Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành công với Nông thôn mới

01:01, 18/01/2017

Trước thềm năm mới 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trảng Bom đã kịp hoàn thành một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hội đồng thẩm định nông thôn của tỉnh đã chính thức xét công nhận Trảng Bom đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.

Trước thềm năm mới 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trảng Bom đã kịp hoàn thành một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hội đồng thẩm định nông thôn của tỉnh đã chính thức xét công nhận Trảng Bom đạt chuẩn huyện Nông thôn mới. Hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Trảng Bom là huyện Nông thôn mới cũng đã được hoàn thành.

Trảng Bom hiện có gần 100 ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp.
Trảng Bom hiện có gần 100 ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp.

Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Minh Châu, chia sẻ “Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với huyện, tuy nhiên với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của tỉnh, nhiệm vụ này đã được hoàn thành đúng kế hoạch”.

Diện mạo mới cho nông thôn

Năm 2016 huyện Trảng Bom thu ngân sách ước đạt trên 672,3 tỷ đồng, đạt gần 160% so với dự toán tỉnh giao, và tăng 30,91% so với cùng kỳ.

Năm 2011 Trảng Bom bắt tay cùng toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới với không ít khó khăn, khi địa bàn rộng, điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn, nhất là đường giao thông, trường học, trạm y tế, tỷ lệ hộ nghèo… Huyện đã chọn 4 xã để làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, trong đó Thanh Bình là xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới sớm nhất huyện, chỉ với thời gian là 3 năm. Từ mô hình xã nông thôn mới Thanh Bình với thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm (năm 2013), hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm hoàn cảnh, đem lại cuộc sống và diện mạo mới đã kích thích các xã học tập và quyết tâm làm theo.

Ở Trảng Bom đã có rất nhiều những mô hình xây dựng nông thôn mới hiệu quả, đặc biệt là việc người dân tự nguyện đóng góp tiền của, đất đai, ngày công, và đoàn kết giúp nhau chung tay xây dựng nông thôn mới. Đây chính là động lực quan trọng, giúp cho huyện càng về sau nông thôn mới càng hình thành nhanh chóng hơn. Theo Phòng Tài chính – kế hoạch huyện, trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động trên 75 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân.

Theo Đảng ủy xã Trung Hòa, xã các rất nhiều các tuyến đường, nếu chỉ chờ vào ngân sách Nhà nước cấp thì thực sự là một ghánh nặng, tuy nhiên người dân rất ủng hộ xây dựng nông thôn mới nên chỉ cần công khai minh bạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi chuyện khó thành chuyện dễ. Ở xã Trung Hòa có tới 80% các tuyến đường giao thông được hoàn thành nhờ sự đóng góp của người dân. Người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, có gia đình tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, ấp này thi đua với ấm kia làm đường, làm nhà văn hóa ấp rất sôi nổi. Trong khi đó ông Trần Văn Minh, trưởng ban hành giáo, giáo xứ Tân Mai (xã Trung Hòa), cho biết: “Chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn vì dân nên dân rất ủng hộ. Như tại ấp An Bình chỉ trong năm 2016 đã vận động giáo dân đóng góp được 4 tỷ đồng làm 11 tuyến dường với chiều dài 4km”.

Với lợi thế là một huyện phát triển rất mạnh về công nghiệp, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, do đó lãnh đạo huyện đã tranh thủ vận động các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, có công trình do doanh nghiệp đóng góp lên cả 14 tỷ đồng. Điển hình là công trình Trường Tiểu Học Trần Quốc Toản (xã Bắc Sơn) với tổng diện tích trên 9 ngàn m2, gồm 12 phòng học, 2 phòng nghỉ cho giáo viên và các công trình phụ trợ. Tổng kinh phí xây dựng công trình này trị giá trên 10 tỷ đồng do Tập đoàn Phong Thái tài trợ,huy động vốn ngân sách huyện và người dân ủng hộ thêm một phần đến. Không dừng lại ở đó, huyện còn vận động doanh nghiệp ủng hộ thêm các thiết bị đồ dùng dạy học, như 11 màn hình tivi LCD, bàn ghế cho thư viện, và tặng gần 300 suất học bổng cho học sinh…

Đời sống mới cho người dân

Lãnh đạo huyện Trảng Bom xác định, xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo vững chắc, đặc biệt người dân phải được hưởng lợi thực sự. Để làm được điều này huyện Trảng Bom đã chỉ đạo phát triển nhiều mô hình nông nghiệp chuyên canh có giá trị cao, đặc biệt coi trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, như: chuyên canh cây thanh long ruột đỏ, cà phê, hồ tiêu, điều, chuối, rau sạch theo mô hình Viet Gap. Đến nay Trảng Bom đã hình thành nên trên 270 trang trại đang áp dụng quy trình chăn nuôi công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học, trong đó có 4 trang trại được công nhận chăn nuôi theo hướng VietGAP.

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nên tới nay Trảng Bom không chỉ giải quyết hàng ngàn việc làm cho người dân trong huyện, mà còn là “mảnh đất lành chim đậu” cho hàng ngàn lao động nhập cư. Theo lãnh đạo huyện Trang Bom, hiện nay có 138 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 100 ngàn lao động vơi thu nhập ổn định từ 5 tới 8 triệu đồng/tháng.  Tính tới cuối năm 2016, thu nhập bình quân tính theo đầu người của người dân huyện Trảng Bom là trên 45,2 triệu đồng/người.

Theo Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Trảng Bom đã coi trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là dạy nghề và chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo. Tới nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện đạt 66%. Trong khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trảng Bom hiện còn dưới 0,5%, đặc biệt không có gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Đặng Công

Tin xem nhiều