Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời sống mới của người Xuân Lộc

02:01, 18/01/2017

Là một huyện miền núi nhưng Đảng bộ Xuân Lộc luôn có lối đi riêng, sáng tạo để phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống người dân.

Là một huyện miền núi nhưng Đảng bộ Xuân Lộc luôn có lối đi riêng, sáng tạo để phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống người dân.

Trẻ em xã Xuân Bắc huyện Xuân Lộc tung tăng xe đạp trên con đường nông thôn mới
Trẻ em xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc tung tăng xe đạp trên con đường nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn, cho biết: “Dư địa từ đầu tư mạnh cho xây dựng nông thôn mới của huyện những năm trước ngày càng phát huy, tác động tới đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2016 đã đạt trên 48,3 triệu đồng, tăng hơn 5,6 triệu đồng so với năm 2015.

Đổi đời nhờ đổi nghề

Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà: “Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”

“Huyện Xuân Lộc sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh để thu hút đầu tư vào công nghiệp, ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao để từ đó giải quyết việc làm, từ đó sẽ tiếp tục nâng cao được đời sống nhân dân, đặc biệt quan tới tới gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hơn 6 năm trước chị Võ Thị Tường ở ấp 2A, xã Xuân Bắc đã có cơ hội thoát khỏi cảnh làm làm rẫy khi khi nắng nóng, khi thì mưa dầm khi huyện Xuân Lộc thu hút được Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai về mở nhà máy ngay trên địa bàn xã. Thấy công việc may nhà hơn làm rẫy, thu nhập lại ổn định nên chị Tường về thuyết phục chồng là anh Vũ Cát Giang cùng vào làm thợ may. Bình quân mỗi tháng vợ chồng chị Tường và anh Giang có thu nhập ổn định 15 triệu đồng. Chị Tường vui mừng chia sẻ: “Làm công nhân may nhàn hơn làm rẫy rất nhiều mà không sợ bị mất mùa. Mỗi buổi sáng hai vợ chồng chở nhau vào nhà máy, chiều lại chở nhau về, đi đâu cũng có đôi có cặp”.

Trước đây phần lớn lao động không có trình độ của huyện Xuân Lộc thường lên thành phố kiếm việc làm, hoặc ở nhà đi làm thuê, công việc không ổn định, thu nhập thấp. Nhưng vài năm trở lại đây, làn sóng công nghiệp đổ về huyện đã giúp người dân không chỉ được học nghề, có việc làm mà còn có thu nhập ổn định. Công ty TNHH Dona Standard Việt Nam là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tiên đầu tư vào huyện Xuân Lộc vào năm 2008. Qua 8 năm, tới nay công ty này đã có 4 lần mở rộng nhà máy để nâng công suất sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Tới nay công ty đã giải quyết việc làm cho 24 ngàn lao động và là nhà máy có đông lao động nhất huyện với thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/tháng.

Anh Đỗ Thanh Long ngụ ấp 4, xã Xuân Tâm, là công nhân gia công giày tại Công ty Dona Standar, cho biết: “So với làm công nhân ở thành khu vực đô thị, thì làm công nhân ở huyện Xuân Lộc sướng hơn nhiều, vì được ăn cơm nhà mình, ở nhà mình mà không phải lo tiền thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ hàng tháng, đi lại xa nhà rất phức tạp”. Hai vợ chồng anh Long cùng làm công nhân gia công giày tại Dona Standar, mỗi tháng có thu nhập trung bình 16 triệu đồng. Tới nay anh chị đã xây được nhà đẹp, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con cái học hành chu đáo. Anh Long chia sẻ thêm: “Cuộc sống, công việc hiện tại đã quá ổn rồi, không phải lo lắng gì nhiều so với làm rẫy thuê như những nước trước kia”.

Huyện nông nghiệp chuyển mình

Năm 2016 giá trị sản xuất của huyện Xuân Lộc đạt trên 18.118 tỷ đồng, tăng 8,86% so với năm 2015 và đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tới trên 7.548 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2015. Đây được coi là một nỗ lực rất lớn của một huyện nông nghiệp miền núi. Khu công nghiệp huyện Xuân Lộc tại xã Xuân Tâm có diện tích 108 ha, tới nay đã lấp đầy diện tích cho thuê lên tới trên 90%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chọn Xuân Lộc là địa điểm đầu tư để tận dụng nguồn lao động dồi dào và ổn định. Chỉ tính riêng năm 2016, huyện Xuân Lộc đã giải quyết việc làm cho trên 7,3 ngàn lao động, chủ yếu là giới thiệu vào các doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp huyện.

Là một huyện nông nghiệp, coi hướng đi phát triển công nghiệp là đúng đắn nhưng Xuân Lộc vẫn tiếp tục coi ngành nông nghiệp là một lợi thế, thế mạnh. Tuy nhiên, nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã và đang chọn hướng đi mới, đó là tạo ra chuỗi liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng cao, chú trọng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản. Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Đỗ Phước Dũng, cho biết: “Giá trị thu nhập ngành nông nghiệp năm 2016 đã đạt 126 triệu đồng/ha, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2015. Nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ đang là động lực giúp huyện kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,27% xuống còn 1%”.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận Xuân Lộc đạt chuẩn huyện Nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện lại tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Đến nay Xuân Lộc đã có 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, gồm: Xuân Định, Xuân Thọ, Suối Cát. Trong khi đó ở một số xã khác đã hoàn thành được các tiêu chí khá cao. Huyện ủy Xuân Lộc đã xác định, tới năm 2020 Xuân Lộc sẽ có 100% các xã đạt chuẩn bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh, đồng thời phấn đấu tiếp tục là huyện hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Một số chỉ tiêu phấn đấu của huyện Xuân Lộc năm 2017:

- Giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 8,5 tới 9%.

- Phấn đấu có thêm 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tiêu chín nâng cao.

- Giải quyết  việc làm cho 8000 tới 9000 người.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.400 tới 2.500 tỷ đồng.

- Phấn đấu xóa hộ nghèo nhóm A theo tiêu chí của tỉnh.

Xuân Phong

Tin xem nhiều