Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ sân bay đến cảng biển

11:02, 06/02/2018

 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) đang được gấp rút chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng để xây dựng. Các cảng biển thuộc nhóm 5 ở Long Thành, Nhơn Trạch đầu tư cũng quan tâm nhiều. Vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch đang là tâm điểm của những dự án lớn mang tính quyết định thúc đẩy nền kinh tế đang được "đánh thức".

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) đang được gấp rút chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng để xây dựng. Các cảng biển thuộc nhóm 5 ở Long Thành, Nhơn Trạch đầu tư cũng quan tâm nhiều. Vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch đang là tâm điểm của những dự án lớn mang tính quyết định thúc đẩy nền kinh tế đang được “đánh thức”.

Một trong những mô hình kiến trúc nhà ga Sân bay Long Thành.
Một trong những mô hình kiến trúc nhà ga Sân bay Long Thành.

Theo các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai có một vị trí địa lý cực kỳ đắc địa, đặc biệt là vùng vừa có cảng hàng không lại có cả cảng biển.  Đây được xem như 2 “cánh cửa” phát triển kinh tế hướng ngoại.

* Mở “cánh cửa” kinh tế

Dư địa phát triển kinh tế lớn nhất của Đồng Nai là vùng Long Thành - Nhơn Trạch. Nơi đây đang có một điều kiện phát triển kinh tế rất mạnh, các đại dự án quốc gia như sân bay, đường cao tốc, hệ thống cảng đang bắt đầu được triển khai. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Sân bay Long Thành được xem như “cánh cửa” kinh tế của Việt Nam. Theo đánh giá của GS.Ha Hun Koo (Trường đại học Inha) khi đến Đồng Nai chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển Sân bay Incheon và vùng phụ cận, ông đánh giá cao về tiềm năng của Sân bay Long Thành. Nơi đây sẽ là động lực kinh tế cho Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung. “Sân bay Incheon hàng năm đã mang lại nguồn thu rất lớn cho Hàn Quốc. Sân bay Long Thành cũng có nhiều điểm giống Sân bay Incheon, nếu xây dựng và vận hành tốt thì đây là “cánh cửa”  quan trọng của Việt Nam với thế giới” - GS. Ha Hun Koo nhận xét. Còn ông Park Ki Chan, thành viên Ban giám đốc Sân bay Incheon, cho rằng cũng như Sân bay Incheon, Sân bay Long Thành phải kết nối tốt với TP.Hồ Chí Minh và các đô thị xung quanh. Việc kết nối thuận lợi và khai thác tối đa vận chuyển hàng từ các nhà máy, khu công nghiệp với sân bay sẽ tạo nên nguồn thu lớn trong tương lai.

Tàu 30 ngàn tấn cập cảng Gò Dầu để bốc dỡ hàng.
Tàu 30 ngàn tấn cập cảng Gò Dầu để bốc dỡ hàng.

Không chỉ là sân bay mà các cảng biển nhóm 5 ở khu vực này cũng rất quan trọng cho phát triển kinh tế. Cả tỉnh hiện được quy hoạch 44 cảng ở các tuyến sông: Đồng Nai (9 cảng), Nhà Bè (9 cảng), Lòng Tàu (18 cảng) và Thị Vải (8 cảng). Trong đó, số lượng cảng đã được đầu tư đi vào hoạt động có 21 cảng, phần lớn nằm ở khu vực Long Thành - Nhơn Trạch. Theo giới logistics, dù không phải là cảng nước sâu, song nhóm cảng biển ở đây lại khá gần các khu công nghiệp, đây là một lợi thế trong việc khai thác vận tải. Các cảng được đầu tư xây dựng đúng tầm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như Cảng Gò Dầu khi được đầu tư đúng mức cho phép tàu 30 ngàn tấn cập cảng, sản lượng hàng hóa qua cảng đã tăng vọt.

* Nối trục đường chính

Phân tích về 2 vùng dự án rất quan trọng này, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho rằng hệ thống đường kết nối cho sân bay và cảng biển trong thời gian tới phải tập trung đầu tư rất lớn. Việc xây dựng này không chỉ là những tuyến đường của tỉnh mà cả những tuyến đường do Bộ Giao thông - vận tải quản lý. “Đầu tư các tuyến đường quan trọng phải được thực hiện song song với thời gian xây dựng Sân bay Long Thành để khi sân bay đi vào hoạt động có đường kết nối ngay mới hiệu quả” - ông Liêm nói.

Theo kiến nghị của Sở Giao thông - vận tải, một loạt các tuyến đường sẽ phải đầu tư sớm như: xây dựng trước tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn này có chiều dài khoảng 12km với quy mô 4 làn xe phục vụ kết nối các tỉnh miền Tây qua cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Sân bay Long Thành; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đồng bộ với việc xây dựng Sân bay Long Thành để có thể đảm bảo hướng kết nối phía Bắc cho sân bay. Giai đoạn 2 của tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng đã đến lúc cần phải đầu tư đoạn từ TP.Hồ Chí Minh đến quốc lộ 51 với quy mô 6-8 làn xe theo quy hoạch mới đáp ứng kịp lưu lượng xe lưu thông đang tăng mạnh.

Ngoài ra về phía tỉnh, sớm chấp thuận chủ trương cho triển khai xây dựng tuyến đường 25C đoạn từ hương lộ 19 đến quốc lộ 51 và đoạn từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch đến đường vành đai 3. Đây là tuyến đường khá quan trọng cho kết nối giao thông giữa TP.Hồ Chí Minh - Nhơn Trạch - Long Thành.

VÂN NAM

Tin xem nhiều