Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng hòa giải, giảm khiếu kiện

08:06, 12/06/2023

Việc phát sinh tranh chấp dân sự giữa các bên là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy vậy, nếu xảy ra tranh chấp, cần ưu tiên chọn giải pháp thân thiện như: thương lượng, hòa giải, để hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo, gây mất thời gian của đôi bên. Việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài còn có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Việc phát sinh tranh chấp dân sự giữa các bên là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy vậy, nếu xảy ra tranh chấp, cần ưu tiên chọn giải pháp thân thiện như: thương lượng, hòa giải, để hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo, gây mất thời gian của đôi bên. Việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài còn có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (bìa trái, Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn phương thức hòa giải, thương lượng khi phát sinh tranh chấp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh). Ảnh: Đ.PHÚ
Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (bìa trái, Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn phương thức hòa giải, thương lượng khi phát sinh tranh chấp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh). Ảnh: Đ.PHÚ

Tuy nhiên, hiện nay, một số người dân vẫn còn lúng túng về các phương pháp giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải.

* Lúng túng trong thương lượng

Bà C.T.Y. (vợ của ông Đ.L.) và hàng xóm là ông P.U., đều ngụ tại xã Phú Sơn (H.Tân Phú) thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về việc đổ rác sinh hoạt nơi ranh giới đất giữa 2 gia đình.

Ông Đ.L. trình bày, ranh đất này trước kia là bức tường đá rộng 30cm do chủ đất cũ đắp trong quá trình dọn vườn. Vì dọn đá trong vườn đắp thành tường rào nên cái ranh đất không thẳng, có đoạn lấn sang đất nhà ông hoặc sang đất ông U. Hiện khu đất 2 gia đình chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thường xảy ra xung đột với nhau.

“Tôi muốn đôi bên ngồi lại để giải quyết vấn đề một cách dứt điểm, nhưng chưa biết làm cách nào để hòa giải, thương lượng” - ông Đ.L. bộc bạch.

Hay như sự việc bất hòa xảy ra giữa ông N.T.X. (ngụ H.Thống Nhất, kết hôn vào năm 2016) với anh N.V.N. (ngụ tại TP.HCM, là con riêng của ông X.) về vấn đề anh N. đòi cha chia tài sản thừa kế của mẹ anh. Trước đó, ông X. đã đưa cho anh N. 300 triệu đồng với thỏa thuận miệng chia phần tài sản của mẹ anh N. nhưng sau này thấy giá đất tăng cao, anh N. lại tiếp tục đòi cha và mẹ kế trả thêm tiền. Ông X. cho rằng, anh N. đưa ra yêu cầu quá đáng nhưng ông không muốn vì vậy mà cha con đưa nhau ra tòa. Ông X. lúng túng không biết cách hòa giải, thương lượng làm sao cho sự việc ổn thỏa, tình cảm cha con không rạn nứt.

* Tìm tiếng nói chung từ thương lượng, hòa giải

“Thương lượng, hòa giải là phương thức không thể thiếu trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân sự từ đơn giản tới phức tạp. Trong hòa giải cơ sở hay giải quyết vụ án, hòa giải viên, thẩm phán luôn tôn trọng nguyên tắc thương lượng, hòa giải giữa các bên”- luật sư NGUYỄN XUÂN THANH (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ.

Việc tranh chấp dân sự giữa các thành viên trong gia đình hoặc hàng xóm với nhau về: đất đai, thừa kế, vay mượn, hùn hạp làm ăn… là muôn hình, vạn trạng. Tuy vậy, không phải cứ phát sinh tranh chấp là người dân dắt nhau ra tòa khiến đôi bên mâu thuẫn thêm gay gắt và quyền lợi của họ hoàn toàn phụ thuộc vào phán quyết của tòa án.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa bà C.T.Y. với ông P.U.; giữa cha con ông N.T.X. (H.Thống Nhất) nếu các bên có thiện chí thương lượng, hòa giải thì vẫn có thể ngồi lại với nhau bàn bạc và đi tới thống nhất cách giải quyết. Bởi nguyên tắc quan trọng trong giải quyết tranh chấp dân sự là khuyến khích các bên tự hòa giải, thương lượng. Tuy nhiên, những vấn đề mà các bên đưa ra hòa giải thương lượng sẽ được pháp luật công nhận nếu nó không trái pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người khác.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, để khắc phục nhược điểm của bản thân về trình độ pháp luật, cách thương lượng, hòa giải chưa khéo thì các trường hợp nêu trên có thể mời người có trình độ hiểu biết pháp luật là hòa giải viên, luật sư, luật gia… làm trung gian hỗ trợ trong quá trình thương lượng, hòa giải. Hoặc các bên dắt nhau ra tổ chức hành nghề công chứng thương lượng, hòa giải rồi xác lập luôn các vấn đề đã thương lượng, hòa giải được để làm bằng chứng. Từ đó, tiến hành việc làm thủ tục tách thửa, phân định lại ranh giới đất hoặc từ chối nhận thừa kế là xong.

“Tính ưu việt của việc chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cá nhân với nhau bằng thương lượng, hòa giải là bí mật thông tin vụ việc được giữ kín trong nội bộ những thành phần tham gia; tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất so với theo đuổi vụ kiện tại tòa án; nhất là không có thắng thua trong thương lượng, hòa giải nên tình cảm gia đình, dòng tộc, láng giềng không bị ảnh hưởng tiêu cực”- luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều