Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã có nhiều trường hợp ngộ độc rượu, bia nặng, thậm chí tử vong. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC cho biết:
Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã có nhiều trường hợp ngộ độc rượu, bia nặng, thậm chí tử vong. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC cho biết:
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước. Ảnh: P.Liễu |
Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh…
* Thưa ông, thời gian qua, tình hình tiếp nhận những ca liên quan đến rượu, bia tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai như thế nào? Thời điểm nào có nhiều ca ngộ độc rượu hoặc liên quan đến rượu, bia nhất?
- Phần lớn những ca cấp cứu có liên quan đến rượu, bia thường tập trung vào buổi tối, thời gian từ 19-22 giờ, nhất là vào các ngày cuối tuần và lễ, Tết. Số ca ngộ độc rượu không nhiều lắm, nhưng những ca liên quan đến nguyên nhân rượu, bia thì rất nhiều, đặc biệt là số ca tai nạn giao thông ở người có sử dụng rượu, bia chiếm đến hơn một nửa số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc rượu do uống nhầm cồn công nghiệp, một loại cồn được sử dụng vào mục đích sát khuẩn hoặc làm dung môi cho một số hóa chất khác. 2 ca này tương đối nặng, phải can thiệp sâu do độc tố của loại cồn công nghiệp gây nên.
* Làm sao có thể phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu?
- Các triệu chứng của người say rượu và ngộ độc rượu ban đầu hơi giống nhau. Tuy nhiên, ở người say rượu thì có cảm giác chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp các bộ phận cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn và nôn. Còn người bị ngộ độc rượu thường xuất hiện các triệu chứng đau đầu dữ dội; bất tỉnh; co giật; tê yếu chân tay một bên hoặc một bên mặt; nói ngọng cả khi đã tỉnh táo; thở yếu, thở khò khè hoặc ngừng thở; da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; rối loạn cảm nhận về màu sắc; nôn nhiều, đau bụng và chướng bụng; người bệnh có cảm giác mệt rũ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Trung bình ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 ngàn ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến rượu, bia. |
Đặc biệt, đối với những ca ngộ độc rượu vì uống phải cồn pha hoặc uống nhầm cồn công nghiệp là rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng bị nhiều di chứng về thần kinh. Khi thấy tình trạng diễn tiến nặng như trên, gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
* Tác động của rượu, bia nói chung và ngộ độc rượu nói riêng lên sức khỏe người sử dụng như thế nào, thưa bác sĩ?
- Uống rượu, bia ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu, bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại.
Có thể “điểm mặt” 9 tác hại của rượu, bia gây cho người uống như: gây rối loạn bộ não, không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hành vi; ảnh hưởng tới cơ tim, làm cho cơ tim bị thoái hóa; gây ra các bệnh viêm loét dạ dày và tá tràng; gây nhiều tác hại đến gan, làm hệ miễn dịch của gan bị suy giảm, dẫn đến xơ gan và nghiêm trọng hơn là ung thư gan; tác hại với tim mạch, huyết áp; giảm sức đề kháng của cơ thể; làm gia tăng lượng uric tạo nên bệnh gout và gây đau nhức khớp xương; ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản như suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng và tác hại cuối cùng là gây ra các bệnh về tâm thần.
Rượu, bia không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bản thân người uống, mà còn ảnh hưởng tới kinh tế, hạnh phúc gia đình, thậm chí là liên lụy đến người khác như gây tai nạn hoặc đả thương người khác…
Một bệnh nhân ngộ độc rượu được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu qua cơn nguy kịch |
* Cách xử lý khi say và ngộ độc rượu thế nào?
- Khi uống rượu thấy chếnh choáng, người uống nên dừng ngay việc uống rượu. Lúc này, người uống hoặc người nhà nên tìm cách gây cho người uống nôn hết ra. Uống nhiều nước, nhất là các loại nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu nấu nhừ (đặc biệt là đậu xanh), uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Nới lỏng khuy cổ áo, tháo thắt lưng và để người say rượu nằm nơi thoáng mát.
Người say rượu cần ngủ thì người nhà nên để cho ngủ, nhưng cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng, tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm. Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu.
* Sắp tới là dịp cuối năm, lễ, Tết, nhu cầu sử dụng rượu, bia sẽ tăng cao. Vậy ông có lời khuyên nào để việc uống rượu, bia không để lại tác động xấu đến sức khỏe cũng như tránh được tình trạng ngộ độc rượu cấp?
- Mỗi người nên điều tiết việc uống rượu, bia của mình bằng việc uống ít hoặc uống các loại rượu lên men từ trái cây như rượu vang với liều lượng vừa phải. Còn nếu như phải uống vì công việc, vì mối quan hệ hay vì nhu cầu… thì người uống rượu, bia nên chú ý 3 yếu tố sau: thứ nhất là uống rượu được bảo đảm chất lượng như chọn lựa những loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, tuyệt đối không mua rượu ở những cửa hàng tạp hóa, rượu trôi nổi trên thị trường. Thứ hai: uống đúng liều lượng là uống một lượng nhỏ và đều đặn, không nên uống cấp tập hoặc ngồi uống kéo dài. Thứ ba là uống đúng cách, đó là tuyệt đối không uống rượu khi bụng đang đói, chỉ nên uống rượu khi đã ăn một lượng thực phẩm tương đối. Và tất nhiên khi đã uống rượu, bia thì không nên lái xe để bảo đảm sức khỏe và tính mạng của mình và người khác.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)