Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 có nhiều điểm mới quan trọng, góp phần đảm bảo tính thống nhất, khoa học, khắc phục khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy hiện nay.
Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 có nhiều điểm mới quan trọng, góp phần đảm bảo tính thống nhất, khoa học, khắc phục khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy hiện nay.
Học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động trị liệu trong thời gian cai nghiện. Ảnh: T.Tâm |
Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Đặng Xuân Hòa cho hay, Luật PCMT năm 2021 ra đời nhằm phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012 và thông lệ quốc tế về quản lý người nghiện và sử dụng ma túy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
* Cai nghiện bắt buộc đối với người từ 12-18 tuổi
Một điểm mới đáng chú ý của Luật PCMT năm 2021 là quy định đối với người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 6-12 tháng và được bố trí ở một khu vực riêng, được đảm bảo đầy đủ quyền lợi như: học tập, vui chơi...
“Việc đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với nhóm tuổi này không phải là biện pháp xử lý hành chính nên không ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp. Nếu tái nghiện, người trong nhóm tuổi này sẽ được đăng ký cai nghiện tự nguyện (còn người nghiện trên 18 tuổi sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc nếu tái nghiện)” - ông Đặng Xuân Hòa cho biết.
Luật PCMT được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11 ngày 30-3-2021 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 với 8 chương, 55 điều quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong PCMT. |
Bên cạnh đó, Luật PCMT năm 2021 còn có nhiều điểm mới nổi bật khác như: tất cả những người sử dụng ma túy đều được quản lý tại xã, phường, thị trấn (hiện nay chỉ quản lý người nghiện ma túy, còn người sử dụng ma túy chưa được đưa vào diện quản lý); bỏ cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng mà chỉ thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trong trường hợp người nghiện ma túy được vận động đi cai nghiện tự nguyện mà không thực hiện sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở.
Ngoài ra, Luật PCMT năm 2021 cũng quy định, việc cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở cai nghiện tư nhân sẽ giao cho Sở LĐ-TBXH (hiện nay do Bộ LĐ-TBXH cấp). Ngoài ra, luật cũng quy định các cá nhân, tổ chức (bác sĩ, phòng khám…) nếu đủ điều kiện tổ chức cai nghiện sẽ được UBND huyện công bố được phép tổ chức cắt cơn, cai nghiện ma túy cho người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Luật PCMT năm 2021 cũng quy định những người nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc hoàn thành liệu trình uống methadone thay thế sẽ được đưa về quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng từ 12-24 tháng (hiện một số tỉnh có trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy). Quyết định quản lý sau cai do UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định (hiện nay do UBND huyện ra quyết định). Tuy nhiên, cơ quan chủ trì tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là do chủ tịch UBND huyện tổ chức (hiện nay là do UBND xã, phường, thị trấn tổ chức).
* Sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện
Theo Sở LĐ-TBXH, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Tính đến nay, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh khoảng 4,5 ngàn người (tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh có gần 770 người). Luật PCMT năm 2021 sẽ có những thay đổi quan trọng trong việc tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Do đó, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương triển khai tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.
Theo ông Đặng Xuân Hòa, hiện nay công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện tại Đồng Nai luôn đi trước, đón đầu và đang thực hiện theo đúng hướng của Luật PCMT năm 2021. Cụ thể, việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đang do UBND cấp huyện quản lý. Hiện trong toàn tỉnh đã thành lập được 6 cơ sở cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng (TP.Biên Hòa và các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch) và trong năm 2022 sẽ hoàn thành các cơ sở ở những địa phương còn lại. Ngoài ra, Đồng Nai cũng là tỉnh duy nhất thành lập được các điểm tư vấn bao phủ, nhân rộng trên 170 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) cho biết, để đảm bảo thực hiện đúng Luật PCMT năm 2021, đơn vị đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, nhân viên tại cơ sở. Liên quan đến việc mở rộng và hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là có khu vực cai nghiện riêng dành cho người từ 12-18 tuổi và người có giới tính thứ ba, đơn vị sẽ đề xuất các cấp hướng dẫn và hỗ trợ đầu tư xây dựng.
“Với hoạt động cai nghiện ngày càng được mở rộng sẽ có nhiều khó khăn hơn, chúng tôi mong cấp trên sẽ tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm. Hiện nay, các đối tượng có xu hướng sử dụng nhiều chất ma túy khác nhau, manh động và liều lĩnh hơn nên chúng tôi hy vọng đơn vị sẽ không bị cắt giảm nhân sự thực hiện công tác cai nghiện và quản lý trong thời gian tới, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cơ sở” - ông Lịch cho hay.
Tố Tâm