Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh, nhiều người có con chưa đủ tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã đổ xô đi "săn" vaccine phế cầu với hy vọng những loại vaccine này sẽ giúp phòng tránh lây nhiễm Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh, nhiều người có con chưa đủ tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã đổ xô đi “săn” vaccine phế cầu với hy vọng những loại vaccine này sẽ giúp phòng tránh lây nhiễm Covid-19.
Nhiều người dân đổ xô đến Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) để tiêm chủng vaccine, trong đó có vaccine phế cầu. Ảnh: P.Liễu |
Những ngày gần đây, tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại TP.Biên Hòa như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai, P.Tân Phong), Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai (P.Tam Hiệp), Bệnh viện Đồng Nai 2 (P.Tam Hòa), Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai (P.Tân Mai), Phòng Tiêm chủng Potec (P.Tân Tiến)... có rất đông người đến tiêm vaccine. Trong đó, có không ít người đã nhiều ngày chạy đôn chạy đáo từ nơi này sang nơi khác để “săn” vaccine phế cầu, nhưng vẫn chưa có hàng để tiêm.
* “Cháy hàng” vaccine phế cầu
Theo các cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở TP.Biên Hòa, tình trạng “cháy hàng” vaccine phế cầu, vaccine cúm là do nhiều người có con chưa tới tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc ngay cả người dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, nhưng do lo ngại bị nhiễm SARS-CoV-2 nên đã “săn lùng” 2 loại vaccine này, với hy vọng tránh được biến chứng nặng khi nhiễm Covid-19. Hiện giá 2 loại vaccine nêu trên không hề rẻ. Vaccine phế cầu có giá hơn 1,2 triệu đồng/mũi, còn vaccine cúm là 365 ngàn đồng/mũi, nhưng vaccine cúm cũng chỉ còn hàng của Việt Nam, vaccine của Pháp và Hà Lan đang rất khan hiếm.
Sau nhiều ngày không “săn” được vaccine phế cầu ở các điểm dịch vụ tiêm chủng tại TP.HCM, đầu tháng 12-2021, anh Trần Đăng (ngụ P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) nhờ một người thân “săn” giúp vaccine ở điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Khi biết CDC Đồng Nai đang có vaccine này, anh Đăng tức tốc đưa con xuống TP.Biên Hòa tiêm. Nhưng khi xuống đến nơi, chỉ sau hơn 1 giờ, CDC Đồng Nai đã thông báo hết vaccine phế cầu.
Theo thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM, phế cầu là một vi khuẩn thường trú trong vùng hầu họng của con người. Nó có rất nhiều tuýp khác nhau và có khả năng gây viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết... Đặc biệt, nó có tính kháng thuốc (kháng kháng sinh) rất cao. Phế cầu khuẩn có trong hơi thở, lây lan qua ho, hắt hơi và các dịch tiết đường hô hấp khác. Vi khuẩn phế cầu cũng có thể sống bám trên các bề mặt vật dụng một thời gian ngắn. Vì thế, để phòng lây nhiễm Covid-19 cũng như phế cầu khuẩn, mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa 5K. |
Anh Đăng cho biết, vợ chồng anh đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, nhưng vẫn rất hoang mang khi các ca nhiễm ở TP.HCM đang tăng cao trở lại. 2 con của anh 6 và 9 tuổi chưa tới tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên anh rất lo lắng khi sắp tới đây, các con trở lại trường khi dịch ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Anh nghe nói tiêm vaccine cúm và vaccine phế cầu cũng có khả năng làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nên quyết tâm “săn” 2 loại vaccine này tiêm cho con, nhưng tìm khắp TP.HCM mới tiêm được vaccine cúm, còn vaccine phế cầu vẫn chưa “săn” được.
Đầu tháng 12-2021, chị Mai Thị Hương Thảo (ngụ P.Trung Dũng) gọi điện đến Viện Pasteur (TP.HCM) và một số điểm tiêm dịch vụ ở TP.HCM để hỏi tiêm vaccine phế cầu, nhưng đều được trả lời đã hết hàng. Chật vật nhiều ngày mà chưa “săn” được vaccine phế cầu, chị phải chịu giá cao để đặt giữ vaccine phế cầu tại một điểm tiêm chủng dịch vụ ở TP.Biên Hòa cho cả 5 người trong gia đình.
“Hiện biến chủng Delta chưa dứt đã xuất hiện biến chủng Omicron khiến tôi rất lo lắng cho các con và người thân của mình. Tiêm cho chắc ăn, chẳng may nhiễm Covid-19, nó cũng đỡ được phần nào những biến chứng nặng” - chị Thảo chia sẻ.
Nhân viên của một điểm tiêm chủng dịch vụ ở TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay lượng người đến hỏi tiêm vaccine phế cầu rất đông. Tuy nhiên, vaccine này đang khá khan hiếm. Khả năng cuối tháng 2-2022, đầu tháng 3-2022 mới có. Nếu đăng ký tiêm trong thời gian từ 15-60 ngày thì giá không đổi. Tuy nhiên, đặt giữ vaccine tiêm trong khoảng từ 3-15 ngày sẽ phải trả thêm 300 ngàn đồng/mũi. Ngày tiêm sẽ do trung tâm ấn định, khi có vaccine, trung tâm sẽ thông báo trước cho người đăng ký. Hiện nay đã có cả ngàn người đặt lịch tiêm vaccine phế cầu. Còn vaccine cúm thì sau 1 tháng khan hiếm nay đã về nhiều.
Nhiều năm phụ trách đơn vị tiêm chủng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, BS Nguyễn Như Thái cho biết, hiện trung bình mỗi ngày có trên dưới 100 người đến tiêm, trong đó phần lớn tiêm vaccine cúm và phế cầu. Tuy nhiên, hiện vaccine phế cầu đã hết hàng hơn chục ngày nay và chưa biết bao giờ sẽ có lại.
* Hiểu đúng về vaccine phế cầu
Giám đốc CDC Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm một số loại vaccine, trong đó có vaccine cúm và phế cầu là do trong thời gian hơn 3 tháng giãn cách xã hội, nhiều người dân có nhu cầu tiêm một số loại vaccine nhưng không đi tiêm được. Hơn nữa, cũng có một số người dân muốn tiêm vaccine phế cầu và vaccine cúm để giúp nâng cao đề kháng, giảm được tình trạng bội nhiễm khi chẳng may nhiễm Covid-19.
“Bình thường, người dân nếu tiêm 2 loại vaccine này hay những vaccine phòng các bệnh lý khác đều rất tốt, giúp hỗ trợ phòng bệnh. Nhưng khi sống chung với dịch bệnh Covid-19, quan trọng là phải tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống Covid-19, vì không có vaccine nào có thể thay thế được vaccine phòng Covid-19” - BS Bạch Thái Bình chia sẻ.
Trước tình trạng nhiều người “săn lùng” vaccine phế cầu với suy nghĩ sẽ tránh được lây nhiễm Covid-19, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) khẳng định, vaccine cúm và vaccine phế cầu không thể thay thế cho vaccine ngừa Covid-19 mà chỉ có thể giúp ngăn ngừa bội nhiễm khi đang mắc Covid-19.
BS Khanh giải thích, vaccine cúm và vaccine phế cầu là những vaccine đã được sử dụng cho người lớn, trẻ em, người có bệnh nền từ lâu nay. Tuy không có tác dụng thay thế vaccine ngừa Covid-19, nhưng nếu tiêm ngừa loại vaccine này, đặc biệt là người lớn tuổi, người có bệnh nền - không may mắc Covid-19 sẽ giúp giảm được tình trạng nhiễm thêm bệnh phế cầu và cúm. Bởi, khi một người mắc Covid-19, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng miễn dịch kém, lúc này bệnh nhân có thể bị viêm phổi và virus cúm tấn công mạnh mẽ. Cho nên, nếu đã tiêm 2 loại vaccine này, cơ thể sẽ có thêm sức đề kháng để làm giảm sự phát tán của virus viêm phổi và virus cúm, giúp người bệnh giảm được tình trạng bệnh Covid-19 chuyển nặng.
Phương Liễu