Đang mon men bước sang tuổi… thất tuần, nhưng máu giang hồ vẫn còn sôi sục, lại chợt nghe đám phượt thủ nội địa tán dương nhau trên mạng về những "cung đường huyền thoại", mấy "địa điểm phải đến một lần trong đời"… mà mình đã từng đặt chân, tôi lại khăn gói lên đường.
Đang mon men bước sang tuổi… thất tuần, nhưng máu giang hồ vẫn còn sôi sục, lại chợt nghe đám phượt thủ nội địa tán dương nhau trên mạng về những “cung đường huyền thoại”, mấy “địa điểm phải đến một lần trong đời”… mà mình đã từng đặt chân, tôi lại khăn gói lên đường. Chuyến đi “bụi” lần này là những nơi mà từ lâu tôi tâm nguyện thế nào trong đời cũng phải một lần đến.
Áo váy mới mừng xuân của các bé gái HMông ở bản Sài Khao |
Điểm đầu tiên là Mường Lát, Sài Khao - vùng biên cương xa thẳm miền Tây Thanh Hóa, nơi từ hơn 70 năm trước có trên 200 chàng trai nghĩa khí, hào hoa của Hà Nội đã men theo “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” để… “lên Tây Tiến mùa xuân ấy” tạo nên chất men cho nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng sáng tác tuyệt phẩm Tây Tiến kiêu hùng, mà cũng rất trữ tình, lãng mạn. Trong đó những câu thơ như: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi…” cứ thôi thúc tôi phải lên đường.
* “CHỨNG NHÂN” CUỐI CÙNG Ở MƯỜNG LÁT
Nằm cách trung tâm TP.Thanh Hóa chỉ khoảng 300km, nhưng huyện miền núi Mường Lát tưởng chừng xa xôi diệu vợi, bởi lên vùng cao này bây giờ bằng phương tiện cơ giới hiện đại vẫn cứ phải… “nếm mùi Tây Tiến” ngày xưa: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” khởi từ huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước đến “Hang Ma” Quan Hóa, rồi mới lên được “cổng trời” Mường Lát.
Huyện có đường biên với Lào dài 97km này có địa hình, địa thế rất đặc biệt. Nằm trên độ cao 700m so mực nước biển, Mường Lát là nơi đón dòng sông Mã hùng vĩ khởi nguồn từ dãy Phu Huổi Long cao 2.178m trên vùng Tây Bắc làm một cuộc hành trình dài 102km trên đất bạn Lào trước khi quay về cố quốc ngay tại Mường Lát.
Tén Tằn, Mường Chanh - địa đầu huyện Mường Lát cách căn cứ địa Sầm Nưa của Lào chỉ khoảng 50km đường rừng, còn thị trấn biên giới Xốp Hào cách đó cũng chỉ vài km, nên Mường Lát từng là điểm kết nối quan trọng của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Thế nên quân Pháp đã xây dựng một hệ thống đồn bốt kiên cố để ngăn chặn bộ đội “Việt Minh”.
Bước vào Xuân Mậu Tuất này, cụ Lương Văn Pém (88 tuổi, thân phụ của Bí thư Huyện ủy Mường Lát đương nhiệm) là người du kích thời Tây Tiến cuối cùng hiện còn sống tại bản Xim (thuộc xã Quang Chiểu) kể rằng: “Từ giữa năm 1947, đoàn quân Tây Tiến đã bắt đầu về hoạt động trong vùng Mường Lát. Lúc mới về, bộ đội ở sâu trong rừng để tránh quân lính Pháp càn quét, nhưng thường bí mật về bản chuyện trò và dạy chữ cho bà con, rất được mọi người yêu quý. Lúc đó tôi 17 tuổi, cao to, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, thông thuộc địa hình khắp vùng, lại biết được tiếng các dân tộc bản địa như Thái, H’Mông, Khơ mú, Lào nên được già làng cho phép tình nguyện gia nhập đội du kích để làm nhiệm vụ dẫn đường và chỉ điểm cho bộ đội Tây Tiến né tránh càn quét, ém quân tiêu diệt đồn bốt Pháp cùng bọn thổ ty (Quan lại xưa cha truyền con nối ở miền dân tộc thiểu số - TS). Khoảng 20 du kích khác trong đội tham gia dẫn đường, cất giấu muối, tiếp tế lương thực. Thời đó, rừng Mường Lát mênh mông cây cỏ, bản làng thưa thớt, cọp nhiều vô kể. Nhiều khi cọp còn mò vào bản bắt heo, bò, người dân phải thức đốt đuốc cả đêm để xua đuổi chúng về rừng”.
