Mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội đang dần trở thành thói quen của nhiều người sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh. Trước nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng cao của người dân, các đối tượng xấu đã nghĩ ra các chiêu trò lừa đảo thông qua hình thức giao dịch này để "giăng bẫy" người dùng.
Mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội đang dần trở thành thói quen của nhiều người sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh. Trước nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng cao của người dân, các đối tượng xấu đã nghĩ ra các chiêu trò lừa đảo thông qua hình thức giao dịch này để “giăng bẫy” người dùng.
Mua sắm trực tuyến đang là xu thế được người tiêu dùng lựa chọn nên cần cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo khi giao dịch qua mạng. Ảnh minh họa: Kim Liễu |
Đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý và lòng tin của các chủ tài khoản, chỉ cần một chút “lơ là” thiếu cảnh giác làm theo hướng dẫn từ những tin nhắn, cuộc gọi, email giả mạo thì tài khoản ngân hàng có thể mất sạch tiền.
* Mạo danh các sàn TMĐT, rút trộm tiền trong ví điện tử…
Một trong số những chiêu thức lừa đảo mà các ngân hàng vừa cảnh báo với khách hàng là việc kẻ gian mạo danh là nhân viên của sàn TMĐT để liên hệ với khách hàng mua sắm online yêu cầu hỗ trợ đổi trả về đơn hàng mà khách hàng đã đặt trước đó (hứa thu hồi và hoàn tiền gấp 3 lần).
Nếu khách hàng tin lời, thực hiện đăng ký vào link giả mạo để hoàn tất việc trả hàng thì kẻ lừa đảo sẽ có được đầy đủ thông tin để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản internet banking và số tiền trong tài khoản ngân hàng của khách.
Ngoài ra, kẻ gian còn mạo danh sàn TMĐT thông báo khách hàng trúng thưởng quà tặng tri ân sau khi mua sắm. Nội dung tin nhắn có chứa liên kết lừa đảo, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (thông tin thẻ tín dụng/tài khoản internet banking, bao gồm cả tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP). Kẻ lừa đảo nghiễm nhiên chiếm đoạt được quyền truy cập tài khoản và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đáng chú ý là chiêu thức lừa đảo rút tiền qua ví điện tử của người dùng khá tinh vi. Đối tượng lừa đảo “dụ dỗ” các khách hàng rằng đang cần thu mua số lượng lớn voucher mà chủ tài khoản không sử dụng với giá tốt và yêu cầu được đăng nhập vào ví điện tử để tự sử dụng voucher (do ví điện tử MoMo không cho phép chuyển voucher sang tài khoản khác) và thuyết phục khách hàng có thể hủy liên kết tài khoản với sàn TMĐT trong vài giây sau khi đã thanh toán đúng voucher trao đổi. Thế nhưng, chỉ vài thao tác sau khi đăng nhập thành công vào tài khoản thì tiền trong ví lẫn thẻ ngân hàng liên kết (trong trường hợp chủ tài khoản chưa kịp hủy liên kết thẻ) đều mất sạch.
Một số đối tượng có ý đồ xấu còn sử dụng hình thức cho vay tiền online để mời gọi khách hàng vay vốn và yêu cầu đăng ký trên website giả mạo của ngân hàng. Sau đó, sử dụng những thông tin khách hàng đã cung cấp (họ và tên, chứng minh nhân dân, số điện thoại, số thẻ/tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP…) để tạo tài khoản ví điện tử và liên kết ví điện tử với số thẻ/tài khoản ngân hàng của khách hàng. Kẻ gian sẽ chiếm đoạt số tiền trong ví điện tử/tài khoản thanh toán bằng cách mua sắm hoặc chuyển tiền qua ví điện tử khác.
* Cảnh giác để không “sập bẫy”
Để không “dính” những chiêu lừa tinh vi của các đối tượng xấu, các ngân hàng đã gửi cảnh báo đến khách hàng của mình. VPBank lưu ý người dân cần hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web lạ, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
Người dân không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu); thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết (tên đăng nhập/mật khẩu) để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội. Đồng thời không truy cập và thực hiện giao dịch trên các website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email.
Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo, để quá trình mua sắm trực tuyến trở nên an toàn, bên cạnh việc bảo mật các thông tin cá nhân, người dân cần tra cứu, xác minh kỹ thông tin trước khi giao dịch chuyển và nhận tiền. Chỉ thực hiện các giao dịch thông qua các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng và tuyệt đối không được cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế thực hiện mua sắm trực tuyến khi sử dụng Wi-Fi công cộng khi giao dịch tài khoản, để ngăn chặn “tin tặc” chiếm quyền điều khiển và xem bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào bạn nhập vào. Sử dụng mật khẩu mạnh và sử dụng mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản trực tuyến…
“Trong trường hợp đã click vào đường link, cung cấp thông tin tại các website nghi ngờ giả mạo, chủ tài khoản cần nhanh chóng gọi điện cho tổng đài của ngân hàng phát hành thẻ mà mình đang sử dụng để yêu cầu khóa dịch vụ. Đồng thời, vào app Mobile banking tiến hành các bước đổi mật khẩu đăng nhập” - ông Bảo Lưu ý.
Kim Liễu