Báo Đồng Nai điện tử
En

Bứt phá với kỹ thuật chuyên khoa sâu

08:01, 18/01/2017

Có thể nói, năm 2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành y tế Đồng Nai khi hàng loạt các kỹ thuật mới, hiện đại, chuyên khoa sâu được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Nhờ đó, người dân địa phương có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao mà không cần phải đi xa.

Có thể nói, năm 2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành y tế Đồng Nai khi hàng loạt các kỹ thuật mới, hiện đại, chuyên khoa sâu được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Nhờ đó, người dân địa phương có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao mà không cần phải đi xa.

TS.BS Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy (đầu tiên bên phải) cùng các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang tiến hành thực hiện ca đặt stent graft đầu tiên tại Đồng Nai. Ảnh: CTV
TS.BS Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy (đầu tiên bên phải) cùng các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang tiến hành thực hiện ca đặt stent graft đầu tiên tại Đồng Nai. Ảnh: CTV

Trong đó, phải kể đến việc triển khai kỹ thuật mổ tim hở đầu tiên tại Đồng Nai có sự phối hợp giữa Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Đây được xem là một bước đột phá trong điều trị các bệnh tim mạch ở Đồng Nai và cũng là một bước tiến vượt bậc của ngành y tế.

Đột phá trong điều trị các bệnh tim mạch

Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng, song song với việc triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch đang phát triển tại Đồng Nai, rất cần phải có phẫu thuật tim. Vì quá trình can thiệp tim mạch có thể xảy ra các biến chứng, như: thủng động mạch, tắc động mạch, vỡ động mạch... cần có phẫu thuật tim bên cạnh để xử lý, đảm bảo an toàn nhất cho bệnh nhân. Để triển khai được ca phẫu thuật tim đầu tiên, bệnh viện đã mất 6 năm để chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực.

Sẽ thành lập nhiều trung tâm chuyên khoa

Mục tiêu đến năm 2020, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sẽ xây dựng một số trung tâm chuyên khoa sâu, như: trung tâm can thiệp tim mạch, trung tâm ung bướu, trung tâm điều trị vô sinh, thụ tinh nhân tạo, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, đơn vị ghép tạng... Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất sẽ phát triển 4 mảng chuyên sâu là: trung tâm tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim; trung tâm thận nhân tạo; trung tâm vi sinh và y sinh phân tử; trung tâm chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng.

Sau hơn 3 tháng được phẫu thuật tim tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật tim hở tại Đồng Nai là chị Nguyễn Thị Phương Bích Linh (26 tuổi, ngụ tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú), bị bệnh tim bẩm sinh hở van 3 lá, thông liên nhĩ đã hồi phục sức khỏe, không còn thở gấp, tim đập nhanh như trước đây và đã đi làm lại bình thường.

Với nụ cười rất tươi, chị Linh chia sẻ dù biết Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đầu tiên phẫu thuật tim hở, nhưng chị không lo lắng nhiều vì ca mổ có sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh và chị cũng tin tưởng vào tay nghề và tinh thần phục vụ của bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Nếu lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh phẫu thuật tim phải xếp hàng chờ đợi rất lâu, tốn kém chi phí đi lại, chờ đợi, mà điều kiện kinh tế của chị không cho phép.

Nụ cười của bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Bích Linh sau ca phẫu thuật tim đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: N.Thư
Nụ cười của bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Bích Linh sau ca phẫu thuật tim đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: N.Thư

Song song với phẫu thuật tim hở, kỹ thuật can thiệp tim mạch tiếp tục được phát triển mạnh mẽ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã cứu sống hàng trăm ca nhồi máu cơ tim cấp. Riêng năm 2016, 2 bệnh viện này đã triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên khoa sâu hơn với nhiều kỹ thuật khó, phức tạp hơn. Cụ thể, như: bít lỗ “còn ống động mạch” bằng nút Occlutech, nong hẹp khít van 2 lá bằng bóng Inoue, bít thông liên nhĩ lỗ lớn đường kính tới 28mm bằng dù Figulla Flex II, can thiệp nhiều tổn thương mạch vành khó và phức tạp... Nhờ đó, có nhiều trường hợp bị ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim cấp sau khi được cấp cứu và can thiệp tim mạch đã tỉnh lại và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Thời của kỹ thuật can thiệp

