Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo quy định xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng: Vẫn còn băn khoăn

07:08, 22/08/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Dự thảo quy định cụ thể về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt VPHC; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Dự thảo quy định cụ thể về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt VPHC; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả…

Việc chụp hình, ghi âm phiên tòa phải xin phép và được sự đồng ý của tất cả những người có liên quan rất khó khả thi, nhất là việc tiếp cận bị cáo để xin phép. Trong ảnh: Một phiên tòa hình sự sơ thẩm của TAND H.Vĩnh Cửu (Ảnh minh họa)
Việc chụp hình, ghi âm phiên tòa phải xin phép và được sự đồng ý của tất cả những người có liên quan rất khó khả thi, nhất là việc tiếp cận bị cáo để xin phép. Trong ảnh: Một phiên tòa hình sự sơ thẩm của TAND H.Vĩnh Cửu (Ảnh minh họa)

Một số quy định trong dự thảo này đang được dư luận quan tâm, nhất là các quy định liên quan tới nhà báo, hoạt động báo chí.

* Nhiều quy định mới

Một trong những quy định mới của dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đang được dư luận quan tâm là tại Điểm e, Khoản 1, Điều 13 quy định, trường hợp nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 13 quy định, nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác không được sự đồng ý của họ thì bị phạt 1-5 triệu đồng. Nhà báo hoặc người khác tham gia phiên tòa đưa tin sai sự thật nhằm cản trở tòa án giải quyết vụ án thì bị phạt 5-10 triệu đồng.

Theo luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh), mặc dù quy định là vậy nhưng khi nghiên cứu kỹ Khoản 1, Điều 4 của dự thảo Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao thì không bị xử phạt VPHC mà sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Còn nhà báo, phóng viên là cộng tác viên, người không phải là viên chức, công chức, cán bộ của cơ quan báo chí hoặc nhà báo, phóng viên là cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ mang tính cá nhân mà vi phạm Điều 13 của dự thảo này thì mới chịu chế tài hành chính.

* Vẫn còn chồng chéo

Tuy vậy, luật sư Nguyễn Đức vẫn cho rằng, những quy định mới nêu trên của dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vẫn còn một số chồng chéo so với các quy định pháp luật hiện hành.

Thứ nhất, nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp theo Luật Báo chí năm 2016 và các quy định pháp luật khác. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Báo chí năm 2016, nhà báo được quyền đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Đồng thời, thực tế tác nghiệp hiện nay, đối với các phóng viên mới vào nghề, chưa được cấp thẻ nhà báo thì được tạo điều kiện tác nghiệp khi có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí chủ quản. Từ quy định trên cho thấy khi tác nghiệp tại tòa án, nhà báo phải xuất trình 2 giấy tờ: thẻ nhà báo và giấy giới thiệu cùng lúc mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự phiên tòa là bất cập.

Vấn đề này theo Luật sư Nguyễn Đức, dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chỉ cần quy định, nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc ghi âm, ghi hình là hoạt động tác nghiệp thường xuyên không thể thiếu đối với nhà báo, phóng viên trong hoạt động báo chí. Đồng thời, hoạt động xét xử của tòa án là công khai (trừ một số vụ việc xét xử kín theo quy định của luật) nên việc ghi âm, ghi hình hoạt động tố tụng tại tòa án là quyền của nhà báo và quyền này đi kèm với nghĩa vụ, trách nhiệm mà luật quy định như: đăng phát phải xin phép, trả nhuận bút, được sự cho phép, đồng ý…

Tuy nhiên, dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định, nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác không được sự đồng ý của họ thì bị phạt 1-5 triệu đồng (Điểm c, Khoản 2, của dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng), nghĩa là hành vi trên của nhà báo bị cấm và nó rất khó thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được tùy vào thái độ xử sự của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, đượng sự, người tham gia tố tụng ở từng phiên tòa.

“Do đó, dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chỉ nên quy định xử lý việc nhà báo ghi âm, ghi hình mà đăng phát không xin phép và sử dụng việc ghi âm, ghi hình vào mục đích cá nhân; xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của người, tổ chức sẽ hợp lý hơn”- luật sư Nguyễn Đức bày tỏ.

Thứ ba, quy định nhà báo đưa tin sai sự thật nhằm cản trở tòa án giải quyết vụ án thì bị phạt 5-10 triệu đồng (theo Điểm e, Khoản 3, Điều 13 dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng) lúc nghe qua thấy có lý nhưng không dễ thực thi. Bởi lẽ, theo nguyên tắc, việc nhà báo đưa tin sai sự thật phải chứng minh bằng bản án có hiệu lực của tòa án (lúc này tòa án bị nhà báo đưa tin sai sự thật là nguyên đơn). Như vậy, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa được giao quyền quá lớn, có quyền quyết định bằng sự chủ quan của mình khi cho rằng nhà báo đưa tin sai sự thật rồi xử phạt mà không cần bản án của tòa án cấp cao hơn.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC góp ý, dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng nên quy định, khi có căn cứ nhà báo đưa tin sai sự thật một cách có chủ ý, thiếu căn cứ, không khách quan nhằm cản trở tòa án giải quyết vụ án thì bị chế tài theo Luật Báo chí năm 2016 và các luật có liên quan là phù hợp.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều