Khi số báo Xuân Mậu Tuất này chuẩn bị in, trận chung kết Giải U.23 châu Á 2018 giữa đội tuyển U.23 Việt Nam và Uzbekistan vẫn chưa diễn ra. Nhưng bất luận kết quả thế nào, những Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Xuân Trường, Công Phượng… đã là những nhà vô địch trong hàng triệu triệu trái tim Việt.
Khi số báo Xuân Mậu Tuất này chuẩn bị in, trận chung kết Giải U.23 châu Á 2018 giữa đội tuyển U.23 Việt Nam và Uzbekistan vẫn chưa diễn ra. Nhưng bất luận kết quả thế nào, những Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Xuân Trường, Công Phượng… đã là những nhà vô địch trong hàng triệu triệu trái tim Việt. Với việc lần đầu tiên đi đến trận cuối cùng của giải đấu châu lục, bóng đá Việt Nam đã viết nên một chương sử vĩ đại vô tiền khoáng hậu, gây chấn động toàn cõi lục địa vàng.
HLV Park Hang-seo là niềm cảm hứng vô tận cho các cầu thủ. |
* Lịch sử, kỳ tích của kỳ tích!
Thua U.23 Hàn Quốc sít sao 1-2 trong thế dẫn trước bằng một tuyệt phẩm, hạ gục Australia 1-0, cầm hòa Syria ở vòng bảng, rồi lần lượt loại cả 2 “ông lớn” Tây Á đương kim hạng 3 và hạng 4 của giải: Iraq, Qatar ở tứ kết và bán kết theo cùng một kịch bản trong loạt đấu cân não 11m sau 120 phút, U.23 Việt Nam kiêu hùng, hiên ngang vào chung kết. Lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam so kè ngang ngửa đẳng cấp với các đại biểu mạnh nhất châu lục, từ thể lực đến con người, lối chơi. Chỉ hơn 50 ngày dẫn dắt, vị HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo vốn trước đó bị rất nhiều hoài nghi, đã thổi một luồng sinh khí mới, lột xác hoàn toàn một đội tuyển mà mới trước đó 5 tháng vừa thất bại tủi hổ tại SEA Games 2017.
Từng trận, từng trận, hết tên tuổi lớn này đến ứng cử viên khác lần lượt rạp ngã, thầy trò ông Park đã chứng minh không gì là không thể. U.23 Việt Nam lập hết kỳ tích này đến kỳ tích khác, đưa không chỉ người hâm mộ nước nhà mà toàn thể châu Á đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên, ngỡ ngàng khác. Từ một đội được đánh giá thấp nhất (có lẽ chỉ cao hơn U.23 Malaysia lần đầu tiên tham dự vòng chung kết), chỉ mong tìm được điểm đầu tiên trong lịch sử, đi thẳng đến trận chung kết tranh ngôi vô địch châu lục thực sự là…“kinh thiên động địa”. Một thiên thần thoại Hy Lạp ở EURO 2004 được kể bằng câu chuyện cổ tích Việt Nam trên đất Giang Tô, Trung Quốc.
Với thời đại bùng nổ truyền thông, mạng xã hội có sức lan tỏa, chia sẻ khủng khiếp, chiến tích kỳ vĩ của các chàng trai U.23 Việt Nam tạo nên hiệu ứng cơn sốt tự hào hai tiếng “Việt Nam” khủng khiếp. Cả một dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Trên khắp dải đất hình chữ S người người, nhà nhà xuống đường bày tỏ niềm hân hoan tột đỉnh. Bóng đá, môn thể thao “quốc dân” trở thành “hiện tượng xã hội” lan truyền khắp đất nước. Hàng triệu người Việt, kể cả những người vốn hoàn toàn thờ ơ hay mù tịt về bóng đá, cũng không thể kìm nén, cuốn vào cơn vui bất tận. Chiến tích của U.23 Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, khơi dậy niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Tết Mậu Tuất 2018 đã đến sớm với mọi nhà!
* Chu kỳ 10 năm
Phải lùi về tròn 1 thập niên trước đó, người ta mới thấy bầu không khí sôi sùng sục bóng đá như vậy. Tại AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto mang theo hành trang nặng trĩu với 11 trận không biết thắng. Khởi đầu vòng bảng tại Phuket lại thúc thủ 0-2 trước chủ nhà Thái Lan. Nhưng kể từ sau chiến thắng 3-2 có phần may mắn trước Malaysia, Việt Nam càng đá càng hay và loại đương kim vô địch Singapore ngay trên sân Kallang để thẳng tiến đến trận chung kết tái chiến với người Thái. Sau chiến thắng quả cảm 2-1 ở trận lượt đi ngay tại “chảo lửa” Rajamangala tạo nên một đêm Noel tưng bừng chưa từng thấy, cả nước vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ bến với bàn thắng của Công Vinh ở phút bù giờ cuối cùng 90+4 trong trận lượt về tại Mỹ Đình. Cũng hàng triệu người xuống đường ăn mừng, những thác người trôi đi, trôi đi như những dòng sông đỏ nối dài bất tận…
10 năm trước đó nữa, bầu không khí bóng đá cũng từng sục sôi khi Việt Nam đánh bại Thái Lan để vào chung kết Tiger Cup 1998 trên sân nhà. Những gì diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2018 vừa qua lại càng chứng minh bóng đá mới có sức mạnh ghê gớm làm sao. Quả bóng tròn chỉ nặng hơn 400g nhưng nó có thể khơi gợi niềm tự hào của cả đất nước, gắn kết cả dân tộc chỉ trong một khoảnh khắc.
* Thêm một lần nữa hóa rồng Đông Nam Á?
Chu kỳ 10 năm ấy đã được U.23 Việt Nam viết tiếp ngay vào đầu năm mới 2018, liệu có lặp lại với AFF Cup cùng đội tuyển quốc gia vào cuối năm? Kỳ tích tại vòng chung kết U.23 châu Á cho thấy bóng đá Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng cùng một ông thầy rất giỏi, với thêm những đàn anh: Văn Quyết, Thanh Trung, Minh Tuấn, Trọng Hoàng, Anh Đức…, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể một lần nữa chinh phục đấu trường khu vực.
Việt Nam hạ gục Qatar sau loạt luân lưu nghẹt thở, vào chung kết U23 châu Á. |
Tại đại hội thường niên cuối năm vừa qua, Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VII đã quyết định thông qua mẫu huy hiệu mới của các đội tuyển quốc gia bóng đá Việt Nam. Đó là hình tượng rồng ngậm ngọc (được cách điệu bằng quả bóng) trên đài hoa sen Việt Nam, thể hiện khát vọng bay cao. Dân tộc Việt vẫn tự hào là “con rồng, cháu tiên”, còn với người phương Đông, rồng là loài vật linh thiêng, đứng đầu trong tứ linh; tượng trưng cho điều tốt lành, là biểu tượng của quyền lực, của người quân tử. Hơi thở của rồng thổi ra nguyên khí trời đất (long khí), biểu trưng cho năng lượng của đất trời. Còn theo phong thủy, hình tượng rồng ngậm ngọc là biểu tượng của sự thịnh vượng.
Với những ý nghĩa ấy, mang trên ngực áo cờ Tổ quốc và hình tượng rồng, bóng đá Việt Nam đã mở đầu năm mới 2018 cực kỳ chói lọi, hy vọng Mậu Tuất sẽ kết thúc đầy có hậu, viên mãn bằng cuộc hóa rồng Đông Nam Á vào những ngày cuối năm để hoàn tất trọn vẹn chu kỳ một thập kỷ. Và sẽ càng đại cát hơn khi đó là tiền đề, động lực để hoàn thành nốt giấc mơ vàng SEA Games sau đúng “60 năm một cuộc đời” tại Manila 2019.
Ngày Xuân, mong lắm thay!
MINH CHUNG