Các bên hoặc một bên có quyền hủy hợp đồng (HĐ) đã giao theo ý chí của mình hoặc theo quy định pháp luật.
Các bên hoặc một bên có quyền hủy hợp đồng (HĐ) đã giao theo ý chí của mình hoặc theo quy định pháp luật.
Người dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) tham gia buổi tuyên truyền pháp luật dân sự do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.PHÚ |
Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, khi HĐ bị hủy bỏ thì HĐ không có hiệu lực tại thời điểm hủy bỏ, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận. Trừ các thỏa thuận như: phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, giải quyết tranh chấp HĐ.
* Chú ý khi hủy HĐ
Bà C.T.T. (H.Tân Phú) có chuyển nhượng cho bà N.H.Y. (TP.Biên Hòa) 100m2 đất thổ cư tọa lạc tại xã Phú Bình (H.Tân Phú). Trong quá trình chuyển nhượng hai bên có lập HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và HĐ này đã được công chứng tại một tổ chức hành nghề công chứng ở H.Tân Phú.
Sau đó, bà T. không muốn chuyển nhượng thửa đất này nữa nên bà T. đã đặt vấn đề với bà Y. hủy HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bà Y. cũng đồng ý hủy bỏ HĐ mua bán trên nhưng không biết hủy làm sao cho đúng luật, tránh rắc rối pháp lý phát sinh.
Tương tự trường hợp của bà L.T.K. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) có lập HĐ thuê ông N.G. (cùng địa phương) xây dựng căn nhà trên đất cha mẹ đã cho (chưa làm thủ tục sang tên cho bà) thì mẹ bà mất mà không có di chúc. Điều đó dẫn tới việc các anh chị em của bà tranh chấp. Vì lý do này bà không thể xây dựng nhà theo HĐ đã ký kết với ông G.
“Bên đơn phương hủy bỏ HĐ thuộc trường hợp theo khoản 1, Điều 423, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng phải thông báo ngay cho bên đối tác biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”- luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) lưu ý. |
Mặc dù ông G. thông cảm cho sự việc xảy ra ngoài ý muốn đó, nhưng bà K. vẫn lo ngại sau này, ông G. có thể kiện bà vì lý do bà đơn phương hủy bỏ HĐ hay không?
Trao đổi về các thắc mắc nên trên, luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, do các bên đã thỏa thuận được với nhau là hủy bỏ HĐ nên việc hủy bỏ đó được pháp luật ghi nhận. Tuy vậy, để đảm bảo cho việc hủy bỏ HĐ giữa các bên đúng pháp luật, tránh tranh chấp về sau thì bà C.T.T. với bà N.H.Y. ra tổ chức hành nghề công chứng nơi hai bên xác lập HĐ để hủy. Riêng trường hợp giữa bà L.T.K. với ông N.G. thì hai bên lập HĐ mới thỏa thuận hủy bỏ HĐ cũ hoặc cùng xác lập nội dung thống nhất hủy bỏ phía dưới HĐ đã ký trước đó là được.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, khi HĐ bị hủy bỏ thì HĐ không có hiệu lực từ thời điểm hủy bỏ, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện HĐ và chi phí bảo quản, phát triển tài sản...
* Hậu quả của đơn phương hủy bỏ HĐ
Việc xác lập HĐ xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của các bên hướng tới là đạt được nội dung, mục đích HĐ đã giao kết. Chính vì vậy, khi một bên nhận thấy mục đích, nội dung đã giao kết trong HĐ không đạt được thì dẫn tới việc đơn phương hủy bỏ việc thực hiện HĐ.
Luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) hướng dẫn, tại khoản 1, Điều 423, Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép các bên có quyền đơn phương hủy bỏ HĐ mà không phải bồi thường thiệt hại cho bên kia trong các trường hợp như: bên kia vi phạm HĐ là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận. Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ HĐ. Trường hợp khác do luật quy định, chẳng hạn như: HĐ được lập do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; bị lừa dối; người xác lập không đủ năng lực hành vi, nhận thức…
Bên cạnh đó, từ Điều 424 đến Điều 426 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về việc một bên được quyền đơn phương hủy bỏ HĐ đã giao kết khi: bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ HĐ (khoản 1, Điều 424).
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ HĐ và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 425).
Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của HĐ mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ HĐ (Điều 426).
Cũng theo luật gia Nguyễn Tấn, việc đơn phương hủy bỏ HĐ, đồng nghĩa với việc một bên đơn phương chấm dứt thực hiện HĐ. Tuy vậy, việc đơn phương đó chỉ được pháp luật công nhận là hợp pháp nếu nó tuân thủ khoản 1, Điều 423, Bộ luật Dân sự năm 2015, hoặc được Tòa án quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật, hay hết thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về việc đơn phương hủy HĐ.
Đoàn Phú