Chiêu trò hoạt động "tín dụng đen" thông qua các app vay tiền đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người "dính bẫy". Lúc này, các nạn nhân chỉ còn biết cách cầu cứu cơ quan chức năng để thu hồi số tiền bị lừa hoặc để thoát khỏi sự đe dọa của bên cho vay khi số tiền vay đã trả gấp nhiều lần mà vẫn không được xóa nợ.
Chiêu trò hoạt động “tín dụng đen” thông qua các app vay tiền đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người “dính bẫy”. Lúc này, các nạn nhân chỉ còn biết cách cầu cứu cơ quan chức năng để thu hồi số tiền bị lừa hoặc để thoát khỏi sự đe dọa của bên cho vay khi số tiền vay đã trả gấp nhiều lần mà vẫn không được xóa nợ.
Luật sư Ngô Văn Định hướng dẫn khách hàng làm đơn gửi cơ quan chức năng khi “dính bẫy” cho vay lãi nặng qua các app vay tiền. Ảnh: Đ.Phú |
* Dính bẫy lừa vay tiền qua app
Cần tiền để giải quyết việc khó khăn của gia đình nên khi được người bạn hướng dẫn, bà H.T.G. (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) đã vay 20 triệu đồng qua một app cho vay tiền. Tuy nhiên, sau khi vay số tiền 20 triệu đồng này, bà G. “è cổ” trả suốt 12 tháng với con số lên đến 49 triệu đồng nhưng vẫn bị bên cho vay thông báo còn nợ 10 triệu đồng, khiến bà G. rất bức xúc vì cách tính lãi vay không khác gì cho vay với lãi suất “cắt cổ”.
Không những thế, có đối tượng còn lợi dụng hoạt động của app cho vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người vay.
Chị N.T.K. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) kể, cũng vì “kẹt” tiền đột xuất mà chị tìm tới một app cho vay để vay 10 triệu đồng. Lúc đầu, chị thấy bên app mời chào cho vay dễ dàng, thời gian giải ngân trong vài phút sau khi đăng ký thành công, lãi suất thấp… Vì vậy, chị thực hiện theo yêu cầu của bên cho vay là cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay và gửi thông báo phê duyệt vay.
Tuy nhiên, ngay sau khi chị N.T.K. đăng ký làm theo hướng dẫn, các đối tượng đã thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay là 2 triệu đồng và sẽ trả lại khách hàng khi sự cố được khắc phục. Nếu chị không nộp thì vẫn xem như đã chấp nhận vay và nhận tiền vay, tính lãi suất. Vậy là chị mượn bạn bè tạm 2 triệu đồng nộp vào, lập tức bên cho vay chặn mọi thông tin liên lạc.
Tương tự, anh L.T. (làm công nhân, ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) kể, anh vừa bị đối tượng cho vay qua app lừa số tiền 500 ngàn đồng khi yêu cầu anh thanh toán phí hồ sơ và bảo hiểm khoản vay 3 triệu đồng. Lúc đầu anh chần chừ thì bị bên cho vay không ngừng thúc ép, đe dọa trong 2 ngày liền khiến anh lo sợ phải chuyển 500 ngàn đồng theo yêu cầu của các đối tượng thì ngay tức khắc người này cắt liên lạc và không chuyển số tiền anh cần vay là 3 triệu đồng.
* Pháp luật sẽ can thiệp nhưng khó lấy lại tiền
Theo luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh), người bị lừa đảo, vay nặng lãi qua app cho vay có thể làm đơn trình báo cơ quan công an để tố giác tội phạm. Tuy nhiên, đa phần trong các vụ cho vay tiền qua app, thông tin các nạn nhân cung cấp về đối tượng khá hạn chế, nếu có thì các thông tin này đều do đối tượng lừa đảo khai gian nên cơ quan công an cũng gặp khó khăn trong quá trình điều tra, truy bắt đối tượng. Hoặc vụ án dù có bị khởi tố, bắt giam thủ phạm thì khả năng thu hồi lại tiền của các nạn nhân cũng không dễ. Để bảo vệ mình, người dân cần cẩn trọng trước khi quyết định vay tiền qua app cho vay; trường hợp bị đối tượng cho vay tiền qua app lừa đảo, đe dọa thì cần trình báo cơ quan chức năng xử lý.
Cũng theo luật sư Đỗ Văn Gọn, hành vi dụ dỗ khách hàng vay tiền qua app nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền hay cho vay lãi suất cao tất yếu sẽ bị xử lý theo pháp luật. Theo đó, nếu hành vi trên là vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng theo Điểm c, Khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Hoặc bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo Điểm d, Khoản 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Riêng về hình sự, nếu hành vi trên cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. Còn cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017) sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù giam từ 6 tháng đến 3 năm.
“Tốt nhất là mọi người không nên vay tiền qua các app cho vay. Hãy tìm tới các kênh hỗ trợ vốn chính thống, uy tín như: ngân hàng, tổ chức tín dụng, hội, đoàn thể để vay vốn với lãi suất, điều kiện trả lãi và gốc phù hợp với hoàn cảnh người vay” - luật sư Đỗ Văn Gọn khuyến cáo.
“Các app cho vay tiền nở rộ vì đánh trúng tâm lý người cần vay tiền là ngồi một chỗ cũng giao dịch được, vay bao nhiêu cũng có, không cần tài sản thế chấp, biết mặt nhau… Tuy điều kiện cho vay dễ dãi nhưng khi vướng vào các app này, người đi vay dù phải trả gấp nhiều lần tiền gốc vẫn phải bấm bụng trả vì bị đe dọa, khủng bố mà không dám tố cáo với cơ quan chức năng” - luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết. |
Đoàn Phú