Khoảng 2 tuần nay, không chỉ ngành Y tế Đồng Nai cảm thấy phấn khởi mà ngay cả người dân cũng đỡ lo lắng khi dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng giảm mạnh, trong đó số ca mắc giảm đến hơn 50% và không xuất hiện thêm ca tử vong.
Khoảng 2 tuần nay, không chỉ ngành Y tế Đồng Nai cảm thấy phấn khởi mà ngay cả người dân cũng đỡ lo lắng khi dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng giảm mạnh, trong đó số ca mắc giảm đến hơn 50% và không xuất hiện thêm ca tử vong.
Trước đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế), mỗi tuần Đồng Nai ghi nhận trung bình khoảng 800 ca mắc SXH, cao điểm có tuần lên đến hơn 1 ngàn ca và đã có 16 ca tử vong, khiến Đồng Nai đứng vị trí thứ 2 cả nước về số ca tử vong do SXH.
Để có được kết quả này, thời gian qua, Đồng Nai đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dịch bệnh; chủ động lập kế hoạch phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng ở các địa phương có nguy cơ xảy ra dịch bệnh SXH; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu xử lý ổ dịch, điều trị bệnh… Đặc biệt, tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm khống chế dịch bệnh như: ngày cuối tuần vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông đến người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, phòng ngừa dịch bệnh. Điều đáng nói là các hoạt động đều đi vào thực chất và hiệu quả, tác động rất tốt đến nhận thức và tạo chuyển biến hành vi của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có đông người dân từ nhiều địa phương khác nhau về làm ăn sinh sống. Điều kiện sống của nhiều khu nhà trọ công nhân còn hạn chế, không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh SXH khiến cho dịch bệnh dễ bùng phát.
Dịch SXH giảm mạnh và dần được đẩy lùi là một tín hiệu đáng mừng. Để dịch bệnh giảm một cách bền vững, tiến tới dập tắt hoàn toàn dịch bệnh SXH nói riêng và dịch bệnh nói chung, ngoài nỗ lực của các cấp ủy Đảng, đoàn thể, chính quyền địa phương, toàn ngành Y tế còn cần sự chung tay của người dân trong việc triển khai liên tục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh môi trường công cộng, nơi sinh sống thường xuyên, không để cho muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở thì dịch bệnh SXH mới bị đẩy lùi.
Nguyễn Thị Phương
(P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa)