3 năm học cao đẳng, liên thông đại học rồi thạc sĩ sinh học, người thân quen ai cũng đinh ninh Nguyễn Đức Quang (ở ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) sẽ yên vị công tác ở giảng đường đại học.
3 năm học cao đẳng, liên thông đại học rồi thạc sĩ sinh học, người thân quen ai cũng đinh ninh Nguyễn Đức Quang (ở ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) sẽ yên vị công tác ở giảng đường đại học.
Nguyễn Đức Quang (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng chuối cấy mô cho đoàn viên, thanh niên xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: Nga Sơn |
Thế nhưng, chỉ vì 2 chữ “nặng nợ” mà anh đã quyết định từ bỏ giảng đường đại học, từ bỏ công việc nhàn thân để trở về quê nghiên cứu, sản xuất các loại giống cấy mô, vừa làm giàu cho bản thân, vừa đáp ứng nhu cầu cây giống cấy mô cho người dân trong vùng.
* Bỏ giảng đường...
Với những việc đã làm và kết quả đã đạt được trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật..., cuối tháng 11-2017, ThS. Nguyễn Đức Quang là đại diện duy nhất của tỉnh Đồng Nai được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII. |
Dưới cái nắng oi ả của những ngày cuối năm, theo chân cán bộ Đoàn xã Thanh Bình, chúng tôi tìm đến căn nhà nơi anh Quang và gia đình đang sinh sống, phía sau nhà là phòng nuôi cấy mô và mảnh vườn với các loại giống chuối cấy mô xanh mơn mởn. Vừa rót ly nước trà xanh còn ấm mùi gừng, anh Quang bắt đầu chia sẻ về niềm đam mê của mình với các loại giống cấy mô.
Anh Quang kể, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm sinh học ở Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), anh tiếp tục được tạo điều kiện liên thông lên đại học, rồi tiếp tục học lên cao học.
Năm 2014, sau một thời gian công tác tại một trường THCS, anh Quang chuyển về công tác tại Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên (Trường đại học Đồng Nai) và phụ trách phòng nuôi cấy mô sinh học của trường. Ở môi trường sư phạm, công việc không mấy vất vả, có điều kiện để anh phát huy khả năng.
Thế nhưng, cũng từ khi về công tác tại Trường đại học Đồng Nai, sáng nào anh cũng phải dậy thật sớm, đón xe buýt lên Biên Hòa đi làm đến tối mới về nhà ở Trảng Bom. Vừa mất nhiều thời gian di chuyển, chi phí đi lại cao, lương bổng mỗi tháng còn lại không bao nhiêu. Và quan trọng hơn, niềm đam mê sản xuất ra nhiều loại giống cấy mô thôi thúc, nên vừa qua vượt lên lời cản ngăn của người thân, bạn bè, anh Quang đã làm đơn xin nghỉ việc để đầu tư toàn thời gian, công sức cho công việc sản xuất giống cấy mô, phát triển kinh tế gia đình.
* Đam mê với chuối cấy mô
Từ những năm 2007-2008, anh Quang thấy thị trường có nhu cầu xuất khẩu chuối nên anh đã ấp ủ ý định trồng thử nghiệm khoảng 1 hécta chuối cấy mô. Thế nhưng, khi anh đi mua cây giống lại không có. Anh Quang chia sẻ, qua tìm hiểu tài liệu được biết vào khoảng năm 1987, sau khi dự án trồng chuối của Đài Loan thất bại do không hợp điều kiện thổ nhưỡng, một số nhà nghiên cứu đã lấy một số giống chuối có hàm lượng dinh dưỡng cao nghiên cứu và sản xuất thành công giống chuối cấy mô đưa vào trồng đại trà. Sau này, vì nhiều lý do khác nhau, dự án trồng chuối dừng lại. Tuy nhiên, một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Trảng Bom vẫn tiếp tục trồng loại chuối này. Sau một thời gian dò hỏi và tìm đến mua cây con với số lượng lớn về trồng nhưng đều bị chủ vườn từ chối. Cố gắng thuyết phục lắm, chủ vườn mới bán cho anh vài cây.
Nhờ vốn kiến thức về kỹ thuật cấy mô đã học, cộng với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, sau 8 tháng, từ những cây giống được chọn từ những bụi chuối phát triển và cho năng suất tốt, anh Quang đã nhân giống thành công.
Ngay lập tức, anh triển khai trồng 2.300 cây giống trên diện tích khoảng 1 hécta của gia đình. Tuy nhiên, còn khoảng 1 tuần được thu hoạch thì vườn chuối đầu tiên của anh Quang gặp phải bão, anh phải cắt bán vội, so với vốn đầu tư ban đầu anh lỗ 80 triệu đồng.
Sau lần thất bại ấy anh vẫn kiên trì xuống giống. Nhìn vào vườn chuối đầy sức sống và năng suất cao bằng giống chuối cấy mô do chính anh sản xuất ra, người dân trong vùng tìm đến đặt mua. Mỗi năm anh bán ra khoảng 200-500 ngàn cây giống, thu về khoảng 700 triệu đồng/năm. Anh Quang cũng cho biết thêm, 2 năm trở lại đây, giống chuối cấy mô của Trung Quốc tràn sang bằng con đường không chính ngạch nhiều nên số lượng cây giống mà anh bán ra giảm hơn so với trước. “Từ những khó khăn hiện tại, tôi sẽ cố gắng khắc phục bằng cách tạo ra nhiều loại giống cấy mô. Hiện tại tôi đã sản xuất được tất cả các loại chuối cấy mô và đặc biệt là tiêu cấy mô. Với loại giống tiêu cấy mô, thời gian sinh trưởng ngắn và bộ rễ phát triển khá mạnh” - anh Quang bộc bạch.
* Tìm kiếm đầu ra ổn định
Không dừng lại ở sản xuất các loại giống cấy mô, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối cấy mô cho người dân mà anh Quang còn đang ấp ủ một dự định lớn - tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối cấy mô, nhất là sau sự cố Trung Quốc ngưng nhập chuối cấy mô khiến nông dân trồng chuối điêu đứng, các ban, ngành, đoàn thể phải vào cuộc để “giải cứu” chuối.
Theo lý giải của anh Quang, việc phát triển giống chuối cấy mô là mô hình mới của địa phương. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn quen với cách trồng trọt truyền thống mà chưa quen vận dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc cây. Chẳng hạn, người nông dân quan niệm trồng quầy chuối phải to, trái phải lớn, đẹp. Và vì thế thay vì sử dụng các loại phân bón hữu cơ thì lại lạm dụng phân hóa học. Điều này trái ngược với quan điểm của thế giới - phát triển bình thường, quả chuối không cần lớn nhưng đảm bảo hàm lượng chất dinh dưỡng. Chính vì cách nghĩ và cách làm của người dân, nên sản phẩm chuối chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc rất bấp bênh.
Trước thực trạng này, UBND xã Thanh Bình đã ra quyết định thành lập Tổ hợp tác chuối nhằm cắt bỏ tất cả các khâu trung gian. Tuy nhiên, theo anh Quang, để làm được điều này, tổ hợp tác sẽ phải liên hệ ký hợp đồng với các bếp ăn công nghiệp. Tiếp đó là đầu tư xây dựng các phòng lạnh để xử lý chuối chín bằng xông khí etylen. Riêng cá nhân anh, với khả năng ngoại ngữ của mình, anh dự định sẽ đi Singapore và Malaysia đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm chuối cấy mô tại chợ nông sản. “Nếu làm được điều này, đồng thời người dân chuyển sang sản xuất sạch đạt chuẩn GlobalGAP thì vấn đề đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối cấy mô sẽ không còn xa” - anh Quang nói.
NGA SƠN