Khi cha hoặc mẹ mất mà không có di chúc thì di sản của người chết được phân chia theo pháp luật. Con mất trước cha mẹ mà người con này không có di chúc thì cha mẹ vẫn được thừa kế di sản của con.
Khi cha hoặc mẹ mất mà không có di chúc thì di sản của người chết được phân chia theo pháp luật. Con mất trước cha mẹ mà người con này không có di chúc thì cha mẹ vẫn được thừa kế di sản của con.
Luật sư Nguyễn Đức (bìa phải) giải thích cho người dân về việc phân chia thừa kế theo pháp luật khi người chết không để lại di chúc tại buổi tuyên truyền. Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, do luật quy định như vậy nên khi chồng mất, sau đó cha mẹ của chồng cũng mất thì các anh chị bên chồng yêu cầu người vợ và các cháu chia di sản sẽ khó tránh khỏi mất tình thân.
* Liệu có vô lý?
Bà N.T.N. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, vợ chồng bà lấy nhau vào năm 2005, có 2 con chung và tạo lập được căn nhà nằm trên diện tích 400m2 (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở) mang tên 2 vợ chồng. Năm 2017, chồng bà mất. Đến năm 2019 thì mẹ và cha chồng của bà cũng lần lượt qua đời. Trước khi cha mẹ chồng mất, ông bà đã làm thủ tục tặng cho tất cả tài sản cho những người con của ông bà ở quê (tỉnh Bình Phước) mà không cho mẹ con bà N.T.N.
Bất ngờ hơn, hiện nay một người em trai của chồng đề nghị bà N. và các cháu chia di sản thừa kế của chồng bà theo đúng quy định của pháp luật. Bà N.T.N. thắc mắc, yêu cầu của người em chồng có đúng không và bà phải làm sao?
“Tôi đồng thuận với người dân về quan điểm, pháp luật chỉ cho cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi của người chết được hưởng di sản khi người này chết mà không có di chúc. Riêng các anh, chị em ruột của người chết sẽ bị truất quyền này khi cha mẹ ruột của họ chết mà không có di chúc, di nguyện về di sản này. Bởi vì, việc yêu cầu phân chia này chỉ xảy ra đối với người thiếu tình thân, tham lam” - luật sư ĐỖ VĂN GỌN, Phó ban Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và xây dựng pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ. |
Vấn đề của bà N.T.N., luật sư Nguyễn Đức cho biết, việc người em trai chồng yêu cầu bà và các cháu chia di sản của chồng bà để lại khi mất, nhiều người thoạt nghe qua thì thấy phi lý. Tuy vậy, yêu cầu phân chia của người em chồng bà lại đúng với quy định tại Điều 650, Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi vì, các điều luật trên quy định, khi người chết không có di chúc thì di sản đó được chia theo pháp luật, hàng thừa kế. Do đó, khi chồng bà mất không có di chúc thì di sản này được phân chia như sau: bà được 1/2 trong số tài sản chung của vợ chồng. 1/2 phần còn lại được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gồm: bà, cha ruột, mẹ ruột của chồng bà và 2 con.
Do cha mẹ ruột của chồng bà được hưởng phần thừa kế di sản của chồng bà ngang hàng với bà và 2 cháu nên khi cha mẹ của chồng mất mà không có di chúc, phần của họ được thừa hưởng từ chồng bà tiếp tục được chia theo pháp luật. Nghĩa là phần di sản này được chia đều cho những anh, chị em ruột của chồng bà và 2 con của bà.
“Dù phần phân chia này không nhiều nhưng người em chồng của bà yêu cầu phân chia thì tòa án sẽ giải quyết. Tuy nhiên, xét về mặt đạo lý, tình cảm thì bà có thể gặp những anh, chị em bên chồng thuyết phục, trao đổi, thỏa thuận để họ làm giấy từ chối nhận di sản được thụ hưởng từ chồng của bà” - luật sư Nguyễn Đức hướng dẫn.
* Có cần thay đổi luật?
Do gặp tình huống tương tự như bà N.T.N. nên bà C.T.P. (ngụ xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) bức xúc đề nghị pháp luật nên bỏ quy định trên vì nó không đúng với thực tế, dễ gây bất hòa, làm rạn nứt mối quan hệ giữa các anh chị em bên chồng với chị, em dâu và các cháu khi người chồng mất. Nhất là phần tài sản được phân chia này không nhiều, các anh chị em của chồng khá giả, lại được cha mẹ bên chồng cho hết tài sản khi còn sống, trong khi chị dâu, em dâu và các cháu khó khăn.
“Bởi vì, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế tới 30 năm nên những anh, chị em của chồng dễ phát sinh tranh chấp với chị, em dâu và các cháu khi cha mẹ mất mà không có di chúc, di nguyện nói về phần di sản này” - bà C.T.P. bày tỏ.
Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, dù người dân cảm thấy việc pháp luật công nhận quyền được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ ruột từ con trai khi con trai chết không có di chúc là không thỏa đáng, bất cập, phát sinh nhiều vấn đề rắc rối, nhưng một khi các quy định trên chưa được sửa đổi thì mọi người cần phải tuân thủ và các anh, chị em của người con trai đã mất vẫn có quyền yêu cầu chị dâu, các cháu chia di sản khi nó còn trong thời hiệu phân chia, giải quyết tranh chấp.
“Chỉ khi nào Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi theo hướng khi chồng hoặc vợ mất mà không có di chúc và cha mẹ ruột của người đó còn sống thì mới được hưởng thừa kế di sản theo hàng thừa kế thứ nhất từ con. Còn nếu cha mẹ ruột của người đó chết mà không có di chúc để lại di sản này cho ai và di sản đó chưa được phân chia theo pháp luật thì con cái mất quyền được hưởng” - luật sư Cao Sơn Hà bày tỏ.
Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, Điểm a, Khoản 2, Điều 650 (thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với di sản không được định đoạt theo di chúc) và Điểm a, Khoản 1, Điều 651 (hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha mẹ ruột, các con… của người chết) là nhân văn, thấu đáo khi phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tuy vậy, nó vẫn bị khiếm khuyết bởi trường hợp thực tế nêu trên nên việc người dân kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung là hợp lý.
Đoàn Phú