Đã từng liên hệ giải quyết công việc tại một số cơ quan Nhà nước, không ít lần tôi nhận ra tại những nơi này có một khoảng cách vô hình giữa cấp trên và cấp dưới. Những người có vị trí làm việc thấp hơn, không dám có ý kiến khác hoặc dè dặt khi muốn đề đạt ý tưởng cải tiến trong công việc với cấp trên chỉ đơn giản vì ngại bị coi là "thích thể hiện", "có ý định vượt mặt" hoặc "cầm đèn chạy trước ô tô".
Đã từng liên hệ giải quyết công việc tại một số cơ quan Nhà nước, không ít lần tôi nhận ra tại những nơi này có một khoảng cách vô hình giữa cấp trên và cấp dưới. Những người có vị trí làm việc thấp hơn, không dám có ý kiến khác hoặc dè dặt khi muốn đề đạt ý tưởng cải tiến trong công việc với cấp trên chỉ đơn giản vì ngại bị coi là “thích thể hiện”, “có ý định vượt mặt” hoặc “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Tôi rất nhiều lần bắt gặp điều này khi đến liên hệ yêu cầu giải quyết công việc. Có những công việc rất đơn giản liên quan đến quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, khi tôi có ý kiến đề xuất các giải pháp thay đổi để công việc được giải quyết nhanh hơn, một số người tỏ ra rất đồng tình, đánh giá cao ý tưởng của tôi. Thế nhưng, bản thân họ không dám tiếp thu, đề xuất với lãnh đạo để áp dụng mà đề nghị tôi nên điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo của họ hoặc góp ý bằng văn bản để họ có cơ sở trình bày với lãnh đạo.
Điều này cho thấy khoảng cách giữa họ là có, không biết nó lớn đến mức nào nhưng đủ để tạo nên một “rào chắn” để những người dưới quyền không dám khẳng định chính kiến trước việc mà bản thân họ cho là đúng, họ không dám quả quyết và mạnh dạn đề xuất dù biết rằng nếu ý tưởng đó được thực thi sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính và họ luôn đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên.
Những trở ngại từ tâm lý, sự e dè phải chăng xuất phát từ văn hóa kính trên nhường dưới, phải luôn tôn trọng, nghe lời người lớn mà chúng ta đã được dạy từ nhỏ. Tuy nhiên, trên phương diện công việc, việc chấp hành nhất nhất làm theo cấp trên mà không dám có ý kiến phản biện, không dám bày tỏ quan điểm sẽ không tốt cho công việc chung. Bởi công việc luôn đòi hỏi sự phân minh và không phải lúc nào cấp trên cũng có “ba đầu sáu tay” để bao quát hết mọi thứ nên khó tránh khỏi việc đưa ra những quyết định chưa phù hợp.
Thực tế cũng có nhiều lãnh đạo cấp trên rất cởi mở và không muốn áp đặt quyền lực, nhưng cấp dưới tự mình e ngại trước. Sự nhún nhường, sợ làm mất lòng cấp trên, không dám đề xuất ý kiến xây dựng, không dám nêu ý tưởng sáng tạo chính là sự lãng phí, không phát huy được sức mạnh tập thể. Điều này còn làm tăng khoảng cách giữa các bên và cũng là lý do dẫn đến cách làm việc máy móc, không tạo được sự bứt phá trong đổi mới, sáng tạo cải cách hành chính, cản trở sự phát triển. “Khoảng cách quyền lực” giữa cấp trên và cấp dưới sẽ rất khó thu hẹp nếu từng cá nhân, toàn bộ hệ thống không nhận ra, cùng nhau ý thức và thực hiện.
Nhật Huy (TP.Biên Hòa)