Nghĩ một lát, ông Pém kể tiếp: “Khi làm nhiệm vụ giữ liên lạc với cán bộ, chiến sĩ từ Lào về Mường Lát rồi sang Hòa Bình, tôi ngày ngày lội suối, băng rừng đi hàng chục cây số từ suối Xim sang Hủa Phăn, lên Sài Khao, Bản Lát, Mường Chanh, Tam Chung… đưa thư, dẫn đường, chỉ nơi mật phục để bộ đội tiêu diệt địch. Cứ đêm đến, trong các lán trại giữa rừng sâu, chúng tôi lại được dạy đọc, viết. Không có sách, chúng tôi lấy một tấm gỗ mài nhẵn rồi dùng bút chì viết lên, xong mài đi rồi viết lại. Nhiều người trong đội du kích rất thích học chữ. Lúc rảnh rỗi chúng tôi tập viết trên đất, trên lá cây... nên chỉ 2 tháng theo học, tôi đã đọc, viết thành thạo, trở thành người đầu tiên ở bản Xim biết chữ quốc ngữ”.
Biết chữ làm nhiệm vụ giao liên thuận tiện hơn, sau đó Pém cũng là người dân tộc Thái đầu tiên ở Mường Lát đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến đầu năm 1948, bộ đội Tây Tiến chia ra đóng quân ở nhiều bản làng, bộ chỉ huy đặt ở Sài Khao. Thời đó quân Pháp đóng đồn bốt dọc chân núi Lát và thường tổ chức càn quét, lùng sục khắp vùng rừng núi dọc theo sông Mã, chứ chưa dám lên đỉnh Sài Khao vì nơi này quá hiểm trở và hẻo lánh, chỉ có một số nhà sàn của người dân tộc Thái nằm chênh vênh bên triền núi với một bên vách đá thẳng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, con người chỉ có thể đi lại bằng lối mòn men theo vách núi.
* HỒN VỀ SẦM NỨA….
Bị ám ảnh và mê hoặc bởi câu thơ “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” cũng trong bài Tây Tiến của Quang Dũng, tôi lò mò tìm đường đến Sầm Nưa. Từ cửa khẩu Tén Tằn của Mường Lát qua Sầm Nưa chỉ khoảng 80km đường bộ, nhưng ngặt nỗi tuyến đường này khó kiếm xe và cũng rất nguy hiểm vì Mường Lát lâu nay được xác định là địa bàn trọng điểm về ma túy, mà khu vực này cũng là một trong những cung đường vận chuyển. Thế là tôi đành phải trở ra Thanh Hóa rồi đi ngược trở lên Quan Sơn để qua Lào từ cửa khẩu Na Mèo. Na Mèo cũng là đất dữ, từng khét tiếng trong việc vận chuyển, buôn bán ma túy.
Phù điêu ở tượng đài Sầm Nưa ghi dấu tình quân dân Việt - Lào |
Xamneua mà người Việt hay gọi là Sầm Nứa, hay Sầm Nưa từng có tên xưa là Mương Nứa (mường cực Bắc), hiện là thủ phủ tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, Sầm Nưa là căn cứ địa cách mạng chung của 2 nước Việt - Lào. Đây là nơi ra đời Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Mặt trận yêu nước Lào.
Từ Sầm Nưa, đêm 20-10-1945, Trung đoàn Tây Tiến đã phối hợp với bộ đội Lào cơ động ra tận Mường Láp cách đó khoảng 50km đánh tan đám tàn quân Vân Nam, mở đầu cho trang sử oai hùng của vùng địa linh nhân kiệt xứ sở Triệu Voi. Thời chống Mỹ, từ căn cứ địa Sầm Nưa, các đơn vị chủ lực Việt Nam sát cánh cùng bộ đội Pathet Lào tiến công địch ở Thượng Lào, chia lửa Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, hỗ trợ mặt trận Đường 9 Nam Lào…
Đến thị xã Sầm Nưa xinh đẹp, hiền hòa nằm gọn trong một thung lũng xanh tươi được bao bọc bởi bốn bề lô nhô núi đá vào mùa xuân, tôi gần như bị hút hồn bởi những hàng đào đỏ rực tô điểm cho những công trình kiến trúc Lào pha trộn Âu khá là lạ mắt. Doanh nghiệp Việt Nam đang có vị thế quan trọng không những ở Sầm Nưa mà cả tỉnh Hủa Phăn.
Ở xứ sở Triệu Voi, tôi có duyên may là lang thang được khá nhiều nơi, từ cố đô cổ kính Luang Phabang đến Vang Viêng - thị trấn du lịch quốc tế đông nghẹt khách Tây, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng kỳ bí, xuống tận Savannakhet, Champassak… toàn là những nơi có thể thưởng thức cái thú “sống chậm”, sống ung dung của người Lào mà dân du lịch mang đủ quốc tịch khác nhau trên thế giới đều thích: “Ngồi uống bia Lào, nhìn nước sông Mê Kông trôi, ngắm hoàng hôn lặn”; tôi còn “bảnh” hơn là múa Lăm Vông, đi được 9 kiểng chùa trong ngày Pi Mày (lễ mừng năm mới theo truyền thống Lào) ở ngay địa danh mà nhà thơ Quang Dũng từng mơ mộng: “Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
* NGƯỜI ĐI CHÂU MỘC CHIỀU SƯƠNG ẤY!
Từ Sầm Nưa quay về Việt Nam ở cửa khẩu Pa Háng của Lào, tôi qua cửa khẩu Lóng Sập thuộc địa bàn tỉnh Sơn La. Vùng biên giới này với Vân Hồ, Mộc Châu còn “nóng” hơn rất nhiều lần “trọng điểm ma túy” Mường Lát.
Công viên Trung tâm thị trấn Sầm Nưa. |
Mấy năm trước “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” của tỉnh Hòa Bình dập dìu du khách và tôi cũng đã homestay trong một bản Thái để làm “khách nhà sàn” thưởng thức cơm lam, gà đồi, nước vác, nhảy sạp, múa xòe…, thì bây giờ cao nguyên Mộc Châu lại đang là điểm du lịch “hot” ở miền Bắc; đặc biệt là dân phượt Hà Nội mê mùa hoa cải với những cánh đồng trải một màu trắng tinh khôi tràn ngập núi đồi, thảo nguyên cùng mấy vườn đào, mận, chè… rực rỡ sắc hương. Rảo một vòng trên cao nguyên Mộc Châu, tôi không thể tìm đâu ra được hình ảnh “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” nữa rồi. Mộc Châu bây giờ nhộn nhịp, rộn ràng những dãy hàng quán, khách sạn, homestay, cơ sở dịch vụ đưa đón khách tham quan, du lịch… Chỉ cái món bê chao đã có đến hàng chục nhà hàng đặc sản trương bảng chình ình quảng cáo.
Giữa một không gian rộn ràng, sặc mùi ẩm thực ăn chơi đó, thật bất ngờ mọi sự gần như chùng lại trước khu di tích lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tọa lạc tại đồi Nà Bó thuộc tiểu khu 12 ngay trong lòng thị trấn Mộc Châu. Khu di tích này thiết kế dựa theo ý tưởng bài thơ
Tây Tiến của Quang Dũng, được Mộc Châu xây dựng vào năm 2006. Năm 2015 tỉnh Sơn La vận động đầu tư tôn tạo lại và khánh thành vào 20-8-2016, được công nhận là Di tích Quốc gia. Công trình xây dựng khu lưu niệm đoàn quân Tây Tiến hiện đang là điểm nhấn trên cao nguyên Mộc Châu xanh tươi, khoáng đãng. Tôi bước vào khu nhà đặt văn bia tưởng niệm thì “khám phá” thêm một... “áng văn” với lời lẽ mộc mạc, chân thành nhưng có sức lay động và hào hùng không thua kém gì bài thơ Tây Tiến. Đó là bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam viết ngày 1-2-1947 gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Tiến: “Hôm nay các đồng chí lên đường lãnh nhiệm vụ về hướng Tây, theo gót một số đơn vị đã sớm tiến trên con đường 6 lên Mộc Châu - Sơn La, Điện Biên Phủ và Sầm Nưa hay miền lân cận Xiêng Khoảng, Sê Pôn… Mong các đồng chí xác định và vạch rõ được nhiệm vụ nặng nề, thiêng liêng mà Nhà nước đã giao phó. Tôi lại kêu gọi các đồng chí chuẩn bị tinh thần đầy đủ để ứng phó với tất cả những khó khăn, hiểm nghèo đang đợi chờ các đồng chí ở nơi chiến địa. Miền Việt Tây đối với nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng. Trên con đường về miền Tây, các đồng chí phải lặn lội nơi rừng xanh, suối bạc ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường về hướng Tây là đủ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này, bộ đội sẽ phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở… nên tôi có mấy lời căn dặn, các đồng chí ghi nhớ cho… Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta đã thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”.
Hơn 70 năm trôi qua nhưng những lời căn dặn ân cần của vị tướng nhân dân đối với hơn hai trăm chàng trai Hà Nội - những người “… lên Tây Tiến mùa Xuân ấy”, những “… người đi không hẹn ước” mà tôi đọc được trên tấm bia lưu niệm hôm nay vẫn làm cho tôi rưng rưng cảm xúc. Cũng như khi đứng trên đồi Nà Bó nhìn về hướng biên giới Việt - Lào thấy ngọn Pha Luông cao hơn 1.500m “heo hút cồn mây”, tôi lại càng xúc động trước hình ảnh “đường lên thăm thẳm một chia phôi” với tình cảnh “rải rác biên cương mồ viễn xứ/áo bào thay chiếu anh về đất” của không ít người đi “Tây Tiến mùa xuân ấy”.
Ôi bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng bi tráng mà kiêu hùng, lãng mạn quá. 70 năm ra đời đã làm rung động biết bao con tim.
BÙI THUẬN