Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH cho biết:
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH cho biết:
Không đóng BHXH hay trốn đóng BHXH là hành vi vi phạm quy định pháp luật về BHXH, do đó, các doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt lưu ý thực hiện theo đúng quy định. Mức xử phạt DN vi phạm có thể lên tới 3 tỷ đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thưa ông?
- Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 321 đơn vị nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 244 tỷ đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, trên 60 tháng.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN một phần là do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do ý thức tuân thủ pháp luật của đơn vị sử dụng lao động chưa cao, nhận thức của người lao động (NLĐ) còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc làm dẫn đến không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp.
* Các DN thường sử dụng các hành vi, thủ đoạn gì để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN?
- Từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH Đồng Nai đã tiến hành thanh tra tại 287 đơn vị, qua đó phát hiện nhiều vi phạm, phổ biến nhất là tình trạng DN chậm nộp, nợ kéo dài các khoản bảo hiểm hoặc đóng không đúng số người thuộc diện tham gia, chuyển đổi hình thức ký hợp đồng lao động sang giao kết hợp đồng miệng… để trốn BHXH, BHYT, BHTN.
Có DN, đơn vị sử dụng lao động còn trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ nhưng không nộp lại cho cơ quan BHXH. Hành vi này diễn ra ở nhiều loại hình DN để chiếm dụng tiền BHXH nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN do tiền lãi chậm đóng thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, một số DN đóng không đúng mức lương và các loại phụ cấp theo quy định …
* Theo quy định của pháp luật thì hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?
- Theo quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, DN có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, bị buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN; đóng và nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.
Đại diện một doanh nghiệp hỏi về chính sách bảo hiểm xã hội tại một buổi đối thoại giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh với doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: K.Liễu |
Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 NLĐ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Mức phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ.
Bị phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm khi trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ.
Ngoài ra, với pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ… thì mức phạt áp dụng lên tới 3 tỷ đồng.
* Xin cảm ơn ông!
Bất cập trong xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội Hiện nay, các quy định về chế tài xử lý đối với các đơn vị nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực tiễn áp dụng còn một số bất cập, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện nay (Luật BHXH năm 2014, Luật Công đoàn năm 2012), tổ chức Công đoàn là đơn vị được trao quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, theo các quy định hiện nay, thủ tục để tổ chức Công đoàn khởi kiện phải tổ chức hòa giải, tranh chấp quyền lợi tại UBND cấp huyện; phải có ủy quyền của toàn bộ NLĐ… Đây là những quy định rất khó thực hiện trong thực tiễn áp dụng, vì số lượng lao động ở các DN nợ BHXH, BHYT, BHTN rất lớn… Gia An |
Kim Liễu (thực hiện)