Theo bản án ly hôn của anh H. và chị D., tài sản chung (nhà đất) được chia đôi mỗi người một nửa. Chị D. phải thanh toán giá trị chênh lệch cho anh H. để nhận nhà đất. Tuy nhiên, trước đây tôi là người gửi tiền về cho anh chị mua nhà đất nêu trên (tỷ lệ chiếm khoảng 1/3 giá trị căn nhà). Vậy làm sao để tôi lấy lại tài sản của mình sau khi anh H. và chị D. ly hôn.
Hỏi: Theo bản án ly hôn của anh H. và chị D., tài sản chung (nhà đất) được chia đôi mỗi người một nửa. Chị D. phải thanh toán giá trị chênh lệch cho anh H. để nhận nhà đất. Tuy nhiên, trước đây tôi là người gửi tiền về cho anh chị mua nhà đất nêu trên (tỷ lệ chiếm khoảng 1/3 giá trị căn nhà, có văn bản xác nhận tài sản chung được chứng thực của chính quyền địa phương). Vậy làm sao để tôi lấy lại tài sản của mình sau khi anh H. và chị D. ly hôn.
N.T.C (ngụ H.Trảng Bom)
- Trả lời: Thông tin cung cấp thể hiện nhà đất là tài sản chung của bà và anh H., chị D. Trong bản án ly hôn của anh H. và chị D., về phần tài sản chung (nhà đất) được chia mỗi người một nửa, chị D. thanh toán giá trị chênh lệch cho anh H. để nhận toàn bộ nhà đất, nhưng không đề cập đến phần của bà trong khối tài sản chung này, có 2 trường hợp xảy ra:
- Bản án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này bà có thể làm đơn đề nghị tòa án cấp phúc thẩm cho bà tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi liên quan - có yêu cầu độc lập.
- Bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, bà làm đơn thông báo bằng văn bản đến người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đối với bản án ly hôn nêu trên để họ xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu còn thời hiệu hoặc tái thẩm nếu có căn cứ.
Lưu ý, bà không nên khởi kiện đòi lại một phần tài sản là nhà đất nêu trên đối với anh H. và chị D., vì “sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án”.
LS Ngô Văn Định