Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của nhiều doanh nghiệp vận tải bị sụt giảm nặng nề. Đặc biệt, đối với hoạt động vận tải xe buýt không trợ giá, xe buýt liên tỉnh tiếp tục gặp khó khăn.
Dù đi vào hoạt động bình thường đã lâu nhưng doanh thu của nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn bị sụt giảm nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, đối với hoạt động vận tải xe buýt không trợ giá, xe buýt liên tỉnh tiếp tục gặp khó khăn.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều tuyến xe buýt tiếp tục gặp khó khăn. Trong ảnh: Một số xe buýt chạy theo tuyến đậu tại Bến xe Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải |
Chi phí bỏ ra nhiều trong khi nguồn thu hạn chế khiến nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh chỉ chạy cầm chừng, không có lời.
* Nhiều chủ xe lao đao vì dịch Covid-19
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) cho biết, đơn vị có nhiều tuyến hoạt động liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM, tỉnh Bình Dương. Nguồn doanh thu giảm sút hoặc đạt thấp nhưng các khoản chi phí thì các chủ xe vẫn phải trả như: lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm vật chất…, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và hoạt động ổn định của đơn vị vận tải.
Ông Thiện cho biết thêm, khi chưa có dịch Covid-19, doanh thu mỗi xe đều ổn định, trừ lương tài xế, nhân viên bán vé và các khoản phí khác vẫn còn dư để các xã viên trang trải cuộc sống. Thế nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ tháng 3-2020 đến nay, lượng khách giảm mạnh, mỗi xe chỉ chạy được vài trăm ngàn đồng/ngày.
Theo phản ảnh của một số doanh nghiệp, chủ xe buýt, phần lớn các tuyến xe buýt đều bị ảnh hưởng. Trong đó nặng nề nhất là xe buýt liên tỉnh - những tuyến vốn không được trợ giá. Qua nhiều đợt dịch bùng phát, người dân phần ngại đi xe buýt vì lo dịch bệnh lây lan, phần chuyển sang đi xe cá nhân khiến nhiều chuyến trên xe chỉ lác đác vài khách, doanh thu cả ngày cũng chỉ đủ để trả tiền dầu, cước qua các trạm thu phí.
Ông L.V.T., chủ của 3 xe buýt tuyến số 12 (Khu công nghiệp Giang Điền - Bến Thành, TP.HCM) cho biết, đây là tuyến xe có nhiều người đi chơi tại các khu du lịch. Vào những ngày cuối tuần, lễ, Tết, xe nào cũng chật kín khách, nhưng từ khi có dịch thì các khu du lịch đóng cửa. Khách đi xe vì thế mà không có nhiều, một số chuyến còn chạy rỗng.
“Xe buýt hoạt động trong thời điểm dịch bệnh đã khó, riêng đối với xe không được trợ giá, hoạt động càng gian nan hơn. Nhiều chủ xe xoay xở đủ cách nhưng cũng chỉ giải quyết trong thời gian ngắn. Bởi toàn bộ chi phí đầu tư cho phương tiện đều vay mượn từ ngân hàng, hằng tháng vẫn phải trả lãi đều đặn. Mới đây, tôi phải tiếp tục cầm giấy tờ nhà để có tiền trả cho lái xe, nhân viên, phí điều lệnh các loại” - ông T. chia sẻ.
* Mong sớm có các biện pháp hỗ trợ
Trước những khó khăn nêu trên, sáng 20-1, gần 20 chủ xe của tuyến xe buýt 601 (từ Bến xe Biên Hòa - Bến xe miền Tây) đã đồng loạt đình công, không chở khách để yêu cầu phía công ty chủ quản và các đơn vị liên quan giảm chi phí trong kinh doanh.
Ông Đ. (một chủ xe buýt 601) cho hay, hơn 10 tháng nay, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng và có tác động nặng nề khiến doanh thu của tuyến xe buýt 601 chỉ bằng 45-50% so với trước đây. Dù vậy, các chi phí trong hoạt động kinh doanh không được phía công ty chủ quản và các đơn vị liên quan hỗ trợ.
Trong đó, phí điều lệnh mỗi ngày được giữ nguyên mức giá 500 ngàn đồng/xe; phí thuê giữ phương tiện tại bến 650 ngàn đồng/tháng. Nếu xe nằm bãi, không chạy thì vẫn phải trả cho công ty chủ quản. Đây là điều khiến nhiều chủ xe khá bức xúc nên đã kiến nghị các cơ quan chức năng cho giảm số lượng xe, chuyến xe đang hoạt động. Cụ thể là từ 18 xe xuống còn 12 xe để cắt giảm chi phí.
“Trước đây, mỗi chuyến cách nhau 15 phút vẫn đông đúc, giờ mỗi chuyến cách nhau 30 phút nhưng vẫn vắng khách. Điều đáng nói là cứ hụt chuyến, chậm chuyến là bị phạt. Hoạt động cầm chắc lỗ vì các chi phí xăng xe, tài xế, lơ xe… vẫn phải duy trì” - ông Đ. bức xúc.
Ngay sau khi diễn ra sự việc, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT) phối hợp với các đơn vị liên quan để làm việc với các chủ xe. Sau đó, các bên đi đến thống nhất, tuyến xe buýt 601 hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Công ty TNHH Vận tải hành khách TP.HCM đồng ý giảm số chuyến hoạt động từ 108 chuyến/ngày xuống còn 72 chuyến/ngày. Các chủ xe phải cam kết hoạt động ổn định, không để gián đoạn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Khó khăn trên không chỉ xảy ra với tuyến xe buýt 601 mà nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh cũng gặp vấn đề tương tự. Nếu tình trạng này kéo dài thì việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động vận tải xe buýt là rất khó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, HTX, chủ xe mong muốn có cơ chế hỗ trợ giúp giảm bớt áp lực về tài chính để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đỗ Thị Hải Phương cho biết, thời gian qua, Sở GT-VT đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, bến xe giảm các chi phí sân bãi, phí điều lệnh; phía các ngân hàng có chính sách giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, còn giảm phí điều hành cho một số tuyến xe nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh mà đơn vị quản lý.
Theo bà Phương, với các tuyến liên tỉnh như tuyến 601, 602… do các doanh nghiệp, HTX ở TP.HCM quản lý thì đơn vị chỉ khuyến khích thực hiện chứ không thể bắt buộc. Về vấn đề giảm tần suất số chuyến xe hoạt động mà các chủ xe kiến nghị, Sở GT-VT đã có văn bản gửi Sở GT-VT TP.HCM xem xét giải quyết để sớm điều chỉnh tần suất, thời gian nối chuyến cho phù hợp. Việc tăng, giảm chuyến xe căn cứ vào nhu cầu thực tế thực hiện nhưng vẫn đảm bảo cho hành khách giữa các địa phương đi lại thuận lợi và an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp, HTX tham gia vận tải hành khách xe buýt. Trong đó, có 6 tuyến xe được trợ giá, 12 tuyến xe hoạt động liên tỉnh. |
Thanh Hải