Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020) có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020) có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 nâng mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phòng (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào tháng 10-2020. Ảnh minh họa: Công Nghĩa |
Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 gồm 7 chương và 58 điều, trong đó có bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều, đặc biệt đã bổ sung 2 chương mới: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”. Để pháp lệnh mới đi vào thực tiễn, dự kiến thời gian tới sẽ có khoảng 3 nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết và 3 thông tư hướng dẫn đi kèm do Bộ LĐ-TBXH ban hành hướng dẫn thi hành.
* Mở rộng thành phần hưởng ưu đãi
Đáng chú ý, Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 3 đã làm rõ những đối tượng là thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ. Hoặc tại Khoản 10, Điều 16 quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống thì hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và bảo hiểm y tế...
Theo Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện có gần 53 ngàn hồ sơ người có công và thân nhân người có công; hơn 4,6 ngàn hồ sơ hưởng trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có hơn 13 ngàn đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với kinh phí hơn 24,2 tỷ đồng/tháng. |
Theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, trong Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020, tại Điểm k, Khoản 1, Điều 14 còn nêu rõ người hy sinh trong trường hợp “Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội” cũng được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ. Đây là yếu tố giúp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không bị lúng túng khi xem xét chế độ cho người dân, nhất là các “hiệp sĩ” trong các CLB phòng chống tội phạm hy sinh trong quá trình hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt tội phạm.
Ngoài ra, tại Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 đã nêu cụ thể các nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng gồm: ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, biếu, tặng cho, ủng hộ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài hoặc các nguồn lực hợp pháp khác.
* Nâng cao chất lượng chăm lo người có công
Ngày 31-12-2020, tại buổi họp báo công bố Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020, lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH nhận định pháp lệnh mới đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Theo tinh thần đó, để nâng cao chất lượng đời sống cho người có công và thân nhân người có công, trong pháp lệnh mới đã định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp hằng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) bằng 3 lần mức chuẩn. Mức chuẩn hiện hành theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng/tháng. Như vậy, pháp lệnh mới đã bỏ quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sĩ với Bà mẹ VNAH mà cố định rõ, đảm bảo các bà mẹ VNAH sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Ngoài ra, nếu như pháp lệnh hiện hành nêu rõ: “Người phục vụ Bà mẹ VNAH sống ở gia đình được Nhà nước mua bảo hiểm y tế” thì tại pháp lệnh mới đã dành ra Điều 19 quy định chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ VNAH. Cụ thể, ngoài bảo hiểm y tế như trên, thân nhân Bà mẹ VNAH sẽ được hưởng trợ cấp một số khoản (có mức độ chi tiết) khi Bà mẹ VNAH qua đời hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH”.
Lãnh đạo Phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa cho biết, trong lúc chờ pháp lệnh mới có hiệu lực và các nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành, phòng sẽ tiếp tục chung sức chăm lo thực hiện đảm bảo người có công với cách mạng đầy đủ về vật chất và tinh thần, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của xã hội.
Tại Đồng Nai, theo số liệu của Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh có 1.129 Bà mẹ VNAH. Trong năm 2019-2020, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ và tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho 9 người. Hiện còn 53 Bà mẹ VNAH còn sống. Các mẹ VNAH đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng với mức bình quân hằng tháng trên 1 triệu đồng/mẹ. Các mẹ đều có nhà ở, cuộc sống ổn định. |
Đăng Tùng