Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sớm có Luật Chuyển đổi giới tính

08:09, 15/09/2022

Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, nhưng Điều 37 của bộ luật quy định việc chuyển đổi giới được thực hiện theo quy định của luật đến nay vẫn chưa thực thi được vì thiếu luật chuyên ngành hướng dẫn, tức là chưa có Luật Chuyển đổi giới tính.

Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, nhưng Điều 37 của bộ luật quy định việc chuyển đổi giới được thực hiện theo quy định của luật đến nay vẫn chưa thực thi được vì thiếu luật chuyên ngành hướng dẫn, tức là chưa có Luật Chuyển đổi giới tính.

Hội Luật gia tỉnh tập huấn pháp luật cho các đồng đẳng viên về phòng, chống HIV/AIDS tại TP.Biên Hòa về quyền bình đẳng giới, không phân biệt, đối xử với người khuyết tật về giới. Ảnh: Đ.Phú
Hội Luật gia tỉnh tập huấn pháp luật cho các đồng đẳng viên về phòng, chống HIV/AIDS tại TP.Biên Hòa về quyền bình đẳng giới, không phân biệt, đối xử với người khuyết tật về giới. Ảnh: Đ.Phú

Để đảm bảo quyền chuyển đổi giới tính, Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội có ý kiến trong thời gian tới.

* Ai được phép chuyển đổi giới?

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế xây dựng có 24 điều, 4 chương. Trong đó, dự thảo có quy định người đề nghị chuyển đổi giới tính là người có giới tính sinh học hoàn thiện, tự thấy mình có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có, đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính. Người chuyển đổi giới tính là người đề nghị chuyển đổi giới tính được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, đề nghị chuyển đổi giới tính, ngoài đối tượng thuộc Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, còn phải đảm bảo các điều kiện, trình tự thủ tục theo quy định từ Điều 4 đến Điều 9 của dự thảo, nhất là người đó không được vi phạm điều cấm của dự thảo như: lợi dụng việc chuyển đổi giới tính để trốn tránh các nghĩa vụ pháp luật (Khoản 8,
Điều 5).

Anh V.N.Q. (ngụ TP.Long Khánh) bày tỏ sự phấn khởi khi dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định bảo đảm cho người chuyển đổi giới tính được sống thật với giới tính mà họ mong muốn. Tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính. Việc chỉnh sửa thông tin hộ tịch của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới sẽ không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự mà người đó có trước khi chỉnh sửa thông tin, cũng như những quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân và gia đình, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi... Như vậy rất đúng với những gì mà người bị khuyết tật về giới tính khát vọng bấy lâu nay.

“Những người đồng giới sẽ rất vui khi dự thảo Luật chuyển đổi giới tính quy định sau khi xác định lại giới tính thì quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân và gia đình những người đồng giới vẫn không thay đổi mà còn có thể tiến thêm một bước quan trọng nữa là đăng ký kết hôn” - anh V.N.Q. tâm sự.

* Mong dự thảo luật sớm hoàn thiện, thông qua

Anh L.H.H. (ngụ TP.Biên Hòa) bày tỏ, khi dự thảo được thông qua thì những người có khuyết tật về giới như anh sẽ tự tin và không bị khiên cưỡng khi xác định giới tính của mình là nữ vào giấy tờ mà trước kia họ được cha, mẹ khai nhận là nam khi làm giấy khai sinh.

“Mặc dù pháp luật từ trước tới nay không nghiêm cấm hoặc không thể nghiêm cấm việc người bị khuyết tật về giới sống thật với giới tính mà mình đang mang, nhưng khi luật pháp tiến bộ thêm một bước, cho phép người có khuyết tật về giới chuyển đổi, xác định lại giới tính thật theo nguyện vọng rồi công nhận nó bằng một thủ tục pháp lý sẽ thật sự giúp họ không còn mặc cảm, tự ti, bị phân biệt đối xử như trước nữa” - anh L.H.L. bộc bạch,

Khoản 4 và 5 Điều 2 dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính nêu rõ, giới tính sinh học hoàn thiện là giới tính khi sinh của một người đã được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục trong và bộ phận sinh dục ngoài. Nhận diện giới là việc tự cảm nhận của một người về việc họ là nam hay nữ.

Dù dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có nhiều điều ưu việt, thể hiện rõ quyền, nghĩa vụ của người mong muốn được xác định lại giới tính; điều kiện để được công nhận, xác định lại giới tính; cấm phân biệt, đối xử đối với người chuyển đổi giới tính…, nhưng theo một số chuyên gia pháp lý, dự thảo luật còn một số điểm hạn chế.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 6 của dự thảo quy định điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính thì phải từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Quy định như vậy là chưa đúng với Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, tức là chỉ có người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) mới có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

“Khoản 3, Điều 6 của dự thảo nên sửa theo hướng quy định điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính thì phải từ đủ 16 tuổi trở lên, bỏ cụm từ có năng lực hành vi dân sự cho phù hợp với quy định hiện hành. Có như vậy, người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính từ đủ 16 tuổi trở lên đến chưa đủ 18 tuổi mới có khả năng thực hiện được” - luật gia Vòng Khiềng nêu quan điểm.

Còn tại Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định điều kiện đối với người đề nghị phẫu thuật ngực hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính như sau: từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Tuy nhiên, một số ý kiến góp ý, dự thảo nên giảm độ tuổi này theo hướng tối ưu. Chẳng hạn cho phép thực hiện ngay từ khi người đó phát hiện giới tính thực của mình để họ được hoàn thiện giới tính sớm hơn.

  Đoàn Phú

Tin xem nhiều