Việc thu mua, tìm kiếm phế liệu để mưu sinh được xem là công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thậm chí vi phạm pháp luật nếu đó là vật liệu nổ.
Việc thu mua, tìm kiếm phế liệu để mưu sinh được xem là công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thậm chí vi phạm pháp luật nếu đó là vật liệu nổ.
Một người dân ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) đang rà tìm phế liệu mưu sinh nơi các công trình, khu đất hoang. Ảnh: Đ.PHÚ |
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, cần tuyên truyền cho những người làm công việc này ý thức bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, tính mạng, nhất là phòng tránh vi phạm pháp luật.
* Mảnh vỡ của bom, đạn có phải là phế liệu?
“Trong quá trình rà tìm phế liệu để mưu sinh tại các đống rác, vườn rẫy, suối…, tôi phát hiện các loại đầu đạn chưa nổ và mảnh vỡ của bom, mìn các loại đã nổ. Vậy thứ nào tôi được phép thu lấy để bán, thứ nào không được lấy?” - ông T.L. (ngụ xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) thắc mắc.
Hay như bà C.T.Y. (ngụ xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú) cho biết, bà có trên 10 năm thu mua phế liệu. Tuy vậy, hiện bà vẫn không phân biệt được khi nào vật liệu nổ trở thành phế liệu được mua bán, trao đổi và khi nào bị cấm?
Luật sư ĐỖ VĂN GỌN (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi năm 2019 không cho phép người dân thực hiện công việc đào bới, tìm kiếm vật liệu nổ. Chỉ có các tổ chức, đơn vị được phép thực hiện như: đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về vũ khí, công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép. |
Vấn đề của ông L. và bà Y. thắc mắc được luật sư Nguyễn Đức giải thích, vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm: thuốc nổ, phụ kiện nổ (Khoản 3, Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi năm 2019). Còn phế liệu được Khoản 27, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 giải thích là vật liệu được được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
“Từ quy định trên, có thể hiểu mảnh vỡ của bom, mìn hoặc vỏ đạn còn sót lại trong chiến tranh không phải là vật liệu nổ và nó cũng không phải là phế liệu mà Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định. Do đó, muốn biết nó có được phép thu mua, thu lượm cần phải đối chiếu thêm các quy định pháp luật cụ thể khác” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
* Không được thu lượm, mua bán
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, hành vi: chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… bị Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi năm 2019 nghiêm cấm. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo Khoản 4, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
“Như vậy, việc mua bán, tìm kiếm phế liệu là những mảnh vỡ của bom, mìn, đạn… còn sót lại trong chiến tranh là hành vi bị luật nghiêm cấm và có thể bị xử lý hành chính hay hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.
Luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn, trong quá trình làm vườn, làm nghề (thu mua, tìm kiếm phế liệu), nếu người dân phát hiện được vũ khí, vật liệu nổ, phế liệu, phế phẩm, phụ kiện của vũ khí… phải trình báo, khai báo, giao nộp cho cơ quan quân sự, cơ quan công an hoặc UBND địa phương nơi gần nhất trong trường hợp phát hiện, thu nhặt được.
Bên cạnh đó, tại Điều 65 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi năm 2019 có quy định, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ phải nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị nêu rõ lý do, mục đích, yêu cầu đào bới, tìm kiếm; bản sao tài liệu chứng minh việc sử dụng, quản lý hoặc thi công công trình hợp pháp tại địa điểm đề nghị đào bới, tìm kiếm. Khi được UBND cấp huyện cho phép đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ phải đề nghị hoặc thuê tổ chức, đơn vị được phép đào bới, tìm kiếm. Việc đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ chỉ được thực hiện trong phạm vi, địa điểm đã được cho phép...
“Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị có nhu cầu đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ ngoài phạm vi, địa điểm đã được cho phép thì phải có văn bản đề nghị UBND cấp huyện. Chậm nhất trong thời gian 5 ngày làm việc, UBND cấp huyện phải có văn bản trả lời, không đồng ý phải nêu rõ lý do” - luật sư Đỗ Văn Gọn cho biết thêm.
Đoàn Phú