Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân ở nhà nhiều nên lượng rác sinh hoạt thải ra cũng nhiều. Theo quan sát của tôi, phần lớn rác thải sinh hoạt hiện nay là rác thải nhựa, túi ny-lông.
Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân ở nhà nhiều nên lượng rác sinh hoạt thải ra cũng nhiều. Theo quan sát của tôi, phần lớn rác thải sinh hoạt hiện nay là rác thải nhựa, túi ny-lông.
Một bãi rác thải tự phát ở KP.7, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) với nhiều túi ny-lông. Ảnh: Huyền Anh |
Đọc báo tôi được biết, thống kê của Sở TN-MT, mỗi ngày toàn tỉnh thải ra 1,8 ngàn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có từ 60-90 tấn rác thải nhựa, túi ny-lông, là những loại rác khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, tỷ lệ chôn lấp rác thải trên địa bàn vẫn còn cao, trên 40%... Có nghĩa là vẫn còn hàng chục tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường tự nhiên hoặc xử lý bằng cách chôn lấp.
Khi đời sống sinh hoạt của con người phong phú hơn, nhiều vật dụng được làm từ nguyên liệu nhựa ra đời, đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện lợi của người dân. Nhìn quanh cuộc sống của chúng ta, đồ nhựa thực sự đang rất tiện dụng nên nó có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống. Nếu nói về mặt thực tiễn, nó cũng phần nào cần thiết cho chuỗi kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, sự lạm dụng thái quá đồ dùng nhựa là sự tự đầu độc môi trường sống của chính mình, trong đó bao gồm cả các bệnh liên quan đến chất gây ung thư có trong nhiều loại dụng cụ làm từ nguyên liệu nhựa.
Tiết giảm sử dụng đồ nhựa, tiết giảm túi ny-lông trong sinh hoạt chính là đang bảo vệ sự sống của chính mình và môi trường tự nhiên. Nếu ai đã từng đi Nhật Bản hoặc đọc thông tin về cách nước Nhật họ giảm thải rác nhựa như thế nào, thì sẽ thấy nhiều người trong chúng ta đang quá lạm dụng các loại vật dụng từ nhựa.
Tôi đã từng đi hội thảo tại Nhật Bản. Trong những ngày tham gia học tập, hội họp, mỗi người được phát một thẻ dây đeo có miếng nhựa ép, trong đó có để tấm giấy ghi tên, quốc gia của mỗi học viên. Sau một tuần, khóa học kết thúc, người phục vụ đã thu lại thẻ dây đeo để tiếp tục dùng cho những hội thảo, cuộc họp lần sau. Lúc đó, một vài học viên người Việt Nam nói: “Nước Nhật giàu mà “kẹo” quá. Mỗi cái dây đeo cũng dùng lại”.
Một nhân viên phục vụ người Nhật hiểu tiếng Việt đã nói lại với những bạn này rằng: “Đất nước chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn nên phải tiết kiệm. Người Nhật có thói quen sống tối giản, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải ra môi trường. Chúng tôi biết các bạn đem thẻ dây đeo này về cũng sẽ vứt đi, trong khi chúng tôi phải mua lại cái mới, thì tại sao không dùng lại để đỡ tiền mua và giảm rác thải ra môi trường”. Những lời nói của nhân viên này khiến tôi nhớ mãi và ngày ngày vẫn đang thực hành tiết giảm đến mức thấp nhất lượng rác thải ra môi trường, nhất là rác thải nhựa, với hy vọng mỗi người chung tay, môi trường sẽ được xanh hơn.
Lam Khuê (TP.Biên Hòa)