Trong năm 2016 cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của các kỹ thuật can thiệp tại Đồng Nai. Bên cạnh kỹ thuật can thiệp tim mạch, còn có can thiệp đặt stent graft động mạch chủ bụng chữa phình động mạch chủ bụng tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; can thiệp nội mạch trong điều trị nhồi máu não, nghẽn mạch máu não tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đây là 2 kỹ thuật cao, rất hiệu quả trong cấp cứu và điều trị các bệnh nguy hiểm, dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện ca phẫu thuật tim hở đầu tiên tại Đồng Nai.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện ca phẫu thuật tim hở đầu tiên tại Đồng Nai.

Nói về can thiệp đặt stent graft động mạch chủ bụng, bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết đây là một kỹ thuật mới, tiên tiến, ít xâm lấn, không cần mở bụng. Bệnh nhân được gây tê tại vùng bẹn đùi nên vẫn tỉnh táo trong lúc thực hiện kỹ thuật. Đường mổ nhỏ được thực hiện ở động mạch đùi, qua đó các bác sĩ đưa dụng cụ vào lòng mạch máu lên đến vị trí khối phình động mạch chủ, bung stent graft để máu không còn lưu thông vào khối phình, từ đó ngăn ngừa được nguy cơ vỡ. So với phương pháp mổ mở, kỹ thuật đặt stent graft nhẹ nhàng hơn, ít đau, ít ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn.

Tương tự, việc triển khai kỹ thuật can thiệp nội mạch (hay còn gọi là can thiệp mạch máu não) tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ đầu tháng 11-2016 đã cấp cứu kịp thời những ca đột quỵ do nhồi máu não tại Đồng Nai trong “thời gian vàng”, tức là trong vòng 6 giờ tính từ khi đột quỵ. Đây được xem là kỹ thuật điều trị duy nhất, hàng đầu hiện nay cho điều trị tắc nghẽn mạch máu lớn trên não do đột quỵ.

Mời các chuyên gia về khám bệnh và chuyển giao kỹ thuật cao đang được các bệnh viện thực hiện giúp người dân tiếp cận được dịch vụ cao, kỹ thuật mới. Trong ảnh: TS.BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp thần kinh - đột quỵ Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Mời các chuyên gia về khám bệnh và chuyển giao kỹ thuật cao đang được các bệnh viện thực hiện giúp người dân tiếp cận được dịch vụ cao, kỹ thuật mới. Trong ảnh: TS.BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp thần kinh - đột quỵ Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Như trường hợp bà Cao Thị Vỹ (73 tuổi, ngụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị tai biến mạch máu não đã thoát khỏi tay tử thần nhờ được can thiệp mạch máu não kịp thời. Anh Nguyễn Thế Sinh, con trai bà Vỹ, cho biết gia đình anh rất vui mừng khi mẹ anh được cứu sống và nhanh hồi phục sức khỏe, không bị tàn phế. Anh cũng mong kỹ thuật mới này được triển khai ở nhiều bệnh viện trong tỉnh để cứu được những bệnh nhân bị đột quỵ như mẹ anh.

Tạo mọi điều kiện phát triển kỹ thuật cao

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết, xu hướng phát triển của các bệnh viện trong thời gian tới là phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Để tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển kỹ thuật cao, UBND tỉnh đã có công văn gửi UBND TP.Hồ Chí Minh đề nghị Sở Y tế thành phố gửi công văn đến các đơn vị trực thuộc sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khi có yêu cầu hội chẩn hay giải quyết, xử lý các ca bệnh khó; chuyển giao các kỹ thuật mới, hiện đại. Sắp tới, ngành y tế sẽ đề xuất tỉnh cho 2 đơn vị này được tự chủ về tài chính để giám đốc bệnh viện có quyền cân đối thu chi, quyết định mức thù lao cho các chuyên gia y tế khi mời họ về làm việc hoặc chuyển giao kỹ thuật cao.

Ngọc Thư

 

Tin xem nhiều