Vụ việc ngộ độc thực phẩm ở Trường iSchool Nha Trang (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khiến 1 học sinh tử vong và hàng trăm học sinh phải nhập viện để cấp cứu, điều trị được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Qua đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các trường học trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Vụ việc ngộ độc thực phẩm ở Trường iSchool Nha Trang (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khiến 1 học sinh tử vong và hàng trăm học sinh phải nhập viện để cấp cứu, điều trị được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Qua đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các trường học trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Đồng Nai có nhiều trường bán trú đang hoạt động, do đó ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác đảm bảo ATVSTP trong các trường học trên địa bàn. Trước hết, cần định kỳ và đột xuất kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP của các trường học, trong đó có các trường bán trú. Đặc biệt, cần chú trọng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm; cách bảo quản và chế biến thực phẩm. Kết quả kiểm tra cần công khai cho phụ huynh, học sinh biết để có thông tin cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Về phía nhà trường, cần chú trọng chọn đối tác, nhà thầu căn tin trường học hay cung cấp suất ăn trường học, nấu ăn tại trường phải đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định, chú trọng yếu tố ATVSTP lên hàng đầu; thường xuyên giám sát khu vực nấu ăn, chế biến thực phẩm của các đối tác để kịp thời có sự góp ý, điều chỉnh cho phù hợp; yêu cầu đơn vị chế biến phải giám sát đảm bảo nguyên liệu đầu vào theo quy định.
Bên cạnh đó, nhà trường cần chú trọng tuyên truyền về vấn đề ATVSTP cho học sinh. Trong đó chú ý cách nhận biết thực phẩm bẩn, ôi thiu, nấm mốc; hạn sử dụng; cảnh báo học sinh không được ăn uống ở các hàng quán ven đường, không đảm bảo vệ sinh, không uống các loại nước uống lạ rẻ tiền, nhiều màu sắc bắt mắt; rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên tập huấn cách nhận biết và xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm cho giáo viên, học sinh.
Về lâu dài, các ngành chức năng cần kiểm soát nguồn thực phẩm từ khâu nuôi, trồng, sản xuất đến khâu giết mổ, vận chuyển, bảo quản, chế biến thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc ngăn ngừa thực phẩm bẩn ra thị trường vẫn tiếp tục là việc làm cấp thiết của các ngành chức năng, đặc biệt ở vùng chăn nuôi (heo, gà) lớn như tại Đồng Nai. Trong thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở giết mổ động vật trái phép, không đảm bảo ATVSTP; nhiều cơ sở thu mua, sơ chế heo, gà chết để chuẩn bị bán ra thị trường. Qua đó cho thấy nguy cơ mất ATVSTP trên địa bàn rất cao.
Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thực phẩm bẩn tràn ra thị trường, vào các nhà máy, trường học. Nhất là cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm để tăng tính răn đe, giáo dục.
Về phía phụ huynh cũng cần quan tâm đảm bảo ATVSTP cho con em trong gia đình; hướng dẫn trẻ nhận biết và không ăn các thực phẩm ôi thiu, nấm mốc, hết hạn sử dụng; cùng với nhà trường giám sát khâu bảo quản, chế biến thức ăn của công ty cung cấp suất ăn cho trường bán trú hoặc căn tin xem họ có đảm bảo các tiêu chí ATVSTP hay không để có hướng ngăn chặn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm kịp thời; hạn chế những sự việc đau lòng xảy ra như ở Trường iSchool Nha Trang.
Bảo Ngọc (H.Long Thành)