Cùng với cả nước, Đồng Nai đang thực hiện trạng thái xã hội 'bình thường mới' để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với cả nước, Đồng Nai đang thực hiện trạng thái xã hội ‘bình thường mới’ để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội…
Công nhân sản xuất đảm bảo yêu cầu về giãn cách tại một nhà máy ở H.Long Thành. Ảnh: K.Liễu |
Để có thể thích ứng và phát triển trong thời kỳ mới này, người dân cần hiểu đúng về trạng thái ‘bình thường mới’, từ đó thực hiện đúng, hạn chế sự chủ quan, lơ là làm gia tăng dịch bệnh trong cộng đồng.
* Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ: “Bình thường mới” chứ không phải là bình thường
“Bình thường mới” không phải là bình thường mà là xã hội đang chuyển sang một trạng thái thích ứng an toàn khi “sống chung” với dịch bệnh. Nhiều hoạt động trở lại bình thường nhưng phải chú ý phòng, chống dịch, chứ không phải mọi hoạt động được trở lại bình thường như khi chưa có dịch bệnh.
Muốn thích ứng an toàn thì phải chủ động, linh hoạt ứng phó mới có thể kiểm soát được dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Có như vậy mới thực hiện tốt mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và đẩy mạnh sản xuất.
Thực hiện “bình thường mới” để cuộc sống không ách tắc, mọi người có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, nhưng nếu không tự phòng vệ tốt, dịch Covid-19 sẽ bùng phát mạnh hơn. Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, trên thế giới vẫn đang xuất hiện các biến chủng mới của virus, khả năng những làn sóng dịch mới sẽ còn xuất hiện.
Để thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới” thì ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đầu tiên. Mỗi người dân vẫn phải thực hiện nghiêm, thực hiện thật tốt những quy định về phòng, chống dịch của Nhà nước nhất là nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không quá lo sợ, không dám đẩy mạnh sản xuất khi có đủ điều kiện… Vì vậy, cần hiểu đúng trạng thái “bình thường mới” để có hành động đúng và có thể nhập cuộc tốt, hiệu quả và an toàn.
* Chủ tịch UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) VŨ VĂN CHIÊU: Nâng cao ý thức cá nhân đối với xã hội
Sẽ là sai lầm nếu hiểu “bình thường mới” là bình thường như trước đây, rồi chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Hành vi vô tư tụ tập, tiếp xúc, tổ chức ăn nhậu … chính là một trong số nguyên nhân làm gia tăng các ca F0 trong cộng đồng trong thời gian vừa qua.
Nên hiểu, bước vào trạng thái “bình thường mới” có nghĩa là phải thay đổi để thích nghi với điều kiện mới, cuộc sống mới. Cần bỏ những thói quen cũ không phù hợp, đồng thời duy trì thói quen tốt như: đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi giao tiếp, thực hiện khai báo y tế. Theo dõi cấp độ dịch nơi mình sinh sống, nơi mình đến và chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh vì sự an toàn cho sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Nên nhìn nhận rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân đối với cộng đồng xã hội. Mỗi cá nhân chính là một “mắt xích” quan trọng, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ, đời sống xã hội ra sao. Dịch bệnh không chừa một ai và ai cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh nếu chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Để có thể thích ứng tốt với trạng thái “bình thường mới” thì ý thức của người dân mang ý nghĩa rất quan trọng. Giữ tâm thế vững vàng trong trạng thái “bình thường mới” đồng nghĩa với việc xóa bỏ tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Điều quan trọng hiện nay là luôn tạo thế chủ động, bình tĩnh đối mặt với những thách thức mới do dịch bệnh gây ra.
* Ông LÊ BẠCH LONG, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, H.Long Thành): Thay đổi cách thức tổ chức sản xuất để thích nghi
Trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành, thì “bình thường mới” theo nghĩa là “sống chung với dịch”, thích ứng với diễn biến của dịch, không có tiền lệ và tận dụng tối đa thời gian an toàn để có thể thực hiện các mục tiêu đề ra.
Hiện nay, doanh nghiệp phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất do mọi thứ biến động theo dịch bệnh từ nguyên vật liệu, thị trường, nhân lực đến chi phí cũng biến động… Tuy vậy, chúng ta cũng nhìn nhận chung là dịch bệnh sẽ được kiểm soát, tình hình sẽ dần trở nên bình thường như bao dịch bệnh khác, trong thời gian này, DN phải có kế hoạch “sống chung” với dịch.
Phương hướng để doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới hiện nay chính là từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, quản lý theo tư duy mới để nắm bắt, tạo ra cơ hội phát triển. Trong đó, cần thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, tự động hóa, số hóa chuyển đổi mạnh mạnh mẽ, để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Đồng thời, chấp nhận sẽ có F0 trong nhà máy, chấp nhận chi phí cao hơn, đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa khách hàng về địa lý, khu vực, vùng miền… để ko đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường sản phẩm… Tập trung vào công tác chăm lo sức khỏe cho người lao động, an sinh cho người lao động, tạo sự an tâm, gắn bó để không đứt gãy chuỗi sản xuất.
* Chị LÊ THỊ HUYỀN (xã Sông Thao, H.Trảng Bom): Điều chỉnh để thích ứng và phát triển
Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đa số người dân trên địa bàn được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ nên nhiều hoạt động được trở lại trạng thái “bình thường mới” là phù hợp. Theo tôi, thay đổi này giống như chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới, buộc phải thay đổi, điều chỉnh thói quen để thích ứng với tình hình dịch bệnh và phát triển.
Có rất nhiều điều mà trước đây ta xem là bình thường thì nay phải thay đổi. Đơn cử như trước đây khi ra đường nhiều người không đeo khẩu trang, hay đeo khẩu trang nhằm mục đích chống nắng thì nay buộc tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, đi làm với mục đích chính là để ngăn ngừa dịch bệnh. Trước đây vô tư tụ tập bạn bè vui chơi, ăn uống, tham gia các hoạt động xã hội khác…, thì nay phải hạn chế, giữ khoảng cách, cân nhắc đến yếu tố an toàn về phòng dịch theo quy định trước khi thực hiện. Tất cả các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống sản xuất, cách thức tiêu dùng, giáo dục, cách thức sống thay đổi chuyển sang số hóa nhiều hơn, online nhiều hơn khi xã hội chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Một khi dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn thì tất cả các hoạt động trong đời sống cần cân nhắc đến khía cạnh y tế và thực hiện theo các phương thức phù hợp với điều kiện sống chung với dịch bệnh.
Hiện số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đang có chiều hướng gia tăng, điều này cho thấy công tác phòng dịch của mỗi người dân chưa được đảm bảo. Do đó, đòi hỏi mỗi cá nhân phải chú ý hơn trong việc thực hành tốt các quy định và giải pháp phòng dịch.
Kim Liễu (ghi)