Việc các bên phát sinh tranh chấp trong quá trình giao dịch dân sự về vay mượn nợ, chuyển nhượng đất đai, hợp đồng… diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân phần lớn là do các giao dịch này được thỏa thuận hoặc thực hiện không đúng theo quy định pháp luật.
Việc các bên phát sinh tranh chấp trong quá trình giao dịch dân sự về vay mượn nợ, chuyển nhượng đất đai, hợp đồng… diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân phần lớn là do các giao dịch này được thỏa thuận hoặc thực hiện không đúng theo quy định pháp luật.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh, phải) tư vấn cho người dân về giao dịch dân sự. Ảnh: Đ.Phú |
* Giao dịch không đúng quy định, gian dối
Do có nhu cầu mở đường đi vào phần đất của mình nên giữa ông V.Q. (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) và bà Đ.A. (TP.Biên Hòa) có thỏa thuận, nếu ông Q. đồng ý bán cho bà A. 500m2 đất (loại đất nông nghiệp) phía bên trong đất vườn của ông thì bà A. sẽ bỏ tiền ra mua thêm đất của bà T.T. (cũng là đất nông nghiệp kế bên) để mở đường từ ngoài vào nhằm làm đường đi chung cho cả 3 người.
Do việc mua bán đất giữa ông Q., bà A. không đúng quy định theo pháp luật về đất đai (vì nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu theo quy định cho phép tách thửa của UBND tỉnh vào thời điểm năm 2017 là phải từ 1 ngàn m2 trở lên) nên khi bà A. rào đường không cho ông Q., bà T. đi lại thì các bên bắt đầu tố cáo nhau về việc không làm đúng theo thỏa thuận.
Hay như trường hợp của ông L.Y. và bà L.T.V. (cùng ngụ xã Phú Thịnh, H.Tân Phú) có làm giấy viết tay chuyển nhượng căn nhà và đất (diện tích 240m2) cho bà V. Thực chất của việc bà V. buộc ông Y. làm giấy viết tay chuyển nhượng này nhằm mục đích ông Y. bảo đảm số tiền 100 triệu đồng đã mượn của bà V. để làm ăn. Đôi bên thỏa thuận, nếu ông Y. trả lãi và nợ gốc cho bà đầy đủ, đúng hẹn thì giấy chuyển nhượng trên sẽ bị hủy.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, do việc thỏa thuận chuyển nhượng bất động sản giữa ông V.Q. và bà Đ.A. chưa lập hợp đồng bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, lại không đúng theo quy định pháp luật (vì nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu theo quy định cho phép tách thửa của UBND tỉnh vào thời điểm năm 2017 là phải từ 1 ngàn m2 trở lên) nên rất dễ phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn.
Ngoài ra, việc giao kết chuyển nhượng nhà, đất giữa ông L.Y. và bà L,T.V. nhưng bản chất là việc vay mượn tiền, không đúng với quy định pháp luật, có sự gian dối cũng dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại đòi quyền lợi.
Theo luật sư Ngô Văn Định, vì các bên giao dịch không đúng pháp luật, lừa dối, giả cách nên giao dịch đó dù các bên dấu kín hoặc không nói ra như lúc phát sinh tranh chấp thì sớm muộn gì cơ quan chức năng cũng phát hiện. Vì giao dịch vô hiệu nên các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận và phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình gây ra trong việc xác lập giao dịch vi phạm pháp luật, giả tạo.
“Mọi giao dịch đều phải tuân thủ pháp luật thì mới được pháp luật bảo vệ” - luật sư Định nhấn mạnh.
* Phải thượng tôn pháp luật
Để hướng dẫn người dân trong quá trình thực hiện, xác lập các giao dịch dân sự nhau đúng luật, đạo đức xã hội, luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ từ Điều 117 đến Điều 120 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch, mục đích của giao dịch, hình thức của giao dịch, giao dịch dân sự có điều kiện. Do đó, nếu các bên muốn mục đích của giao địch đạt được thì phải nắm rõ các quy định này.
Theo đó, việc xác lập giao dịch dân sự giữa các bên muốn đạt được mục đích, không bị vô hiệu thì phải hội đủ các điều kiện: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
“Pháp luật chỉ bắt buộc những loại giao dịch như: động sản (xe, nhà xưởng, máy móc), bất động sản (nhà, đất) phải lập hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng này phải tuân thủ về hình thức như: công chứng, chứng thực, sang tên, đăng ký biến động. Riêng các giao dịch đơn giản như: vay mượn nợ, buôn bán hàng hóa, thuê mướn nhau trong công việc… thì chỉ cần xác lập với nhau bằng lời nói, hành vi pháp lý cụ thể như: giấy viết tay, tin nhắn điện thoại, email là được” - luật sư Nguyễn Xuân Thanh lưu ý.
Chính vì vậy, luật sư Nguyễn Xuân Thanh đề nghị, một khi các bên muốn thực hiện giao dịch hợp pháp, đạt được mục đích theo ý chí của các bên, tránh phát sinh tranh chấp thì trước tiên các bên phải thượng tôn pháp luật trong xác lập giao dịch, tôn trọng, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật đối với dạng giao dịch có điều kiện của Điều 120, Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhất là khi xác lập giao dịch các bên không vì lợi ích cá nhân mà tìm mọi cách lách luật, lừa dối nhau, gây ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước, trật tự an toàn xã hội.
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó” - luật sư NGUYỄN XUÂN THANH (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý. |
Đoàn Phú