Báo Đồng Nai điện tử
En

Lập di chúc có cần giám định sức khỏe tâm thần?

08:05, 16/05/2023

Di chúc, hợp đồng tặng, cho tài sản chỉ có giá trị pháp lý khi người xác lập minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, cưỡng ép. Một khi họ không minh mẫn, sáng suốt thực hiện xác lập di chúc, hợp đồng giao dịch thì giao dịch đó sẽ không có giá trị pháp lý, phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Di chúc, hợp đồng tặng, cho tài sản chỉ có giá trị pháp lý khi người xác lập minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, cưỡng ép. Một khi họ không minh mẫn, sáng suốt thực hiện xác lập di chúc, hợp đồng giao dịch thì giao dịch đó sẽ không có giá trị pháp lý, phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Người dân (phải) tới Phòng Công chứng số 4, H.Long Thành (thuộc Sở Tư pháp) giao dịch. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Người dân (phải) tới Phòng Công chứng số 4, H.Long Thành (thuộc Sở Tư pháp) giao dịch. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Vậy khi nào thì cần đi làm giấy giám định sức khỏe tâm thần tại các cơ quan y tế để chứng minh di chúc hợp pháp và người lập di chúc sáng suốt không bị lừa dối, cưỡng ép?

* Nỗi lo của người lập di chúc và nhận di sản

Bà P.T.T. (70 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, bà có 1 thửa đất và nhà diện tích 250m2 (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở). Bà không có chồng con nhưng có tới 10 người cháu ruột gọi bằng cô, trong khi bà chỉ muốn lập di chúc để lại tài sản trên cho duy nhất vợ chồng người cháu ruột đang sinh sống cùng bà.

Bà T. thắc mắc, bà có cần khám sức khỏe tâm thần trước khi lập di chúc nhằm tránh việc khi bà mất, những người cháu khác lợi dụng lý do tranh chấp di sản với người cháu mà bà muốn lập di chúc để lại tài sản.

Hay như trường hợp ông P.V.G. (ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán) được người cha làm di chúc để lại di sản là 2 sào đất, khi cha ông mất thì các anh, chị, em của ông phát sinh tranh chấp diện tích đất này. Họ cho rằng, cha của họ lập di chúc lúc bệnh tật, già yếu, không minh mẫn nên dù di chúc có được công chứng, chứng thực vẫn không có giá trị pháp lý, vì thiếu giấy giám định sức khỏe tâm thần.

Cũng vì phát sinh tranh chấp di sản thừa kế của cha với các anh, chị, em nên ông G. rất muốn biết, liệu ông có được pháp luật bảo vệ cho việc duy nhất thừa hưởng di sản của cha theo di chúc hay di sản đó được chia theo pháp luật?

Vấn đề nêu trên cũng được nhiều người quan tâm, đặt câu hỏi với luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tại các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động do Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

* Pháp luật không bắt buộc

Luật sư Nguyễn Đức giải thích, pháp luật cho phép các đối tượng sau đây được lập di chúc: người đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên); người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ, hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc; người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ được lập di chúc nhưng phải được người làm chứng lập thành văn bản và phải có công chứng, chứng thực. Do đó, tùy từng độ tuổi hoặc do hạn chế về thể chất mà pháp luật có quy định về hình thức lập di chúc khác nhau.

“Do pháp luật trao quyền đồng thời là trao trách nhiệm cho công chứng viên/người thực hiện chứng thực phải xác định tình trạng minh mẫn, sáng suốt của người lập di chúc nên với trường hợp người lập di chúc biết đọc, biết viết, thể hiện rõ nội dung đồng ý bằng cách viết vào di chúc, ký tên, điểm chỉ thì không cần giấy khám sức khỏe để giảm phiền phức, nhiêu khê cho dân” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) cho hay.

Riêng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên thì di chúc của họ xác lập được xem là hợp pháp khi hội đủ các điều kiện: minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. Một khi di chúc được xác lập không hợp pháp thì di chúc vô hiệu, di sản của người mất được chia theo pháp luật.

“Pháp luật không bắt buộc mọi trường hợp người xác lập di chúc phải cung cấp giấy khám sức khỏe tâm thần của cơ quan y tế đánh giá, ghi nhận họ đủ năng lực hành vi dân sự, minh mẫn, sáng suốt khi đến yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc. Chỉ khi nào công chứng viên, người có chức năng, thẩm quyền chứng thực có căn cứ, cơ sở nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của họ khi xác lập di chúc trong trạng thái tinh thần không sáng suốt, minh mẫn, hạn chế nhận thức, hành vi thì mới yêu cầu họ cung cấp giấy này” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.

Theo công chứng viên  P.T.A., làm việc tại một văn phòng công chứng ở TP.Biên Hòa, Khoản 5, Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 có quy định, trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

 Khi người lập di chúc đến cơ quan y tế có chức năng, thẩm quyền để thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe tâm thần và  cơ quan y tế đó ban hành văn bản xác nhận khả năng nhận thức của người này tại thời điểm họ tham gia xác lập di chúc là minh mẫn, sáng suốt thì công chứng viên tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định pháp luật.

“Lý do công chứng viên yêu cầu người lập di chúc phải có giấy khám sức khỏe tâm thần vì giấy này là cơ sở cho người chứng nhận di chúc xác định về trạng thái tinh thần của người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt khi chứng nhận. Đồng thời, giấy khám sức khỏe tâm thần cũng là chứng cứ để giải quyết các khiếu nại, tranh chấp về sau liên quan đến trạng thái, tinh thần của người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc” - công chứng viên P.T.A. bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều