Tôi là một người lao động nhập cư, lương công nhân mỗi tháng được khoảng 4 triệu đồng. Để có thể trang trải điều kiện sống tối thiểu nhất, gia đình tôi đã giảm hết các nhu cầu đến mức thấp nhất. Vì thế, mỗi sáng đi làm, tôi chỉ dám ăn ổ bánh mì hoặc gói xôi.
Tôi là một người lao động nhập cư, lương công nhân mỗi tháng được khoảng 4 triệu đồng. Để có thể trang trải điều kiện sống tối thiểu nhất, gia đình tôi đã giảm hết các nhu cầu đến mức thấp nhất. Vì thế, mỗi sáng đi làm, tôi chỉ dám ăn ổ bánh mì hoặc gói xôi.
Thế nhưng, từ hôm xăng tăng giá lên gần 30 ngàn đồng/lít thì các loại hàng hóa đều tăng. Gói xôi hay ổ bánh mì tôi thường ăn cũng tăng từ 15 ngàn lên 20 ngàn đồng. Sau khi giá xăng tăng lên trên 31 ngàn đồng/lít thì hàng hóa cũng tăng vùn vụt. Gói xôi hay ổ bánh mì tôi ăn cũng đã nhân cơ hội này lên giá.
Biện minh cho việc tăng giá dịch vụ, hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống… người bán “đổ” cho việc xăng tăng giá dẫn đến nguyên liệu đầu vào tăng, buộc họ cũng phải bán tăng giá.
Từ ngày 21-7, xăng đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 26 ngàn đồng/lít, người lao động cũng rất mừng vì giờ đây mỗi ngày đi làm, đã tiết kiệm được vài ngàn đồng tiền xăng, đỡ được đồng nào hay đồng đó. Tuy nhiên, có một điều mâu thuẫn ở đây. Đó là, người kinh doanh, buôn bán nhỏ lấy lý do xăng tăng giá để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ, giờ xăng đã giảm sâu nhưng sao giá hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm vẫn chưa chịu giảm? Người lao động vẫn tiếp tục phải mua hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa… với giá cao như thời xăng ở giá cao thì đời sống người lao động, nhất là người nghèo tiếp tục gặp khó khăn.
Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 không được tăng lương, mới đây từ ngày 1-7, lương của người lao động mới được tăng một chút, cũng chỉ khoảng 250-340 ngàn đồng/tháng, nhưng lương chưa tăng thì giá cả thị trường tăng cao. Điều này khiến việc tăng lương thực sự không còn ý nghĩa. Vì thế, tôi rất mong Nhà nước có chính sách bình ổn giá, đặc biệt là giá cả những mặt hàng thiết yếu cơ bản để người lao động, người nghèo - vốn đã rất lao đao trong thời gian dịch bệnh - vơi bớt phần nào lo âu.
Nguyễn Văn Hệ (P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa)