Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi nhờ người khác thực hiện giao dịch dân sự

08:04, 03/04/2022

Vì nhiều lý do, cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình giải quyết công việc, giao dịch dân sự. Tuy nhiên, có một số trường hợp giao dịch dân sự không được ủy quyền như: đăng ký kết hôn, ly hôn; yêu cầu công chứng di chúc…

Vì nhiều lý do, cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình giải quyết công việc, giao dịch dân sự. Tuy nhiên, có một số trường hợp giao dịch dân sự không được ủy quyền như: đăng ký kết hôn, ly hôn; yêu cầu công chứng di chúc…

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về việc ủy quyền trong giao dịch đất đai. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về việc ủy quyền trong giao dịch đất đai. Ảnh: Đoàn Phú

* Cần hiểu đúng việc ủy quyền

Ông Phạm Văn Tư (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) trình bày, ông có tài sản là căn nhà tọa lạc trên diện tích 8 sào đất. Vừa rồi ông có lập di chúc để lại tài sản này cho người con trai cả nhưng do ông đi lại khó khăn nên ủy quyền cho người con trai cả ra tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn H.Trảng Bom công chứng di chúc. Tuy nhiên, khi người con cả yêu cầu công chứng di chúc thì công chứng viên từ chối với lý do, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Trong khi đó, chị Vũ Thị Hồng (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) trình bày, chị vừa sinh con tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh và đã được bệnh viên cấp giấy chứng sinh. Do giấy chứng sinh trên bị mất (chỉ có bản photo) nên chị ủy quyền cho người thân đến bệnh viên xin cấp lại giấy chứng sinh. Tuy nhiên, khi người thân liên hệ với bệnh viện thì được hướng dẫn chị phải trực tiếp lên bệnh viện làm chứ không được ủy quyền.

Trao đổi về các tình huống pháp lý của 2 trường hợp nói trên, luật sư Võ Thị Kiều Diễm (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, trước tiên mọi người cần nắm được, ủy quyền là việc giao cho người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Quan hệ ủy quyền thường là quan hệ giữa cá nhân với nhau mang tính chất tương trợ, giúp đỡ. Ủy quyền hợp pháp thì nội dung, hình thức của ủy quyền không trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội. Đồng thời, pháp luật cũng quy định có một số giao dịch, công việc không thể ủy quyền cho các chủ thể khác làm thay mình, đa phần các việc không thể ủy quyền như: về quyền nhân thân (kết hôn, ly hôn, nhận cha, mẹ, con, di chúc, nhận tội thay mình) và một số quyền khác được quy định cụ thể trong từng điều luật là không được ủy quyền.

Luật sư Võ Thị Kiều Diễm lưu ý, với trường hợp ông Tư, việc công chứng viên từ chối công chứng di chúc cho ông là hoàn toàn đúng. Bởi vì theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng năm 2014, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc. Dù biết rằng tài sản đó trước sau gì, ông cũng cho con trai cả và việc này được thể hiện qua việc ông lập di chúc cho con trai cả, tuy vậy, khi yêu cầu công chứng di chúc vẫn buộc ông phải có mặt trực tiếp.

Với trường hợp của chị Hồng, việc chị ủy quyền cho người thân đến bệnh viện nơi chị sinh con để hoàn thành thủ tục cấp lại giấy chứng sinh là đúng quy định pháp luật dân sự và không vi phạm điều cấm của luật. Cho nên, việc cán bộ không chấp nhận giấy ủy quyền và buộc chị phải trực tiếp đi làm là không đúng, hiểu sai vấn đề.

* Những trường hợp không được ủy quyền

Theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh), pháp luật dân sự, hình sự, hành chính và các luật có liên quan hiện quy định rất cụ thể từng trường hợp không được ủy quyền, chẳng hạn như: trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình thì khi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ bắt buộc phải có mặt, nghĩa là không được ủy quyền cho người khác thay mình đi đăng ký kết hôn.

Còn đối với yêu cầu xin ly hôn, đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng trong việc ly hôn.

Riêng đối với việc đăng ký nhận cha, mẹ, con thì tại Khoản 1, Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định, khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt, nghĩa là không được ủy quyền cho người khác thay mình giải quyết việc này. Còn tại Điểm a, Khoản 1, Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không cho phép việc ủy quyền nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, trong quá trình tư vấn pháp luật cho người dân, không ít lần ông được người dân đặt vấn đề, vì sao pháp luật nghiêm cấm hành vi nhận tội thay. Bản chất nhờ người khác nhận tội thay mình cũng là hình thức ủy quyền. Lý do người dân thắc mắc như vậy là vì họ không hiểu và nắm rõ tinh thần của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi vì, theo tinh thần của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc quy định các chế tài xử lý là nhằm mục đích răn đe, giáo dục người có hành vi phạm tội. Do vậy, nếu như cho phép ủy quyền người khác nhận tội thay mình thì không thể hiện đúng bản chất, mục đích của việc ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, ngoài những trường hợp nêu trên, pháp luật còn quy định thêm rất nhiều trường hợp cụ thể khác thuộc rất nhiều lĩnh vực như: thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra không được ủy quyền cho điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không được ủy quyền (Khoản 4, Điều 59 Luật Đất đai năm 2013). Trong tố tụng hành chính, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba (Khoản 5, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015)…

Luật sư VÕ THỊ KIỀU DIỄM (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, ủy quyền có thể dưới nhiều hình thức (có thể ủy quyền bằng lời nói hoặc ủy quyền bằng văn bản), nhưng hình thức dễ được thừa nhận và phổ biến nhất là ủy quyền bằng văn bản. Văn bản ủy quyền lại có thể chia thành 2 loại (phải được công chứng, chứng thực) như: giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều