Đến nay, mọi hoạt động vận tải khách công cộng đã trở lại bình thường, tuy nhiên nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi các tỉnh, thành vẫn chưa hoạt động. Đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nhu cầu đi lại bằng xe buýt lớn nhưng các tuyến này chưa hoạt động nên người dân mong chờ từng ngày.
Đến nay, mọi hoạt động vận tải khách công cộng đã trở lại bình thường, tuy nhiên nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi các tỉnh, thành vẫn chưa hoạt động. Đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nhu cầu đi lại bằng xe buýt lớn nhưng các tuyến này chưa hoạt động nên người dân mong chờ từng ngày.
Tuyến xe buýt 601 hiện đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh: Thanh Hải |
* Gặp khó vì giá nhiên liệu tăng cao
Ông Trần Văn H., chủ xe tuyến 604 (bến xe Hố Nai - bến xe Miền Đông, TP.HCM) cho biết, đến nay gần 10 tháng (từ tháng 6-2021) xe của ông “đắp chiếu” không hoạt động. Trước đây, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động vận tải khách thì xe buýt đã ít khách đi lại. Hầu như xe xuất bến chuyến nào đều cầm chắc lỗ. Có chuyến được 2 người, chuyến được 3 người. Sau một vài chuyến chạy không khả quan thì ông xin không chạy nữa.
Từ tháng 10-2021 đến nay, dù vận tải khách công cộng đã được trở lại hoạt động bình thường nhưng ông và các thành viên trong HTX đều không “mặn mà” chạy xe lại. Ngoài nguyên nhân người dân còn e ngại với dịch bệnh thì chủ yếu do giá dầu tăng cao khiến chủ xe nào cũng ái ngại. Ngoài tiền dầu, tiền công tài xế, nhân viên phục vụ thì chủ xe còn “gánh” chi phí cầu đường, sân bãi, ăn uống, rửa xe…
“Trong khi giá cước không tăng, khách đi lại chưa cao. Tính ra mỗi ngày phải chi hơn 5 triệu đồng, lỗ quá nhiều. Sắp tới nếu không còn chạy xe buýt thì tôi xin chuyển sang vận chuyển công nhân vì lượng khách cố định, có hợp đồng rõ ràng với các công ty” - ông H. bộc bạch.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Xuân, chủ xe buýt tuyến 603 (trạm xe Nhơn Trạch - bến xe Miền Đông) chia sẻ, ban đầu tuyến này có khoảng 15 phương tiện đăng ký, sau đó số xe giảm dần chỉ còn chưa đến 10 phương tiện đăng ký. Với lượng hành khách không tăng, bình quân cũng tầm từ 6-8 hành khách/chuyến xe mà quãng đường xa nên các chủ xe không “mặn mà” hoạt động.
Theo ông Xuân, nếu không có chính sách hỗ trợ từ phía công ty chủ quản và các đơn vị liên quan hỗ trợ như: tăng giá cước, giảm phí điều lệnh, sân bãi… thì các chủ xe rất khó để chạy thường xuyên. Bởi hiện nay, nhiên liệu tăng cao theo từng đợt điều chỉnh giá, chi phí cho mỗi chuyến xe hoạt động vì thế còn nhiều hơn cả lợi nhuận thu về.
Việc xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM, Bình Dương không hoạt động trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề lưu thông của người dân. Nhất là hiện nay, khi giá xăng dầu tăng cao, người dân có xu hướng chuyển từ xe cá nhân sang xe buýt để tiết kiệm chi phí.
Bà Huỳnh Ngọc Trâm (ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) cho biết, địa bàn H.Nhơn Trạch chỉ có 1 tuyến xe buýt số 603 đi TP.HCM. Từ khi tuyến này dừng chạy buộc bà phải chuyển sang đi xe khách bên ngoài. Trước đây, đi xe buýt lên TP.HCM khám bệnh chỉ tốn 25 ngàn đồng thì nay tốn gần 100 ngàn đồng. Xe buýt không hoạt động, xe khách thì giá cao mà người dân không có lựa chọn nào khác.
“Đi xe buýt dù phải chờ đợi nhưng với giá xăng cao như bây giờ vẫn được lợi hơn rất nhiều. Mong muốn của người dân là các tuyến xe buýt liên tỉnh sớm hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của hành khách” - bà Trâm nói.
* Mong có cơ chế hỗ trợ
Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh (Sở GT-VT) cho biết, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, việc đi lại của người dân đã trở lại bình thường. Ngoài 12 tuyến xe buýt đang hoạt động bao gồm cả nội tỉnh và một số tuyến liên tỉnh thì vẫn còn các tuyến chưa hoạt động trở lại gồm các tuyến: số 18 (ngã ba Trị An - Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương), 601 (bến xe Biên Hòa - bến xe Miền Tây), 602 (Phú Túc - Đại học Nông Lâm TP.HCM), 603 (trạm xe Nhơn Trạch - bến xe Miền Đông), 604 (bến xe Hố Nai - bến xe Miền Đông) và số 61-05 (bến xe Biên Hòa - bến xe An Sương).
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) cho biết, khó khăn trên không chỉ xảy ra khi giá nhiên liệu tăng cao trong năm 2022 mà đã kéo dài gần 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu tình trạng này kéo dài thì việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động vận tải xe buýt là rất khó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, HTX, chủ xe mong muốn có cơ chế hỗ trợ giúp giảm bớt áp lực về tài chính để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đỗ Thị Hải Phương cho biết, trung tâm đang làm việc, hướng dẫn các đơn vị này để xây dựng phương án hoạt động trở lại phục vụ hành khách trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì bên cạnh đẩy mạnh các tuyến xe buýt hoạt động trở lại thì công tác phòng, chống dịch cũng được chú trọng.
Theo đó, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chấp hành quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Các phương tiện trang bị dung dịch sát khuẩn trong xe, thường xuyên vệ sinh mỗi chuyến xe; các doanh nghiệp vận tải theo dõi, kiểm tra đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ khi có các triệu chứng nghi nhiễm phải tạm ngừng công việc để thực hiện xét nghiệm và cách ly kịp thời.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, nguyên nhân khiến một số tuyến xe buýt liên tỉnh chưa hoạt động trở lại, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao, lượng khách dự báo đi lại sẽ còn thấp, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. |
Thanh Hải