Báo Đồng Nai điện tử
En

87 mùa Xuân của Đảng

05:01, 18/01/2017

Xuân Đinh Dậu 2017 đã về. Xuân này, đồng bào, đồng chí cả nước mừng đón 87 mùa Xuân của Đảng Cộng sản Việt Nam...

Xuân Đinh Dậu 2017 đã về.

Xuân này, đồng bào, đồng chí cả nước mừng đón 87 mùa Xuân của Đảng Cộng sản Việt Nam.  Chúng ta chào đón một mùa Xuân đổi mới, nối tiếp chặng đường 30 năm vững tâm, vững chí trên con đường lớn vì đất nước mạnh giàu. Đã qua một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, một năm với rất nhiều ấn tượng. Báo chí cả nước, theo quan điểm riêng của mỗi tờ báo lựa chọn những sự kiện nổi bật, ấn tượng. Nhưng có một điểm chung là, hầu như tờ báo nào cũng lựa chọn sự kiện chính trị trọng đại: một năm dốc lòng, dốc sức phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có báo “đặt tên”: Năm 2016 - năm Xây dựng Đảng.

Một tiết mục văn nghệ của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một tiết mục văn nghệ của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Lâm Cón

Những ngày giáp tết, tôi đọc lại loạt bài trên Báo Đồng Nai: Tăng đối thoại, giảm bức xúc với nhiều cung bậc cảm xúc. Loạt bài đã đề cập đến một vấn đề rất lớn hiện nay là làm thế nào để Đảng gắn bó với dân, để dân tin Đảng, một lòng, một dạ theo Đảng? Đó không chỉ là chuyện của một địa phương mà là vấn đề chung, vô cùng hệ trọng của đất nước. Đó không chỉ là chuyện hôm nay, mà là chuyện trong quá khứ và tương lai.

Từ thời nhà Trần, suốt 13 đời vua lúc nào cũng nêu cao việc trọng dân, trên dưới đồng lòng, vua tôi gắng sức. Sử cũ chép rằng, trước lúc mất Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã cho gọi Vua Trần Anh Tông mà khuyên rằng:   “Phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc. Ấy là thượng sách để giữ nước”. Đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết: “Có lật thuyền mới biết sức dân như nước”.

Cách đây  60 năm, cuối năm 1947, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn Sửa đổi lối làm việc. Cuốn sách mỏng nhưng chứa đựng trong đó nhiều tư tưởng lớn, nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn, được cán bộ, đảng viên coi là sách gối đầu giường, sách dạy cách lãnh đạo. Người đặc biệt nhấn mạnh mọi chủ trương, đường lối phải xuất phát từ lòng dân, ý dân, quay trở lại phục vụ dân. Nếu không thì Đảng sẽ mắc bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, cán bộ dễ biến thành những ông quan cách mạng”. Người viết: “Phải dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.  Có nghĩa là, làm bất cứ việc gì muốn thành công thì phải gom góp ý kiến và kinh nghiệm của dân, lấy cái tinh túy mà làm ý kiến chung. Sau rồi lại đem ý kiến chung đó mà đúc rút thành những chỉ thị, nghị quyết.

Kinh nghiệm đó đã được vận dụng trong thực tiễn suốt mấy chục năm qua. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Đảng bộ trong cả nước luôn coi trọng cả 2 mặt: đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống trở lại nghị quyết. Nếu nghị quyết không vào được cuộc sống, nó sẽ ở trên mây, trên giấy, như lời của một đồng chí Bí thư Đảng ủy xã vùng sâu Tây Nguyên: “Đảng ở trên cây với Đảng ở dưới gốc phải là một”. “Dân nghe loa phát thanh trên ngọn cây bày vẽ cách làm ăn thấy ưng cái bụng lắm, nhưng thấy chuyện “dưới gốc” thì có nhiều chỗ không đúng như thế. Nhất là khi thấy những ông cán bộ không còn đi chân đất vào buôn như thời kháng chiến, nay đi bằng bánh ô tô mà cả năm chả thấy mặt. Lại thấy đây đó mấy ông xây cái nhà to hơn cả nhà văn hóa của buôn, tiền ở đâu ra lắm thế?”.

Toàn cảnh Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 20-1 đến ngày 28-1-2016, tại Thủ đô Hà Nội.
Toàn cảnh Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 20-1 đến ngày 28-1-2016, tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

“Tăng đối thoại” thì sẽ góp phần giảm bức xúc.  Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ thực trạng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trong từng cá nhân. Đảng đã thấy rõ căn bệnh và chỉ ra những bài thuốc chữa trị. Căn bệnh tham nhũng, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi... kéo dài và ngày càng trầm trọng khiến niềm tin trong Đảng, niềm tin của dân với Đảng giảm sút. Thuốc chữa trị cũng đã được kê đơn, đó là những giải pháp về chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình, cùng những giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách. Nghĩa là chúng ta đã từng bước luật hóa các chủ trương của Đảng, để khi kiểm điểm, đánh giá, tổng kết có thể lượng hóa được các công việc đã làm.

“Luật hóa” ra sao? Năm đầu nhiệm kỳ mới, Quốc hội, Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể, kiên quyết, thể hiện sự quyết liệt trong việc xây dựng một bộ máy trong sạch, nói đi đôi với làm.  Thái độ kiên quyết xử lý sai phạm, làm đến nơi đến chốn, không có ngoại lệ với bất kỳ ai là điều dân đòi hỏi, Đảng đã và đang làm. Những cái tên một số vị nguyên là lãnh đạo có chức vụ cao trong bộ máy công quyền, doanh nghiệp thoái hóa biến chất,  nhức nhối trong dư luận, đã được Quốc hội thay mặt cử tri cả nước lên tiếng phê phán, Đảng,  Nhà nước xử lý nghiêm khắc. Điều đó không chỉ có tác dụng cảnh báo, răn đe mà thật sự là động lực thúc đẩy chống tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù ai cũng biết, mục tiêu của xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải nhằm đến xử lý kỷ luật bao nhiêu “con hổ”, hay “con ruồi” theo cách nói của Trung Quốc. Nhưng khi buộc phải loại khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng, những sự nhân danh bao điều hay ho nhưng lại là hòn đá cản trở công việc chung của tập thể, làm mất uy tín của Đảng, chính  là đã làm cho Đảng mạnh lên.

Tình hình có gì mới? Một câu hỏi gần đây thường được mọi người khi gặp nhau mong nhận điều chia sẻ. Thưa rằng, có nhiều điều mới, mới trong sự bình thường, hoặc tình hình bình thường mới. Có nghĩa là, có những việc mới nhưng chính là việc cũ trước đây đã từng làm, nay khôi phục lại, làm kiên quyết trở lại. Có những việc phải làm ngay, không chần chừ, không “chờ đá qua sông”. Nước lũ đang dâng lên, họa có phép lạ cho đá nổi lên mặt nước để anh bước chân qua. Người dân có thể thấy điều đó qua những chỉ đạo và điều hành kiên quyết của Đảng, Chính phủ trong thời gian gần đây.

Các đại biểu về dự Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đại biểu về dự Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Gần nhất là dịp tết con Gà này, Ban Bí thư ra chỉ thị về việc tổ chức tốt việc vui tết, đón Xuân Đinh Dậu. Chỉ thị có nhiều nội dung, nhưng nhiều người nhớ nhất một nội dung: cấm tặng quà cấp trên.  Có người hỏi: tặng quà và nhận quà là hành vi văn hóa, tại sao lại cấm? Thật ra đây là hành vi cho và nhận. “Cho” là nói cho gọn, chứ thật ra cùng với hành động “cho” còn có “tặng” và “biếu” nữa. Người lớn tuổi cho quà người nhỏ tuổi. Cấp trên cho quà cấp dưới. Bạn bè cho nhau quà. Và theo trật tự ngược lại là biếu quà. Tất thảy đều do lòng quý mến, trân trọng, thể hiện tình cảm dành cho nhau. Cho, tặng, biếu và nhận quà đều xuất phát từ đạo lý, sự chân thành, tự nguyện. Có người còn nói cụ thể hơn rằng dù cho, nhận quà với lý do gì đều phải học, vì đó không chỉ là một món quà bình thường, tính bằng giá trị vật chất, nhiều khi ý nghĩa tinh thần còn lớn hơn. Nói to tát một tý là chuyện “văn hóa tặng quà”.  Tiếc rằng, lâu nay hành vi đẹp này đã bị biến dạng. Tặng quà tết cấp trên nhiều khi trở thành một hình thức hối lộ và nhận hối lộ biến tướng. Cấm là hợp lẽ. Đương nhiên, như một vị cán bộ ngành thanh tra nói: cấm phải đi liền với quản, phải có theo dõi, giám sát, ai cố tình không chấp hành thì phải xử phạt.

Cùng với việc cấm tặng quà (phần lớn là công quỹ, tiền thuế của dân) cấp trên, còn có những việc thiết thực khác, như: các thành phố không tổ chức bắn pháo hoa, dành tiền đó vào việc xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người dân vùng bị thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều năm nay, chúng ta đã đón tết không tiếng pháo, bây giờ thì đã quen, không còn thấy buồn tẻ, thấy... nhớ. Rồi đây khi nào kinh tế hồi phục, khi gánh nặng nợ công không còn treo lơ lửng, khi thời tiết thuận hòa, được mùa, trúng vụ lớn, khi ấy bầu trời lại tràn ngập, lung linh sắc màu pháo hoa.

Xuân đến, năm nào cũng vậy, là sự gặp gỡ giữa mùa Xuân và kỷ niệm ngày thành lập Đảng ta, 3-2. Một cuộc gặp gỡ diệu kỳ của thiên nhiên và lịch sử. Mừng mùa Xuân thứ 87 của Đảng, chúng ta vững tin trên đường lớn - con đường dân tộc, con đường thời đại. Thời đại ấy được xác định bởi sự phát triển cao của kinh tế, khoa học, của một xã hội văn minh và thịnh vượng. Theo cách nói của Gandhi (1869-1948), người anh hùng dân tộc Ấn Độ: “Hãy thay đổi thế giới theo cách mà bạn muốn nhìn nó”. Tại Đại hội XII của Đảng, những người cộng sản Việt Nam “nhìn” rõ: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh…

Xuân nay có gì mới? Mỗi người cũng trả lời theo cách của riêng mình. Nhưng đã là Xuân thì luôn luôn mới. Xuân của đất trời, Xuân của Đảng, Xuân của lòng người. Sức mạnh của Đảng, sức trẻ của Đảng mãi là điều mới nhất!

Xuân Đinh Dậu

Hải Đường

CÂU ĐỐI

Quyện hòa ý Đảng lòng dân; đường đổi mới, khai thông nguồn lực mới,

Son sắt tình dân nghĩa nước; đất chào xuân, nở rộ sắc màu xuân.

Dương Thanh

 

Tin xem nhiều