Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn thận với lời mời góp vốn kinh doanh

07:08, 15/08/2022

Việc cá nhân hùn hạp, góp vốn để kinh doanh nhằm tìm cơ hội tăng giá trị tài sản không có gì mới đối với người có tư duy nhạy bén đầu tư, kinh doanh.

Việc cá nhân hùn hạp, góp vốn để kinh doanh nhằm tìm cơ hội tăng giá trị tài sản không có gì mới đối với người có tư duy nhạy bén đầu tư, kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Đức, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM tư vấn cho người dân trên địa bàn Đồng Nai về những rủi ro khi góp vốn mà không có kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Nguyễn Đức, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM tư vấn cho người dân trên địa bàn Đồng Nai về những rủi ro khi góp vốn mà không có kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư. Ảnh: Đoàn Phú

Tuy vậy, vẫn có nhiều người không có kiến thức về kinh doanh, pháp lý vẫn lao vào hùn hạp làm ăn vì những lời có cánh của bạn bè rủ rê. Kết quả tiền sinh lời đâu không thấy mà nhận về toàn đắng cay.

* Hùn hạp bằng “sổ đỏ”

Để hợp tác với Công ty N.L. (ngụ TP.Biên Hòa) kinh doanh, ông T.N.S. (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã đưa 4ha đất (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gọi tắt là sổ đỏ) vào góp vốn. Do đó, 4ha đất này được chuyển quyền sử dụng sang cho Công ty N.L.

Vốn là nông dân chân lấm, tay bùn chẳng hiểu thế nào là kinh doanh, tuy vậy ông S. vẫn hồ hởi đặt bút ký vào hợp đồng góp vốn hợp tác kinh doanh với điều khoản hai bên cùng hợp tác kinh doanh, điều hành, quản lý để cùng chia lợi nhuận. Được một thời gian, số đất ông góp vào kinh doanh chẳng dư ra được đồng nào vì phải bù vào khoản thua lỗ của công ty. Hậu quả, đất của ông S. đang bị ngân hàng rao bán để thu hồi cho khoản vay của Công ty N.L.

Còn ông Đ.T. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) thì lập hợp đồng góp vốn với Công ty V.C. (trụ sở ở P.Long Bình) bằng số tiền 2 tỷ đồng, với điều khoản ràng buộc khá có lợi cho ông như: ông không liên quan, tham gia đến bất kỳ hình thức kinh doanh và hoạt động nào của công ty; không chịu trách nhiệm liên đới về các khoản vay công nợ khác hoặc việc kinh doanh hiệu quả hay không hiệu quả của công ty; công ty cam kết trả phần lợi nhuận 2,5%/tháng theo số tiền vốn góp dù công ty kinh doanh có hiệu quả hay thua lỗ.

Cứ tưởng gặp phải người bạn hợp tác kinh doanh tốt, nào ngờ gần cả năm góp vốn kinh doanh, ông T. chẳng nhận được đồng nào tiền lãi. Cuối cùng, ông T. yêu cầu rút vốn thì được người đại diện Công ty V.C. tuyên bố, có gì đôi bên gặp nhau ở tòa án. Không chấp nhận với giải thích này, ông T. cũng đang khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng góp vốn.

Trong khi đó, ông H.M.L. (ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh) thì “gãi đầu, bứt tóc” ta thán khi đưa căn nhà và 700m2 vào góp vốn kinh doanh với một công ty ở TP.HCM. Khi nhà và đất của ông được chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho công ty thì công ty dùng nó để vay mượn khắp nơi.

Ông L. bày tỏ, bản chất của vấn đề là ông dùng nhà và đất để bảo lãnh khoản vay cho công ty, nhưng do ông nghe lời đường mật của họ lập hợp đồng góp vốn kinh doanh nên mới dẫn tới sự việc như vậy. Hiện ông L. đang liên hệ với luật sư khởi kiện nhưng khả năng khó thắng. Vì hợp đồng đã ký thể hiện rõ ông tự nguyện góp vốn, căn nhà hiện cũng đã chuyển quyền sở hữu cho người khác.

* Không nên góp vốn khi chưa hiểu rõ các quy định

Theo luật sư Nguyễn Đức (Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM), với xu thế thoáng như hiện nay, việc thành lập DN, công ty để có đầy đủ tư cách pháp nhân trong giao dịch, kinh doanh không khó và tùy theo loại hình DN mà cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, thành lập DN. Điều mà DN cần hiện tại khi bắt tay vào hoạt động kinh doanh là vốn. Để có nguồn vốn này, DN được pháp luật cho phép sử dụng các hình thức như: phát hành trái phiếu, góp vốn, vay vốn, huy động vốn…

Luật sư Nguyễn Đức giải thích, góp vốn là việc đưa tài sản của mình vào pháp nhân hoặc vào dự án đầu tư để kinh doanh sinh lợi. Người góp vốn sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung pháp nhân hoặc chủ đầu tư dự án. Tài sản dùng thực hiện vốn góp có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác như: vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ...

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản này mới có quyền sử dụng tài sản để góp vốn theo quy định của pháp luật. Chính vì lẽ đó, việc các ông: T.N.S., Đ.T., H.M.L. đem tài sản của mình góp vốn kinh doanh với các công ty, DN trên là đúng luật. Nhất là việc các bên lập hợp đồng góp vốn đúng theo quy định nên rủi ro các ông phải gánh, chia sẻ.

Còn việc các ông chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhà đất cho công ty là đúng với Khoản 1, Điều 35, Luật DN năm 2020 và công ty dùng tài sản này vào việc kinh doanh là không có gì sai trái. Bởi vì điều luật có quy định, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, tai nạn và bài học góp vốn kinh doanh của các ông và nhiều người dân khác hiện nay đang gặp phải là bị các công ty dẫn dụ việc góp vốn mà bản thân chỉ thấy lợi, chẳng hiểu thế nào là kinh doanh, pháp lý. Khi việc kinh doanh xảy ra thua lỗ, thậm chí vướng vào vi phạm pháp luật thì người góp vốn sẽ chịu thiệt, hậu quả không chỉ dừng lại ở các tranh chấp dân sự.

“Trước hết, người dân cần phải hiểu biết cơ bản về lĩnh vực kinh doanh đầu tư mà mình góp vốn; tìm hiểu về dự án đầu tư đã được cấp phép chưa; nghiên cứu kỹ tính pháp lý hợp đồng góp vốn, nhất là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan; cần đọc và cân nhắn thật kỹ trước khi ký kết hợp đồng góp vốn, tránh ký kết những điều khoản bất lợi như: giao toàn quyền kinh doanh, quản lý vốn cho đối tác. Khi không tự tin để tự mình giao kết thì nhất thiết phải tham khảo ý kiến người có kiến thức chuyên môn hỗ trợ. Nếu hoài nghi về hiệu quả của việc góp vốn nhiều rủi ro và đó là đầu tư kinh doanh mạo hiểm thì dứt khoát từ chối góp vốn, tránh ký hợp đồng với những điều khoản bất lợi” - luật sư Nguyễn Đức khuyến cáo.

Luật sư VÕ THỊ KIỀU DIỄM (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, thực tế có rất nhiều hợp đồng góp vốn mà người tham gia góp vốn ký kết bị lừa dối, đưa đất đai vào góp vốn nhưng thể hiện dưới hình thức chuyển nhượng, bảo lãnh thế chấp bằng một hợp đồng khác. Về lý thuyết thì hợp đồng đó vô hiệu vì bị lừa dối, giả cách nhưng chứng minh không dễ; thiệt thòi, rủi ro sẽ thuộc về người góp vốn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều