"Em ơi đợi anh về <br>
Đợi anh hoài em nhé!<br>
Mưa có rơi dầm dề<br>
Ngày có buồn lê thê...
“Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé!
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Thì em ơi cứ đợi
Dù tuyết rơi gió nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi...”
- Anh! Sao anh biết bài thơ đó?
Nghe nàng lạc giọng hỏi, anh giật mình chết điếng. Anh đang ngồi trong cái nhà mát giữa vườn trái cây Hiệp Hòa, cùng một cô tiểu thư xinh đẹp - con gái một bác sĩ quân y của Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải ở giảng đường đại học, càng không phải nơi chiếc lán giữa rừng của anh. Trong câu chuyện vui của người gia sư, anh đã hớ hênh đến điên rồ đọc cho nàng nghe bài thơ ấy, còn say sưa kể về một nước Nga xa xôi... Gương mặt Huỳnh Mai còn xanh hơn chiếc lá, nàng nhìn anh bằng ánh mắt hoảng hốt và đau đớn. Thái lặng người đi vì nhận ra sai lầm chết người của mình, rồi anh lấy hết sức bình sinh nắm chặt tay nàng:
- Mai à! Đúng là anh mang một thân phận khác. Nhưng bài thơ ấy chính là những lời anh muốn trao gửi cho em. Em có đồng ý đón nhận nó không?
Mai cúi đầu, lặng lẽ, run rẩy khóc, những ngón tay rời khỏi tay anh nhẹ bẫng. Thái ngửa đầu nhìn lên vòm lá buổi chiều vàng hoe màu nắng, tự nhủ lòng mình khi rời khỏi, anh vĩnh viễn để lại nơi đây tất cả, có thể là cả mạng sống của mình...
Nhưng bất ngờ Huỳnh Mai ôm chầm lấy anh, má nàng kề vào vai anh nóng hổi:
- Vậy là em sắp phải từ biệt anh rồi sao?
Thái chết sững người, không dám chạm tay vào nàng, tim anh quặn thắt. Một chấn động sâu xa chưa từng có. Nàng ôm chặt anh hơn, vừa khóc vừa lay người anh:
- Anh nói đi, anh sắp phải đi xa phải không?
- Đúng rồi Huỳnh Mai. Đợi anh về, được không?
- Vâng, em đợi... Đừng nói thêm gì nữa, nếu đó là bí mật anh không được phép nói ra...
***
Đêm mùng 2 tết, tiếng súng nổ khiến cho thị xã Biên Hòa náo động. Chú của Huỳnh Mai đang ngồi nhậu với anh trai, vội đeo súng nhảy lên chiếc xe Jeep không mui lao vào bóng đêm. Lát sau ba nàng cũng bị gọi vào sân bay Biên Hòa vì có sĩ quan Mỹ bị trúng bom. Bà nội và mẹ nàng khóc, quỳ xuống van vái trước bàn thờ, còn Huỳnh Mai lao lên lầu, mở toang cửa sổ tìm nơi vang lên tiếng súng. Nhưng hình như góc nào của thị xã cũng bị tấn công. Điện thoại gọi về, cha nàng bảo chuẩn bị bay về Tân Sơn Nhất. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Biên Hòa bị quân giải phóng đánh chiếm thì mẹ nàng hãy tìm cách đưa cả nhà về Sài Gòn...
Ngày hôm ấy dài hơn thế kỷ. Bên cạnh những thông tin dồn dập đổ về, Huỳnh Mai đoán rằng Thái đang ở đâu đó giữa Biên Hòa, người ta gọi là biệt động thành.
Chiều tối hôm ấy, cha Huỳnh Mai trở về trong trạng thái thất thần. Rồi chú nàng cũng rẽ vào, rã rời, nhuốm máu. Trong lúc cha nàng ngồi lặng lẽ hút thuốc, thì ông chú đi thẳng vào phòng ăn, quẳng một cái bọc xuống bàn:
- Huỳnh Mai, mày mở cái bọc đó ra đi. Chính tay mày phải mở nó!
Nàng ngơ ngác nhìn chú, ban đầu thì sợ sệt, sau thành hoảng loạn. Cha nàng im lặng, tránh không nhìn ai. Ngần ngừ một lúc, Huỳnh Mai đành đến gần mở cái bọc ấy ra. Một chiếc áo lót cũ rách dính máu và một chiếc dây lưng rơi xuống. Chú nàng chụp lấy nó, dí sát vào mặt nàng:
- Huỳnh Mai, mày xem đi. Cái áo lót của một thằng sinh viên ở tận Hà Nội, và cái dây thắt lưng của một thằng Việt cộng từ trong rừng ra. Xem đi, có cả tên và năm sinh ở đó đó...
- Trời ơi, ba má ơi! Chú ơi! Sao lại là anh Thái?
Huỳnh Mai kêu lên hoảng hốt. Ông chú gằn giọng:
- Đau lòng quá phải không? Sao để thằng lính biệt động ấy nó lừa đảo như vậy hả? Lại còn bày đặt yêu đương, bày đặt trao nhau một mối tình thơ: “Em ơi đợi anh về... Đợi anh hoài em nhé!” Yêu rồi nên chúng mày khai với nhau tuốt luốt mà. Đồ điên!
- Ba ơi ba! Ba ơi! - Huỳnh Mai khóc, nhìn cha cầu cứu.
Ông lắc đầu:
- Đừng khóc nữa. Thằng Thái nó chết rồi!
- Chú ơi!
Ông chú nhếch mép cười nhạt:
- Ba mày đã xem biên bản khám nghiệm tử thi, chứ không phải tao đánh đòn tâm lý nghen! Em đã nói rồi mà anh Hai không tin lời em. Thằng Thái nó không phải là gia sư, nó lừa con gái anh nhằm ám sát em thôi... Em nói với anh Hai một lần chót: gả ngay con nhỏ Huỳnh Mai cho con trai ông tỉnh trưởng đi. Đêm dài lắm mộng!
***
Lần thứ bao nhiêu, ngồi bên bờ suối mà Huỳnh Mai nhớ Thái, thương khóc cho tình yêu ngắn ngủi chưa kịp chớm nở của mình. Cái bóng của tảng đá nhỏ bên cạnh khiến nàng tưởng đó là Thái... Nàng không bao giờ muốn tin những lời ông chú khoe khoang rằng chính tay ông ta đoạt mạng anh. Nhưng mà... kỷ vật ấy thì nàng không thể không tin. Không thể cúi đầu tuân theo mệnh lệnh của người chú độc ác, đầy tham vọng, nàng đành bỏ trốn vào Chiến khu Đ - nơi nàng biết chắc chắn Thái đã từng ở đó. Mẹ nàng ngấm ngầm ủng hộ nàng. Tổ chức không tin nàng, đồng đội của anh không tin nàng, nàng phải cố gắng hết sức để chứng minh sự thành tâm của mình. Nàng chấp nhận thử thách, không sợ cả cái chết. Vì nếu quay trở về nhà thì chắc sống cũng chẳng khác gì chết.
Mưa ngày càng nặng hạt, nhưng Huỳnh Mai không để ý tới. Nàng đã học thơ tiếng Pháp, đọc Chinh phụ ngâm, luyện tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, xem phim Casablanca - những thứ kinh điển về tình yêu. Nhưng không hiểu sao nàng nhớ mãi bài thơ mà Thái đọc trước lúc chia xa. Ở phía xa xa, có bóng người lội qua suối khiến nàng bất ngờ kêu lên: “Anh Thái! Anh Thái!”. Người ấy quay đầu nhìn nàng, rồi vội vàng lội qua suối biến mất. Huỳnh Mai ngồi thụp xuống, cảm thấy hoa mắt, đầu óc bấn loạn. Thái chết rồi, còn đâu mà lội qua suối, còn đâu mà hiện ra trước mắt nàng?
