Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất mở rộng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

09:09, 05/09/2021

Bộ LĐ-TBXH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách.

Bộ LĐ-TBXH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68) nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách. Thông tin này đang được dư luận quan tâm.

Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tại P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu
Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tại P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu

Đa phần các ý kiến bày tỏ nhất trí với đề xuất của Bộ LĐ-TBXH về việc sửa đổi Nghị quyết 68 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và NLĐ được hỗ trợ kịp thời.

* Sửa đổi điều kiện, mở rộng đối tượng thụ hưởng

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TBXH, quá trình triển khai Nghị quyết 68 cho thấy, còn một vài quy định chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH đã có tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 với một số nội dung đáng chú ý.

Cụ thể như: Điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho NLĐ về giảm doanh thu từ tỷ lệ giảm 10%, nay còn 5%; lao động thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 nhận hỗ trợ một lần như sau: "Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1,855 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng/người".

Bộ LĐ-TBXH cũng đề xuất giải quyết hỗ trợ đối với lao động chấm dứt hợp đồng lao động khi làm ở nơi thực hiện Chỉ thị 16 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người/một lần duy nhất; hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 được bổ sung diện hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH còn đề xuất đề nghị bổ sung đối tượng là “người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg” được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất theo quy định Nghị quyết 68 và không phải đáp ứng điều kiện "không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn".

Đặc biệt, đối với chính sách dành cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Theo đó, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên.

* Người dân đồng tình

Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ LĐ-TBXH, ông Nguyễn Thanh Phương (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) cho rằng, việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ sẽ phát huy được tối đa hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ cho NLĐ và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19.

“Trong số các nội dung Bộ LĐ-TBXH đề xuất sửa đổi, tôi nhất trí sửa đổi, bổ sung những nội dung về các điều kiện nhận hỗ trợ tiền mặt dành cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động... vì nó phù hợp với thực tế. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì việc giúp người khó khăn tiếp cận sự hỗ trợ càng nhanh càng tốt” - ông Phương nói.

Với mong muốn sớm được tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Bích Huyền (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) cho biết, công việc của bà là mở các lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, các lớp dạy thêm phải tạm ngừng, không có thu nhập, cuộc sống gia đình gặp khó khăn nhưng bà lại không thuộc đối tượng được hưởng gói hỗ trợ NLĐ mất việc làm vì việc dạy thêm không nằm trong số các công việc được cho là lao động tự do (theo Quyết định số 2379/QĐ-UBND ngày 12-7-2021 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai).

“Tôi biết việc xác định đối tượng được hỗ trợ do địa phương quyết định căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách… Nếu dự thảo sửa đổi bổ sung của Bộ LĐ-TBXH được Chính phủ thông qua, phần ngân sách chi hỗ trợ nếu tỉnh không cân đối được trung ương sẽ hỗ trợ 40%. Tôi mong rằng, tới đây, trường hợp lao động tự do như tôi sẽ được bổ sung vào các đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ” - bà Huyền kiến nghị.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại TP.Biên Hòa cho rằng, nếu đề xuất nới lỏng điều kiện về cho vay trả lương ngừng việc theo nội dung đề xuất của Bộ LĐ-TBXH như: cho người sử dụng lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng được thông qua thì quá tốt. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cho vay từ chính sách kịp thời hơn, giúp giải quyết khó khăn kinh tế cho doanh nghiệp và NLĐ trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Nghị quyết 68 của Chính phủ là quyết sách kịp thời, nhân văn, hợp lòng dân. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận, hưởng thụ chính sách, một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 68 đến người thực hiện chính sách cũng như các đối tượng thụ hưởng để nắm và thực hiện đúng quy định. Đồng thời cần rà soát, nắm bắt các bất cập khi triển khai thực hiện để kịp thời đề xuất các hướng giải quyết phù hợp… Song song đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, đảm bảo chính sách được thực hiện công khai, minh bạch.

Kim Liễu

Tin xem nhiều