Hưởng ứng Tháng Nâng cao nhận thức về an toàn mạng trên toàn thế giới (tháng 10 hằng năm), ngay từ đầu tháng 10-2021, Bộ TT-TT đã có nhiều hoạt động tăng cường an toàn thông tin nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hưởng ứng Tháng Nâng cao nhận thức về an toàn mạng trên toàn thế giới (tháng 10 hằng năm), ngay từ đầu tháng 10-2021, Bộ TT-TT đã có nhiều hoạt động tăng cường an toàn thông tin nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Người dân tìm hiểu bộ trắc nghiệm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dùng về lừa đảo trực tuyến do Google phối hợp Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) ra mắt. Ảnh: Đ.Tùng |
Theo đó, Bộ TT-TT đã chú trọng nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dùng và ngăn ngừa các “lỗ hổng” bảo mật khi kết nối internet trong điểm thời dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh số vụ tấn công mạng trên toàn quốc liên tục gia tăng.
* Tấn công mạng tăng cao
Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), chỉ trong 9 tháng của năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 6,1 ngàn cuộc tấn công mạng gây sự cố hệ thống thông tin (tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020). Chỉ tính riêng quý III-2021, trên toàn quốc đã ghi nhận hơn 3,2 ngàn cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin; so với cùng kỳ năm 2020, số cuộc tấn công tăng 57%.
Còn theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT), chỉ tính riêng trong tuần đầu tháng 10-2021, trung tâm đã ghi nhận 203 trường hợp tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam. Trong đó, 119 trường hợp cài cắm mã độc, 4 trường hợp thay đổi giao diện và đáng chú ý là 80 trường hợp giả mạo thành trang web uy tín để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân.
Lý giải về việc gia tăng các vụ tấn công mạng, Cục An toàn thông tin nhận định, trong quý II và quý III-2021, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc. Cụ thể như làm việc, học tập online bằng các phần mềm, ứng dụng trên thiết bị di động; giao dịch trực tuyến, thanh toán số; đăng ký giấy đi đường trực tuyến, đăng ký mã QR… Lợi dụng tình hình trên, không ít đối tượng đã phát tán các mã độc, đánh cắp thông tin người dùng, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
* Từng bước siết chặt lỗ hổng
Theo Sở TT-TT, để đảm bảo an toàn thông tin trong thời điểm nhiều hoạt động của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp diễn ra trên mạng, từ đầu tháng 10-2021, Bộ TT-TT và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về an toàn thông tin.
Cụ thể, ngày 23-10, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp cùng Cục An toàn thông tin và Sở TT-TT TP.HCM tổ chức hội thảo trực tuyến an toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2021 với chủ đề An toàn thông tin trong chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới.
Trong tháng 10-2021, Google đã hợp tác cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia giới thiệu bộ trắc nghiệm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dùng về lừa đảo trực tuyến. Người dùng có thể truy cập vào trang web khonggianmang.vn để kiểm tra thử với bộ trắc nghiệm này để nhận diện các nguy cơ lừa đảo trực tuyến. |
Tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và sắp tới là Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số, Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia… Để làm tốt các chương trình trên, Việt Nam cần có một nền tảng an toàn không gian mạng đủ mạnh, sẵn sàng ứng phó trước mọi thách thức, mà cụ thể an toàn không gian mạng phải là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số.
Trước đó, Cục An toàn thông tin phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) tổ chức cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2021…
Sở TT-TT cho biết, qua các hoạt động nói trên, các nhà chuyên môn đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng. Theo đó, để tránh lộ lọt thông tin và tạo “lỗ hổng” cho mã độc tấn công, người dùng internet cần chú ý liên tục rà soát bảo mật, kiểm tra đăng nhập với các mạng xã hội, hạn chế quyền theo dõi hành vi với các đơn vị cung cấp ứng dụng. Đặc biệt, hiện mỗi người dân đều có mã QR riêng trên ứng dụng PC-Covid, Sổ tay sức khỏe điện tử…, trong đó lại lưu trữ các dữ liệu riêng như số: CMND, căn cước công dân, địa chỉ… Vì vậy, không nên công khai các mã QR này lên mạng xã hội, tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng và truy ra được các dữ liệu riêng nói trên rồi dùng vào mục đích xấu.
Ngay từ cuối tháng 8-2021, Cục An toàn thông tin đã ra mắt nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật. Sau hơn 1 tháng triển khai, đơn vị này đã nhận được hơn 81 báo cáo lỗ hổng, điểm yếu trên các nền tảng được gửi tới chương trình (44 báo cáo được xác định là lỗ hổng bảo mật, trong đó 16 ở mức nghiêm trọng, 4 ở mức cao, 10 ở mức trung bình, 14 ở mức thấp). Từ kết quả trên, Bộ TT-TT đã phát động chiến dịch tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng công nghệ chống dịch, nền tảng chuyển đổi số quốc gia để đảm bảo an toàn cho người dùng, cơ quan, tổ chức.
Đăng Tùng