Việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh triển khai kịp thời trong toàn hệ thống. Nhờ đó, nhiều nội dung đóng góp ý kiến rất thiết thực, góp phần quan trọng vào hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.
Việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh triển khai kịp thời trong toàn hệ thống. Nhờ đó, nhiều nội dung đóng góp ý kiến rất thiết thực, góp phần quan trọng vào hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều nội dung mới, đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai. Ảnh minh họa: Một khu nhà ở xã hội tại TP.Long Khánh. Ảnh: T.NHÂN |
Sau nhiều năm thực thi Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Đối với công tác THADS, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhà ở, tài sản gắn liền với đất; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS kê biên tài sản là QSDĐ để đảm bảo thi hành án…
* Điều chỉnh một số quy định cho phù hợp thực tế
Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Hoàng Trung cho biết, Cục THADS tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác và tổng hợp ý kiến của các cơ quan trong hệ thống, Cục đã đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Đất đai.
Cụ thể, tại Điều 4 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định 3 trường hợp ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành là: “Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá QSDĐ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản”; “Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu” và “Trường hợp đất đai được giao, cho thuê cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thì việc quản lý, sử dụng áp dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.
Trong góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Cục THADS tỉnh đã chỉ ra những khái niệm khó hiểu (Khoản 14, Điều 3 về giải thích từ ngữ) hoặc một số nội dung diễn đạt chưa rõ ràng (Điều 126 về đất sử dụng có thời hạn; Điều 146 về đính chính, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp…). Qua đó, đề nghị ban soạn thảo cần chỉnh sửa, bổ sung, diễn đạt chặt chẽ, đầy đủ hơn. |
Trong khi đó, pháp luật về THADS có một số quy định khác với dự thảo hoặc dự thảo chưa điều chỉnh như: cấp giấy chứng nhận QSDĐ trong trường hợp đấu giá QSDĐ chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (về bản chất cũng là một hình thức chuyển QSDĐ); thu hồi, hủy giấy chứng nhận QSDĐ. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung những trường hợp này vào Điều 4 của dự thảo.
Tại Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định sở hữu chung của các thành viên trong gia đình: “Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên góp và cùng nhau tạo lập nên”. Còn tại Khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có giấy chứng nhận QSDĐ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”.
Từ 2 khái niệm trên dẫn đến việc xác định thành viên hộ gia đình cũng khác nhau. Trong đó, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản của hộ gia đình phải là tài sản do các thành viên cùng đóng góp (tức là hướng tới xác định nguồn gốc tạo lập tài sản). Còn dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lại quy định về mối quan hệ hôn nhân, huyết thống của các thành viên hộ gia đình (dù là trước ngày Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực) nên khi chỉ cần có 1 trong các thành viên trong hộ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ như trong trường hợp này phải thi hành án thì rất khó xử lý QSDĐ ghi “hộ gia đình”, mặc dù có thể nguồn gốc tạo lập QSDĐ đó chỉ do người phải thi hành án tạo lập nên.
Mặt khác, trên thực tế, nhiều trường hợp QSDĐ là tài sản chung của vợ chồng nhưng trong giấy chứng nhận QSDĐ lại ghi cấp cho “hộ gia đình” dẫn đến xử lý tài sản thi hành án gặp khó khăn. Nếu trong gia đình có cha, mẹ và con của người phải thi hành án cùng sinh sống thì rất khó để xác định phần quyền sở hữu tài sản, phân chia tài sản, xác định công sức đóng góp của mỗi thành viên hộ gia đình trong khối tài sản chung.
Do vậy, Cục THADS đề nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định rõ về các thành viên của hộ gia đình phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; cần xác lập việc cấp chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, vợ chồng phải xác định rõ người được cấp chứng nhận QSDĐ đất phải là thành viên góp vốn và cùng nhau tạo lập nên tài sản, không xác lập QSDĐ có được do quan hệ huyết thống, hôn nhân.
* Cần quy định rõ việc tách thửa để thi hành án
Luật THADS được sửa đổi các năm: 2014, 2018 và 2022 quy định rõ các bản án của tòa án các cấp được tổ chức thi hành và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Đồng thời, Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17-3-2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS) quy định: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết”.
Tuy nhiên, Điểm a, Điểm c, Điều 211 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lại quy định: “Việc tách thửa, hợp thửa các loại đất được thực hiện đối với thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ còn trong thời hạn sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trường hợp phân chia QSDĐ theo bản án hoặc quyết định của tòa án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp thực hiện hợp thửa với thửa đất liền kề quy định tại điểm b khoản này”.
Như vậy, việc tách thửa “tương ứng nghĩa vụ…” để kê biên đảm bảo việc thi hành bản án, quyết định của tòa án là không thể thực hiện được, dẫn đến các vụ việc thi hành án vướng quy định trên sẽ không thể thực hiện. Do đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ việc tách thửa để thi hành án theo tính chất đặc thù riêng nhằm đảm bảo việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án được nghiêm minh và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ.
Thành Nhân