Cuối năm là thời điểm các đơn vị thuộc Quân khu 7, Quân đoàn 4 tổ chức diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng tại Trường bắn quốc gia khu vực III (Trường bắn Mây Tào), thuộc huyện Xuân Lộc. Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong diễn tập là tổ chức hành quân chiến đấu của lực lượng pháo binh.
Cuối năm là thời điểm các đơn vị thuộc Quân khu 7, Quân đoàn 4 tổ chức diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng tại Trường bắn quốc gia khu vực III (Trường bắn Mây Tào), thuộc huyện Xuân Lộc. Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong diễn tập là tổ chức hành quân chiến đấu của lực lượng pháo binh. Để đưa được những khẩu pháo hạng nặng vào trận địa trong tình huống chiến tranh là cả một quá trình chuẩn bị công phu, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kỷ luật, kỹ, chiến thuật... Bộ đội ta yêu quý gọi pháo là “voi”...
Các pháo thủ lấy phần tử bắn cho “voi”. Ảnh: HỮU NHIỆM |
* ĐƯA “VOI” QUA SÔNG
Cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng do Quân đoàn 4 phối hợp với các đơn vị bạn tổ chức giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là đợt sát hạch toàn diện chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu năm 2017. Thiếu tướng Phạm Xuân Thuyết, Tư lệnh Quân đoàn 4, nói rằng chiến tranh hiện đại (nếu xảy ra), ngoài yêu cầu cao về trình độ, kỹ năng tác chiến của bộ đội đối với các loại vũ khí, trang bị quân sự hiện đại, đòi hỏi sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân binh chủng và khả năng cơ động nhanh chóng, chớp thời cơ linh hoạt của các lực lượng tham chiến, trong đó pháo binh giữ vai trò là người “dọn đường”.
Được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, chúng tôi bám theo lực lượng diễn tập của Lữ đoàn Pháo binh 434, đơn vị pháo binh chủ lực trong cuộc diễn tập này. Bên đoàn xe kéo pháo, Đại tá Dương Văn Thùy, Chính ủy và Thượng tá Trần Minh Hiểu, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng lữ đoàn, thông báo vắn tắt với chúng tôi về hành trình đưa các khẩu đội pháo hành quân chiếm lĩnh trận địa. Lộ trình hành quân dài hơn 130km, bắt đầu từ doanh trại đơn vị và đích đến là trận địa pháo binh ở Mây Tào, hành quân đường bộ và vượt sông Đồng Nai bằng phà công binh chuyên dụng. Điểm vượt là một vị trí bí mật thuộc địa bàn Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Sau khi vượt sông, các khẩu đội tiếp tục hành quân trong đêm, đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau có mặt tại Mây Tào, chiếm lĩnh trận địa, triển khai phương án chiến đấu.
Đúng 15 giờ, Đại tá Lê Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng, hạ mệnh lệnh hành quân. Các khẩu đội pháo 105 ly, pháo tự hành BM21, pháo 130 ly... được biên chế thành các đại đội, phủ kín lá ngụy trang, theo thứ tự lần lượt lên đường. Đội hình xe kéo pháo giữ cự ly hành quân mỗi phương tiện cách nhau 30m. Gần 30 chiến sĩ lái xe kéo pháo được chọn “ra trận” lần này đều là những tay lái cự phách, người có thâm niên ít nhất cũng đã 10 năm tuổi quân. Đại úy Phạm Văn Hoàn, lái xe kéo pháo 130 ly, hào hứng: “Tính đến Tết Mậu Tuất 2018, tôi tròn 20 năm cầm vô lăng kéo pháo, tham gia hàng chục cuộc diễn tập. Mỗi lần đưa “voi” ra trận, cảm giác sung sướng, tự hào rất khó tả. Hình ảnh của bà con Đồng Nai đứng hai bên đường vẫy tay chào đoàn xe qua hay mỗi lúc nín thở, cắn răng, canh từng mi-li-mét đưa “voi” qua sông, đặt “voi” vào trận địa, chứng kiến “voi” khạc lửa nhả đạn... lại thêm vững tin, tự hào về con đường binh nghiệp của mình...”.
Khác với các loại pháo binh khác, pháo 130 ly có cấu tạo rất “khủng”, nặng hàng chục tấn, nên khi hành quân, xe kéo pháo chỉ có tiến chứ không thể lùi. Khi hành quân qua địa hình đồi núi phức tạp, đòi hỏi lái xe phải có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm xử lý tình huống tốt, không được phép mắc sai lầm, dù là nhỏ nhất.
19 giờ, các khẩu đội vào vị trí trú quân bên bờ sông Đồng Nai, nhanh chóng triển khai đội hình, phối hợp với lực lượng công binh của Lữ đoàn 550 đưa “voi” qua phà. Cuối mùa mưa, vào kỳ nước lớn, sông Đồng Nai dâng nước cao ngập cả mấy trảng cây lúp xúp ven bờ, dòng chảy mạnh. Chỗ sâu nhất ở đoạn sông này gần 50m. Do hành quân trong trạng thái chiến đấu nên mọi thao tác đều diễn ra bí mật, khẩn trương. Không có bất cứ thứ ánh sáng nhân tạo nào được bật lên. Tất cả diễn ra dưới ánh trăng yếu ớt và màu nước bàng bạc. Rất trật tự, tỉ mỉ và nhanh chóng, lần lượt các chú “voi” theo đội hình chiến đấu được kéo qua phà an toàn, kịp thời, chính xác, đáp ứng yêu cầu thời gian đến từng phút.
Đại tá Lê Văn Sơn cho hay vượt sông là công đoạn khó khăn, phức tạp nhất của đội hình pháo binh hành quân diễn tập. Để vượt sông thành công, đơn vị đã xây dựng, triển khai kế hoạch huấn luyện chu đáo, chuẩn bị lực lượng, phương tiện luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động. Sau nhiều năm tổ chức vượt sông diễn tập chiến đấu, các bộ phận, khẩu đội và từng pháo thủ đã thuần thục kỹ, chiến thuật chiến đấu...
* “VOI” GẦM TRONG ĐÊM
Màn khai hỏa đầy uy lực của "voi" 130 ly. Ảnh: Hữu Nhiệm |
Đúng giờ “G”, tức 1 giờ 30 phút sáng, hàng chục chú “voi” các loại được đưa vào trận địa, phủ phục trong các vách núi, hầm hào bí mật. Đội hình xe kéo pháo nhanh chóng được đưa về nơi cất giấu an toàn, nhằm tránh hỏa lực “địch”. Trường bắn Mây Tào rừng âm u, núi đồi nhấp nhô huyền bí, hoang sơ. Trong màn đêm, các pháo thủ căng mắt xác định tọa độ, mục tiêu, tính toán phần tử bắn, nạp đạn, sẵn sàng khai hỏa. Các thao tác chỉ tính bằng giây. Mục tiêu là trận địa phòng ngự của “địch” cách 10km, nằm ở bình độ 212 trên núi Mây Tào. Hàng trăm quả đạn to như cây chuối, vàng chóe đã nằm gọn trong nòng pháo và vị trí nạp đạn.
Mệnh lệnh chiến đấu được phát ngay trong đêm. Sứ mệnh của “voi” là phải tiêu diệt “địch” ngay từ loạt đạn đầu, phối hợp với không quân “giải phóng mặt bằng” cho xe tăng, thiết giáp và bộ binh xung phong đánh chiếm đầu cầu, làm chủ trận địa. Mấy chục khẩu pháo như những chú “voi” vươn vòi khạc lửa. Hỏa lực pháo binh có sức công phá ghê gớm, rung chuyển cả một vùng rừng núi, tạo nên những quầng lửa đầy uy lực và kiêu hãnh, âm thanh tiếng nổ vang xa đến cả chục cây số. Từng loạt đạn pháo như những con rồng lửa vun vút xé toạc màn đêm. Tất cả các mục tiêu trong phạm vi 1 ngàn m2 trên núi Mây Tào bị tiêu diệt. Xe tăng, thiết giáp và các đơn vị bộ binh thừa thắng xông lên. Biên đội Su-30MK2 từ Sân bay Biên Hòa được lệnh cất cánh, phóng rốc-két tiêu diệt lực lượng địch chi viện. Trời sáng, cuộc diễn tập kết thúc. Pháo binh Lữ đoàn 434 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tất cả các loạt đạn đều bắn trúng, chụm mục tiêu…
* KHÔNG ĐỂ TỔ QUỐC BỊ ĐỘNG, BẤT NGỜ
Thiếu tướng Phạm Xuân Thuyết cho hay là đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng ở Nam bộ, Quân đoàn 4 đảm nhiệm cơ động, phối hợp chiến đấu khi có tình huống xảy ra trên địa bàn rộng lớn, tính chất địa hình hỗn hợp, có cả rừng núi, đô thị, đồng bằng sông nước... Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Quân đoàn 4 phải huấn luyện, diễn tập thuần thục kỹ năng phối hợp tác chiến trên mọi địa hình, đặc biệt là khả năng cơ động nhanh chóng, linh hoạt, chủ động chiếm lĩnh ưu thế của các lực lượng trực thuộc, phối thuộc, trong đó pháo binh là “quả đấm thép”.
Kiểm tra pháo tự hành BM21 trước khi xuất quân. Ảnh: Lê Cầu |
Uy lực của pháo binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã vang khắp thế giới từ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Biệt danh “voi” được các chiến sĩ Điện Biên đặt cho pháo binh từ đó. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của hỏa lực pháo binh Việt Nam đã góp phần đặc biệt quan trọng cho chiến thắng. Theo mạch truyền thống sức mạnh ấy, các đơn vị pháo binh biên chế trong các quân khu, quân đoàn và Bộ Tư lệnh Pháo binh hiện nay, được tổ chức huấn luyện bài bản, khoa học, hệ thống trang thiết bị từng bước được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh hiện đại.
Đại tá Dương Văn Thùy cho biết Lữ đoàn 434 là đơn vị pháo binh chủ lực, cơ động phối hợp, phối thuộc chiến đấu trong đội hình tác chiến quân binh chủng ở địa bàn Nam bộ. Những năm gần đây, lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Bộ Tổng tham mưu đánh giá cao ở chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến đấu, đặc biệt là khả năng cơ động của đội hình pháo binh trên địa bàn hỗn hợp và trình độ, kỹ năng bắn đạn thật, tiêu diệt mục tiêu. Bộ đội pháo binh Quân đoàn 4 với sức mạnh của “quả đấm thép” luôn chủ động, sẵn sàng cơ động chiến đấu, kiên quyết không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
Vào mùa diễn tập, người dân huyện Xuân Lộc lại háo hức trước những đoàn xe quân sự rước “voi” về núi Mây Tào. Hình ảnh hùng tráng, uy lực của “voi” và bộ đội Cụ Hồ là điểm tựa, niềm tin của nhân dân, là thông điệp cho mùa xuân đất nước yên bình…
PHAN TÙNG SƠN