Theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19, các tuyến vận tải hành khách có hành trình đi qua các địa bàn nguy cơ cao thì không được dừng, đậu đón trả khách nên đến nay Đồng Nai chỉ còn duy trì 4 tuyến xe buýt hoạt động.
Theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19, các tuyến vận tải hành khách có hành trình đi qua các địa bàn nguy cơ cao thì không được dừng, đậu đón trả khách nên đến nay Đồng Nai chỉ còn duy trì 4 tuyến xe buýt hoạt động.
Tuyến xe buýt số 11 tạm thời ngừng hoạt động nằm xếp hàng dài tại bến xe ngã tư Vũng Tàu trong nhiều tháng qua. Ảnh: Thanh Hải |
Nhiều tuyến xe tạm dừng hoạt động, cuộc sống của nhân viên, lái xe các tuyến xe buýt gặp nhiều khó khăn.
* Hàng loạt tuyến xe buýt tạm ngừng chạy
Sau thời gian ngưng hoạt động liên tỉnh, theo thông báo của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh (Sở GT-VT), từ ngày 18-11, tuyến xe buýt số 5 (bến xe Biên Hòa - bến xe Chợ Lớn) sẽ hoạt động trở lại. Hoạt động chưa lâu thì đến ngày 11-12 tuyến xe buýt này phải tiếp tục ngừng hoạt động. Không chỉ tuyến xe buýt số 5 mà hàng loạt tuyến xe khác cũng đã dừng hoạt động trong suốt thời gian qua. Đến ngày 28-12, Đồng Nai chỉ còn 4 tuyến hoạt động gồm: tuyến số 3 (bến xe Biên Hòa - trạm xe Hố Nai), tuyến số 7 (bến xe Biên Hòa - bến xe Vĩnh Cửu), tuyến số 8 (trạm xe ngã tư Vũng Tàu - bến xe Vĩnh Cửu) và tuyến số 16 (bến xe Biên Hòa - Phương Lâm).
Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà (TP.Biên Hòa) cho biết, kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau 3 tháng tạm dừng do thực hiện giãn cách xã hội đến nay, tuyến số 2 thường hoạt động trong tình trạng vắng khách. Trên xe cũng chỉ có 1-2 khách, có chuyến chỉ có nhân viên và tài xế. Ít khách đi buộc phải giảm tần suất chuyến hoạt động trên đường nhưng cũng không khả quan, nguyên nhân do tâm lý người dân còn e ngại khi đi xe.
Theo ông Minh, đầu tháng 12-2021, tuyến xe buýt số 2 có điểm cuối tuyến là TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) thuộc mức độ dịch cấp 3 nên phải tạm ngưng từ ngày 4-12 và chỉ mới hoạt động trở lại với công suất 50%. Việc hoạt động bị gián đoạn cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân vốn đã ngại đi xe buýt càng thêm thưa vắng khi dịch bệnh còn phức tạp.
Ngoài vấn đề về tạm dừng hoạt động do các tuyến xe buýt có điểm đầu, điểm cuối nằm trong khu vực thuộc cấp độ dịch nguy cơ cao thì một số tuyến buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài do hiệu quả kém, thu không đủ chi. Thậm chí, như tuyến số 19 (bến xe Trị An, H.Vĩnh Cửu đến trạm xe ngã ba Trị An, H.Trảng Bom và ngược lại có cự ly 22km) đã phải xin ngưng khai thác từ cuối tháng 11-2021.
Công ty TNHH Trí Minh Phát (đơn vị quản lý tuyến xe buýt số 1 từ Trường đại học Công nghệ Đồng Nai đi bến xe ngã tư Vũng Tàu) cho biết, chỉ 1 tuần sau khi hoạt động trở lại, đơn vị buộc phải xin ngưng hoạt động tuyến xe buýt này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách đi lại rất thấp. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ không đảm bảo hiệu quả sử dụng tiền trợ giá từ ngân sách nhà nước và tạo gánh nặng chi phí cho đơn vị vận tải.
Anh Mai Văn Hưng (tài xế chạy tuyến số 1) cho biết, những tháng qua anh ở nhà, không có thu nhập nên cuộc sống khó khăn. Đến khi Đồng Nai cho xe buýt khu vực nội tỉnh chạy lại, cánh tài xế như anh rất phấn khởi vì có công việc để làm. Tuy nhiên, chưa kịp chạy ổn định thì đã dừng sau đó không lâu. “Lương hằng tháng khi chưa có dịch có thể đủ để lo cho gia đình, nhưng gần 6 tháng xe phải nằm bãi, thu nhập của lái xe, nhân viên phục vụ gần như không đủ sống. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chúng tôi không biết chờ đợi đến khi nào mới có thể đi làm trở lại” - anh Hưng bộc bạch.
* Cầm cự hoạt động
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 20 tuyến xe buýt. Trong đó, 5 tuyến xe buýt trợ giá và 15 tuyến xe buýt không trợ giá. Đối với các doanh nghiệp, chủ xe buýt không được trợ giá, hoạt động trong thời điểm này vô cùng khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn là giá xăng dầu luôn ở mức cao, các chi phí phát sinh nhiều trong khi nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân còn hạn chế.
Ông Lê Đức Dục, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, thực tế tuyến xe buýt số 16 (bến xe Biên Hòa - Phương Lâm) phải cầm cự hoạt động trong suốt thời gian qua. Trước đây, mỗi ngày tuyến số 16 hoạt động với công suất 84 chuyến/ngày thì nay chỉ còn 40 chuyến/ngày. Cự ly cho mỗi chuyến là 90km nên chi phí nhiên liệu cho mỗi xe không ít, trong khi đây là tuyến không được trợ giá nên gặp rất nhiều khó khăn. “Để duy trì hoạt động tuyến là sự cố gắng rất lớn của các xã viên trong HTX. Nhiều chuyến xe không có khách nên chủ xe chỉ còn trông chờ vào việc vận chuyển hàng, bưu phẩm, giấy tờ… cho khách, nhưng cũng không được thường xuyên. Giải pháp lúc này là Nhà nước cần có chính sách phù hợp để các chủ xe tiếp tục duy trì hoạt động” - ông Dục nói.
Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh Đỗ Thị Hải Phương cho biết, dù nhiều tuyến xe buýt gặp khó khăn nhưng đến nay đơn vị chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ phía các doanh nghiệp, chủ xe. Khi doanh nghiệp không kiến nghị thì Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh không thể giải quyết.
Theo bà Phương, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp nên đơn vị chưa thể xây dựng phương án hoạt động của các tuyến xe buýt, việc hoạt động hay không phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị vận tải.
Bà NGUYỄN THỊ VÂN (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi thường xuyên di chuyển bằng xe buýt để đi làm nhưng hiện có những tuyến xe buýt hôm nay chạy, hôm sau lại dừng khiến người dân gặp khó khăn. Có hôm, tôi phải chờ 2-3 tiếng cũng không biết tuyến xe đó có chạy nữa hay không. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần thông tin rõ ràng, kịp thời để người dân nắm bắt”. |
Thanh Hải