Hiện đang cao điểm mùa mưa, các cơn mưa lớn thường xuất hiện vào buổi chiều, gây ngập cục bộ tại một số đoạn đường của TP.Biên Hòa khiến việc lưu thông gặp nhiều bất tiện. Nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khi qua các đoạn đường ngập sâu như: té xe, nước cuốn…
Hiện đang cao điểm mùa mưa, các cơn mưa lớn thường xuất hiện vào buổi chiều, gây ngập cục bộ tại một số đoạn đường của TP.Biên Hòa khiến việc lưu thông gặp nhiều bất tiện. Nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khi qua các đoạn đường ngập sâu như: té xe, nước cuốn…
Xe máy chạy vào khu vực ngập trên đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) sau cơn mưa chiều 22-8. Ảnh: Đ.Tùng |
* Nguy hiểm chực chờ
Trong những cơn mưa lớn gần đây, TP.Biên Hòa đã xuất hiện một số điểm ngập cục bộ trên đường Đồng Khởi (khu vực cầu Đồng Khởi thuộc P.Tân Phong và P.Trảng Dài; đoạn trước UBND P.Tân Hiệp), quốc lộ 1 (trước cổng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và ngã ba Phát Triển)... Các điểm ngập này tồn tại từ lâu. Sau cơn mưa lớn, kéo dài, tại các giao lộ trên những tuyến đường này thường xảy ra ùn tắc giao thông do đường ngập nước vào giờ tan ca buổi chiều.
Ngày 24-8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản về việc theo dõi diễn biến cơn bão số 3 trên biển Đông. Trong đó, đề nghị khi có ngập lụt, lũ lớn xảy ra, các địa phương cần huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, nước cháy xiết hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, tránh tai nạn do nước cuốn. Đồng thời, cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. |
Nguy hiểm hơn, một số đoạn đường bị ngập nằm trên địa hình dốc, nghiêng nên nước chủ yếu dồn về vỉa hè, lề đường và làn xe trong cùng (dành cho xe 2-3 bánh) nên người đi xe máy, xe đạp gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Để tránh việc chết máy xe do nước ngập, người đi xe máy chọn cách chạy lên vỉa hè hoặc “dạt” ra các làn đường hỗn hợp, làn cho xe ô tô. Việc này càng khiến lượng phương tiện ùn ứ nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Hiền (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Mỗi lần nước ngập ở cầu Đồng Khởi vào buổi chiều, nhiều người đi xe máy lại chạy lên vỉa hè, chạy ngược chiều để về nhà. Nếu gặp các xe ô tô lớn chạy thiếu ý thức, đạp ga mạnh là ngay lập tức sẽ tạo thành sóng, xô té các xe 2 bánh này. Sắp tới bước vào năm học mới, nếu học sinh đi xe đạp về nhà mà gặp tình cảnh này sẽ rất nguy hiểm, vì các em xử lý tình huống chưa vững, dễ xảy ra va chạm với xe khác”.
Đáng nói, một số đoạn đường dốc, nghiêng nên khi mưa lớn kèm theo việc hệ thống cống thoát nước quá tải, nước từ các đỉnh dốc ồ ạt chảy tràn về khiến người đi đường dễ bị nước cuốn, té ngã rất nguy hiểm. Cụ thể, vào tối 26-4, tại khu vực ngã ba Phát Triển (P.Tân Biên) khi anh N.N.T. (17 tuổi, ngụ P.Tân Biên) chạy xe máy lưu thông qua đoạn đường ngập sâu đã bị nước cuốn té ngã, va chạm với xe ô tô khiến anh N.N.T. bị thương phải nhập viện cấp cứu.
* Chủ động bố trí lực lượng điều tiết, cứu nạn
Theo Ban An toàn giao thông TP.Biên Hòa, hiện toàn thành phố ghi nhận có 12 điểm ngập nằm rải rác tại nhiều phường, trên cả quốc lộ, đường nội thành và khu dân cư. Trong đó có nhiều điểm đã và đang triển khai chống ngập như: khu vực đường Trần Quốc Toản (P.An Bình) đã hoàn thành hệ thống cống thoát nước vào tháng 4-2022, khu vực cầu Long Bình Tân (quốc lộ 51, P.Long Bình Tân) đã xong tiến độ chống ngập giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2…
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, trong khi chờ các công trình, dự án chống ngập được triển khai, hoàn thành thì người dân cần lưu ý việc đảm bảo an toàn khi di chuyển trên đường dưới trời mưa. Đồng thời, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp cảnh báo, hỗ trợ, điều tiết giao thông với các đoạn ngập trên đường, khu dân cư.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đề nghị, người dân khi gặp nơi ngập nước nên quay lại tìm đường khác để di chuyển hoặc chờ tới khi nước rút. Tuyệt đối không lái xe đến những đoạn đường bị ngập nước sâu vì dòng nước đang chảy mạnh có thể làm trôi xe hoặc trượt vào các khu vực trũng, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu xe bị ngập nước, hãy nhanh chóng tắt máy, bỏ xe lại và tự thoát hiểm, đồng thời báo cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
Thượng tá Trần Văn Bắc, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết thêm, khi nhận tin báo về khu vực ngập trên quốc lộ, các đội, trạm cảnh sát giao thông sẽ cắt cử lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng tại chỗ để điều tiết, phân luồng di chuyển. Người dân cần tuân theo các hiệu lệnh của lực lượng đang điều tiết giao thông để đảm bảo an toàn, hạn chế các tình huống va chạm trong cơn mưa.
Đăng Tùng