ. Với một nhân vật đa chiều có đầy đủ sự thông minh sắc sảo, khí phách anh hùng, có cả sự toan tính, chuyên quyền, duy ý chí như Hồ Quý Ly không dễ tìm được diễn viên giỏi để thể hiện. Thực tế, nghệ sĩ đảm nhận vai Hồ Quý Ly trong Bão táp một vương triều vẫn chưa khiến người xem hài lòng vì thể hiện chưa đầy đủ tầm vóc của ông. Trong vở, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ. Mỗi nhân vật mà họ đảm nhiệm đều có sự phức tạp về tâm lý trong bối cảnh tình riêng, tình chung khó thể dung hòa. Đạo diễn Giang Mạnh Hà cho biết ông dành nhiều thời gian để các nghệ sĩ ngấm nhân vật, hiểu tính cách mỗi nhân vật và tập luyện để mỗi câu thoại nhấn nhá như thế nào để hiểu được nội tâm của họ.
Đã từng có trường hợp một vở diễn lịch sử khai thác một nhân vật được cho là nhạy cảm đã sớm rơi vào im lặng ngay suất đầu công diễn. Vì thế, mảng đề tài lịch sử thường khiến không ít người trẻ e ngại vì sợ đụng chạm. Làm theo suy nghĩ mặc định trước giờ thì không hấp dẫn, khô khan. Tuy nhiên, lý giải theo một cách khác, hoặc khai thác câu chuyện theo một góc nhìn mới thì dễ bị “bắt giò”.
Ông Giang Mạnh Hà trình bày quan điểm của mình: “Tôi cho rằng, xem một tác phẩm nghệ thuật chúng ta nên chấp nhận cho những người sáng tạo quyền hư cấu. Tác giả - đạo diễn có thể xử lý một sự kiện lịch sử có thể xảy ra theo cách này cách kia theo cách họ suy nghĩ. Hội đồng nghệ thuật không nên gò bó họ. Quan trọng nhất là đạo diễn phải có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử. Khi xây dựng một kịch bản lịch sử theo cái nhìn mới có thể phân tích, lý giải một cách hợp lý, thuyết phục cả hội đồng lẫn công chúng. Chứ đạo diễn cứ ú a ú ớ, bảo là sáng tạo mà không có nền tảng, tùy tiện thì khán giả càng hiểu sai lệch về lịch sử nước nhà!”. |
ĐẮC VIỆT