Theo quy định, các trường hợp bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là các vụ việc quy mô lớn, vượt quyền xử phạt của UBND cấp huyện, Thanh tra Sở Xây dựng, có mức phạt đến 300 triệu hoặc 1 tỷ đồng tùy hành vi vi phạm.
Theo quy định, các trường hợp bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là các vụ việc quy mô lớn, vượt quyền xử phạt của UBND cấp huyện, Thanh tra Sở Xây dựng, có mức phạt đến 300 triệu hoặc 1 tỷ đồng tùy hành vi vi phạm.
Lực lượng chức năng cưỡng chế một căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khắc Thiết |
Trong 2 năm 2020 và 2021, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên lĩnh vực xây dựng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh có chiều hướng giảm. Qua đó cho thấy, số vụ vi phạm xây dựng quy mô lớn cũng đã giảm.
* Số vụ vi phạm giảm
Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh, trong giai đoạn 2020-2021, toàn tỉnh đã có 81 quyết định xử phạt VPHC (thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh) ở lĩnh vực xây dựng theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Đáng chú ý, số trường hợp bị xử phạt VPHC và số tiền phạt đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, ở lĩnh vực xây dựng, giảm từ 58 trường hợp (3,42 tỷ đồng) của năm 2020 xuống 23 trường hợp (1,48 tỷ đồng) của năm 2021.
Tuy nhiên, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh vẫn nhìn nhận, bên cạnh kết quả trên, trong quá trình kiểm tra, phát hiện, xử lý VPHC ở lĩnh vực xây dựng vẫn còn tồn tại một số hạn chế từ phía lực lượng chức năng các địa phương. Cụ thể như đội ngũ làm công tác quản lý tại địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn. Thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm ngay từ khi san lấp mặt bằng, thay đổi hiện trạng đất hay khởi công xây dựng dẫn đến tình trạng tiếp tục xây dựng công trình.
Theo Sở Xây dựng, một trong những nguyên nhân chính là việc bố trí lực lượng làm công tác quản lý về xây dựng tại cấp cơ sở còn chưa đảm bảo việc thường xuyên kiểm tra giám sát địa bàn. Mà cụ thể là công chức địa chính một số UBND cấp xã vừa làm công tác quản lý về xây dựng, vừa tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận một cửa.
* Kiên quyết ngăn chặn từ khi mới phát hiện
Để ngăn ngừa, hạn chế các VPHC trong lĩnh vực xây dựng, cơ quan chức năng, UBND các địa phương đã định hướng sẽ tiếp tục tăng cường việc kiểm tra tình hình xây dựng thuộc địa phận quản lý. Qua đó cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm khi vừa phát hiện, không để phát sinh vi phạm lớn. Đặc biệt là sớm công bố, công khai quy hoạch xây dựng để người dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch; triển khai cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa theo đúng quy hoạch đã duyệt…
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật xử lý VPHC về xây dựng. Qua đó tham mưu UBND tỉnh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền theo hướng hoàn thiện pháp luật về thủ tục, hành vi vi phạm, trình tự xử lý các hành vi VPHC. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý VPHC cho đội ngũ tham mưu quản lý nhà nước về xử lý VPHC và những người có thẩm quyền xử phạt VPHC trên địa bàn tỉnh.
Về phía người dân, nhiều người đã chỉ ra, việc cần thiết trong ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm xây dựng ở quy mô lớn là chặn đứng từ lúc ban đầu, khi cá nhân, tổ chức vừa bắt đầu chuẩn bị mặt bằng. Trong đó, phải thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận phản ánh (phản ảnh miệng, đơn thư) từ người dân về các trường hợp xây dựng trái phép và xác minh, xử lý ngay.
Ông N.T.H. (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đề nghị: “Việc ngăn ngừa, xử lý vi phạm xây dựng phải được UBND cấp xã thực hiện nghiêm, vì đây là cơ quan nắm chắc địa bàn, nắm chắc tình hình biến động dân cư. Chỉ cần ở cấp này làm tốt, làm nghiêm thì việc đơn thư, khiếu nại vượt cấp cũng sẽ hạn chế xảy ra. Thực tế người dân chẳng ai muốn phải gửi đơn, nộp đơn ở xa cả, nếu như “tiếng nói” thật sự được lắng nghe, hồi đáp”.
Trong giai đoạn 2020-2021, Sở Xây dựng đã ban hành 50 quyết định xử phạt VPHC lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, năm 2020 xử phạt 40 trường hợp (tiền phạt 2,245 tỷ đồng), năm 2021 xử phạt 10 trường hợp (tiền phạt 730 triệu đồng). Trong đó có 2 trường hợp (đều là doanh nghiệp) chưa thực hiện khắc phục hậu quả; 1 đơn vị do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ bị kéo dài, đồng thời dự án đang được thanh tra nên tạm ngưng; 1 đơn vị do đang trong thời hạn thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng. |
Đăng Tùng