Có lẽ nàng hoang tưởng! Lần đưa thương binh về trạm xá mới, gặp một đoàn từ Trung ương Cục về, nàng có cảm giác ai đó trong đoàn quân đang chăm chú nhìn mình. Nàng đã nói nhanh với trưởng trạm, rồi đi ngược lại để tìm một ánh mắt quen thuộc ấy. Nhưng rồi đoàn người rút nhanh, không chào hỏi, làm quen như thường thấy... Những đêm ngủ trong hầm, nghe hơi thở, hay câu nói mơ ngủ của ai đó nàng thường khóc. “Trông chết cười ngạo nghễ. Ai ngày xưa rơi lệ...” - chính là anh và nàng đó thôi!
***
Rời Mã Đà sơn cước, Huỳnh Mai đi khắp nơi từ Thủ Dầu Một đến Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, rồi lại trở về căn cứ U1. Cuối năm 1974, trong một lần đi nhận tiếp tế lương thực, thuốc men ở Bàu Hàm, nàng bất ngờ gặp mẹ mình. Bà trong vai chủ tiệm thuốc đi giao hàng, thu tiền, còn Huỳnh Mai cũng hóa trang thành một con buôn giàu có. Cuộc giao dịch tất nhiên có giá trị 0 đồng vì đây là hàng ủng hộ cho kháng chiến, do mẹ Huỳnh Mai gom góp được từ một số người có uy tín trong ngành dược ở Biên Hòa, Sài Gòn. Điều làm nàng ngạc nhiên là sự thay đổi của một người mẹ vốn hiền dịu, trước đây luôn sống khép kín và tỏ ra sợ sệt đủ mọi thứ. Giờ bà tỏ ra lanh lẹ, tự tin, ăn mặc cũng sành điệu hơn. Gặp nhau, hai mẹ con khóc vì mừng tủi, nhưng cũng đành khóc lén vì sợ bị lộ ra mọi chuyện. Mẹ nàng nói:
- Vì con đó, Huỳnh Mai. Vì con mà má tham gia mọi chuyện này, mong được gặp con, mong hòa bình lập lại để con sớm trở về với ba má. Và cũng để nói với con một điều này, là thằng Thái vẫn còn sống...
Thái vẫn còn sống sao? Linh cảm của nàng đúng sao? Mặt đất dưới chân nàng chống chếnh, nàng ngã xuống bất tỉnh mà cứ ngỡ mình đang bay về chiến khu tìm Thái. Mẹ nàng chích cho nàng liều thuốc bổ, ép nàng ăn xong tô phở rồi mới kể cho nàng nghe về Thái. Đó là vì trong trận đánh sân bay Biên Hòa hồi Tết Mậu Thân, vì thương bạn nên anh tặng áo và thắt lưng cho bạn. Khi bạn chết anh được lệnh xóa dấu vết luôn. Anh đi miết, đi miết. Có những trận đánh người lính biệt động phải tự làm lễ truy điệu mình, vì vậy mà anh không thể nào xuất đầu lộ diện trước nàng, nhưng Thái biết rõ nàng làm gì, và hết sức tự hào vì tình cảm thủy chung của nàng. Bà gặp Thái cách đây cả năm, cũng từ một lần giao nhận thuốc và hàng tiếp tế.
Bà nói với Huỳnh Mai trước lúc chia tay:
- Kháng chiến thành công, con về với má nghen con! Ba mày bị điều đi chiến dịch, thấy thương binh, tử sĩ nhiều quá mà không cứu được, ổng cứ như bị tâm thần ấy, tâm trạng luôn đau khổ, u uất. Ổng bảo đến khi chiến tranh kết thúc thì ổng sẽ tự tử, má khuyên can hoài mà ổng không nghe...
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi khiến Huỳnh Mai như trở thành một con người khác, lòng nàng tràn đầy hy vọng nhưng cũng mang những dự cảm không vui. Tuy mẹ không kịp nói nhưng rồi nàng biết rằng chú nàng đã bị cách mạng xử tử vì gây ra quá nhiều tội ác, ông không chỉ giết những người có dính líu cách mạng, mà cả người dân cũng bị ông ra tay. Bà nội nàng vì thế mà đổ bệnh, qua đời. Thậm chí bà từ chối, không cho cha mẹ nàng chữa chạy vì bà mang tâm Phật, muốn lấy cái chết để đền tội thay cho con trai. Mấy tháng sau, có lệnh chuyển cứ về thành, Huỳnh Mai biết cuộc kháng chiến chuẩn bị kết thúc, nên nàng xin cấp trên được về Biên Hòa.
Sự có mặt của Huỳnh Mai đã giúp tâm trạng của cha nàng dịu lại. Ngày Biên Hòa giải phóng, tàn quân Mỹ ngụy tháo chạy về Sài Gòn, giẫm đạp nhau theo lệnh “tùy nghi di tản” thì Huỳnh Mai đưa cha mẹ ra hầm trong vườn để trú ẩn, rồi kể cho ông nghe tất cả mọi thứ nàng đã trải qua, và những điều nàng tin tưởng.
Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, êm ả, nàng đưa cha đi dự mít tinh mừng chiến thắng. Ở nhà, mẹ nàng làm mâm cơm chay, mang ra vườn chờ cha con nàng về khấn Phật, khấn bà nội...
Căn chòi nhỏ trong vườn vẫn lặng lẽ êm đềm như ngày nàng thơ bé. Trong làn khói hương phảng phất, cha nàng hứa sẽ ra trình diện chính quyền, sẽ không tìm đến cái chết nữa. Một cơn gió lùa qua những ngọn cây trên cao, lay nhẹ xuống cỏ hoa trên mộ bà nội. Huỳnh Mai rùng mình cảm thấy như có một ánh mắt đang nhìn mình, một túm cỏ lau đang mơ hồ bay vờn bên nàng. Nàng ôm chặt lấy mẹ và khóc:
- Mẹ ơi, mẹ có biết anh Thái ở đâu không?
- Mẹ... không biết...
Huỳnh Mai nhặt được một mẩu giấy ngay góc chòi. Nhờ những ngày đi theo kháng chiến mà nàng đọc được đoạn mật mã ghi trên đó: “Chào đồng chí Huỳnh Mai! Anh là Thái, anh chờ em bên kia sông Cái, tối nay có hội khao quân!”...
***
Mùa xuân năm ấy, mẹ nàng ngồi thêu áo cưới cho nàng trong căn nhà xưa cũ của gia tộc họ Huỳnh. Cha nàng biên thư từ trại cải tạo gửi về, nói rằng ông sẽ được về trước ngày cưới của nàng, rằng ông không ngại ngùng xấu hổ mà còn cảm thấy thú vị vì làm cha vợ của một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1976, Thái cầm tay Huỳnh Mai đi qua khu vườn xưa hai người đã cùng thề hẹn, cùng đi ra con đường lớn, chào hỏi bà con hàng xóm.
Nàng hạnh phúc nhìn anh:
- Như là mơ phải không anh? Em tưởng rằng em không thể đợi được anh...
Thái hôn lên trán người vợ yêu, thì thầm nói với nàng:
- Cám ơn em đã đợi. Nhưng mọi thứ vẫn còn đó, bạn anh nằm ở sân bay Biên Hòa chưa tìm thấy xác, bao nhiêu gia đình mất mát thương đau, nguy cơ một cuộc chiến tranh mới... Chắc là em sẽ phải tiếp tục đợi anh!...
Truyện ngắn: TRẦN THU HẰNG