Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều 'cởi mở' trong quy định về xây dựng

10:01, 06/01/2021

Bài Những điểm mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đăng trên Báo Đồng Nai online ngày 21-12-2020 đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ). Nhiều ý kiến bày tỏ vui mừng trước những quy định mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Bài Những điểm mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đăng trên Báo Đồng Nai online ngày 21-12-2020 đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ). Nhiều ý kiến bày tỏ vui mừng trước những quy định mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có nhiều quy định mới hướng đến tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động xây dựng. Ảnh minh họa: Một công trình nhà riêng lẻ xây dựng tại P.Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có nhiều quy định mới hướng đến tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động xây dựng. Ảnh minh họa: Một công trình nhà riêng lẻ xây dựng tại P.Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Đa số các ý kiến BĐ đều cho rằng, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có nhiều quy định mới “cởi mở”, hướng đến cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục trong xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong quản lý và hoạt động xây dựng.

* Giảm áp lực quản lý, thuận lợi cho người dân

Các quy định về miễn giấy phép xây dựng cho 3 loại nhà ở riêng lẻ; rút ngắn thời hạn cấp phép xây dựng; người dân được quyền xây dựng, sửa chữa nhà ở trong các dự án quy hoạch “treo” quá 3 năm mà không triển khai... của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 được BĐ đặc biệt quan tâm. Một số BĐ cho rằng, đây là những quy định mới,  đáp ứng nhu cầu thực tiễn cấp bách của đời sống trong công tác quản lý xây dựng - vốn lâu nay không theo kịp với đà phát triển thực tế.

BĐ Nguyễn Văn Thế (ngụ xã Cẩm Đường, H.Long Thành) cho biết, khi đọc báo ông mới biết thông tin theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, có 3 trường hợp công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng, trong đó có nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trừ trường hợp được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Một số BĐ kiến nghị, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có nhiều điểm mới, để người dân hiểu và thực hiện đúng pháp luật, cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là trong việc giải thích các quy định còn chưa rõ. Theo luật mới không phải nhà ở riêng lẻ nào cũng được miễn giấy phép xây dựng. Ví dụ như ở TP.Biên Hòa, là đô thị loại I đều có quy hoạch đô thị đối với các phường, xã, vì vậy tất cả các công trình xây dựng riêng, lẻ đều phải xin phép và được cấp phép mới được triển khai xây dựng.

“Trước đây, mỗi khi xây, sửa nhà ở đều phải đến UBND xã xin phép. Điều đó chỉ gây thêm phiền toái cho dân và mất công sức cho chính cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, chưa kể còn tạo ra tình trạng  nhũng nhiễu, làm khó người dân. Tôi rất mừng khi luật pháp ngày càng được điều chỉnh sát với thực tế, theo hướng thuận lợi cho người dân. Bởi nếu đất của người dân đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, cũng không nằm trong quy hoạch thì nên trao quyền cho người dân trong xây dựng” - ông Thế nói.

Trong nhiều quy định mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, BĐ Lý Anh Tuấn (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) tâm đắc nhất là quy định rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày (theo Luật Xây dựng năm 2014) xuống còn 20 ngày.

 Là một kỹ sư và cũng là chủ thầu xây dựng, BĐ Lý Anh Tuấn cho biết, với nhiều gia chủ, khi xây nhà, ngày khởi công rất quan trọng. Họ thường chọn ngày tốt để khởi công, nhưng cũng có trường hợp đến ngày khởi công mà chưa có giấy phép xây dựng, ông cũng không dám cho... động thổ vì sợ bị phạt. “Rút ngắn hẳn 10 ngày trong thời gian cấp giấy phép xây dựng là một tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.

* Gỡ khó cho người dân có nhà, đất thuộc các dự án “treo”

Một trong những điểm mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có tác động đến rất nhiều hộ dân, đặc biệt những hộ dân đang sống trong các dự án quy hoạch “treo” là từ ngày 1-1-2021, luật cho phép người dân xây mới nhà cửa trên đất quy hoạch các dự án “treo” đã quá 3 năm mà không triển khai. Thông tin này đã và đang khiến các hộ dân sống trong các dự án “treo” phấn khởi.

Cụ thể, tại Mục 5 (Khoản 33, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020) về điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời quy định, trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố, thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhiều hộ dân có nhà, đất “dính” các dự án quy hoạch “treo” đã rất khổ sở vì không được sang nhượng, sửa chữa, xây dựng... Tại nhiều khu quy hoạch “treo”, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn do điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa cũng không được đầu tư xây dựng. Do đó, quy định “mở” này đã giúp người dân đang sống trong các dự án quy hoạch “treo” phấn khởi.

Là một trong 26 hộ dân ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) chịu nhiều khó khăn khi nhà, đất “vướng” quy hoạch của dự án Khu dân cư Lê Sơn Thịnh, ông N.V.B. cho biết, dù dự án này được quy hoạch đã 14 năm, nhưng đến nay vẫn  “treo”. Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp cũng không được sửa chữa, xây dựng. Giờ Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có quy định mới nêu trên, ông cũng như các hộ dân ở đây rất mừng vì có thể xin phép xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Tuy nhiên, điều các hộ dân ở đây mong mỏi là dự án “treo” này chính thức được công bố bãi bỏ để người dân được trả lại quyền lợi chính đáng của mình trong quản lý sử dụng đất và xây dựng nhà cửa.              

  Phương Liễu

Tin xem nhiều