Hiện nay, trên internet cũng như các trang mạng xã hội, nhiều dụng cụ cờ bạc bịp đang được rao bán tràn lan, công khai. Các dụng cụ này rất tinh xảo, được thiết kế không khác gì trang phục, đồ dùng sử dụng hằng ngày nhằm giúp con bạc có thể lừa đảo chiếm đoạt tiền của các con bạc khác một cách dễ dàng, khó bị phát hiện. Điều đáng nói, hiện chưa có quy định pháp luật nào về việc cấm buôn bán các loại dụng cụ cờ bạc bịp này.
Hiện nay, trên internet cũng như các trang mạng xã hội, nhiều dụng cụ cờ bạc bịp đang được rao bán tràn lan, công khai. Các dụng cụ này rất tinh xảo, được thiết kế không khác gì trang phục, đồ dùng sử dụng hằng ngày nhằm giúp con bạc có thể lừa đảo chiếm đoạt tiền của các con bạc khác một cách dễ dàng, khó bị phát hiện. Điều đáng nói, hiện chưa có quy định pháp luật nào về việc cấm buôn bán các loại dụng cụ cờ bạc bịp này.
Một số dụng cụ cờ bạc bịp được quảng cáo công khai, tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình |
* Quảng cáo công khai trên mạng
Chỉ cần gõ chữ “dụng cụ cờ bạc bịp” trên Google là có hàng trăm ngàn website, các trang mạng xã hội chuyên bán các dụng cụ này và người có nhu cầu tha hồ lựa chọn, đặt mua các sản phẩm mình muốn. Các “đồ chơi” này rất đa dạng nhưng chủ yếu chia làm 2 loại là: đổ xúc xắc ăn gian (chén, dĩa, chiếu, xúc xắc...) giúp người chơi tác động lên con xúc xắc và hỗ trợ nhìn, tráo đổi lá bài (áo đổi bài, ví đổi bài...) với giá từ 1,5 triệu đồng trở lên/dụng cụ.
Anh N.V.L. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Về hình thức, công năng các dụng cụ cờ bạc bịp này không khác các đồ vật, trang phục thường ngày. Nếu nhìn bằng mắt thường, thậm chí cầm trên tay cũng khó phát hiện được những vị trí ẩn, được can thiệp để chơi bạc bịp. Do đó, giới mê cờ bạc rất cảnh giác nếu thấy trong chiếu bạc có người cầm cái ví mới, mặc bộ đồ lạ đẹp mắt hay chủ nhà trải tấm chiếu mới”.
Một người bán dụng cụ cờ bạc bịp trên một trang mạng xã hội quảng cáo, với những món “đồ chơi” có sẵn trong tay, người dùng chỉ thực hành vài lần là đã nắm bắt được cách sử dụng. Đặc biệt là áo và ví đổi bài có thiết kế nhiều khe ẩn với các nút ẩn, chỉ cần chạm tay vào áo, ví, các lá bài có trên tay sẽ tự lọt vào khe ẩn và từ khe ẩn khác sẽ “nhảy” ra các lá bài được người chơi sắp sẵn để tráo.
Theo một số người bán dụng cụ cờ bạc bịp trên mạng xã hội, thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay, lượng người tìm mua “đồ chơi” bạc bịp liên tục tăng cao, thậm chí có người đặt hàng hơn 10 triệu đồng để sở hữu các món ví, áo... chuyên tráo đổi bài. Do đó, người bán cũng đẩy mạnh quảng cáo công khai và liên tục đăng tải các clip hướng dẫn người chơi bạc sử dụng không bị lộ; hoặc “khuyến mãi” như bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 1 tháng nếu phát sinh lỗi.
* Chưa có chế tài xử lý
Theo số liệu của Công an tỉnh, trong năm 2020, lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 390 vụ, xử lý hơn 2,2 ngàn đối tượng về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc (tăng hơn 200 vụ, hơn 1,2 ngàn đối tượng, tăng hơn 145% so với năm 2019). Trong đó, có nhiều vụ xuất hiện các dụng cụ cờ bạc bịp được các con bạc sử dụng để moi tiền nhau, thậm chí từ việc gian lận đó còn phát sinh thêm hệ lụy khác như: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản...
Chẳng hạn, chiều 13-4-2020, một số người (đến từ H.Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa) rủ nhau đánh bạc tại xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch). Sau 1 giờ đánh bạc thì một số người phát hiện bên nhóm người thắng đã sử dụng “đồ chơi” cờ bạc bịp nên đã phát sinh mâu thuẫn dẫn tới đánh nhau. Nhóm người thua bài đã giam lỏng 2 người thắng bài và bắt đưa thêm tiền mới thả ra. Một số đối tượng tham gia nhóm này đã bị lực lượng công an bắt giữ để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Hiện nay, hành vi quảng cáo và bán các dụng cụ cờ bạc bịp rất khó bị xử lý triệt để vì chưa có quy định pháp luật nào “siết” vấn đề này. Thậm chí, kể cả các quy định về ngành nghề cấm kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2020 cũng không nhắc tới. Hay tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng chỉ quy định phạt hành chính với các hành vi đánh bạc trái phép mà không đề cập đến việc mua bán dụng cụ cờ bạc bịp.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, việc mua bán dụng cụ cờ bạc bịp rất khó khép vào tội môi giới đánh bạc hay đồng phạm của tội đánh bạc. Vì nếu người mua về nhưng không sử dụng hoặc thậm chí sử dụng nhưng số tiền hoặc hiện vật thấp hơn mức quy định tại Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không bị xử lý hình sự (mức quy định của Điều 321 là từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng).
Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, đối với hành vi mua bán dụng cụ cờ bạc bịp chỉ xử lý hình sự khi cơ quan điều tra chứng minh được một đối tượng mua và sử dụng dụng cụ đánh bạc bịp để chiếm đoạt tiền của người khác với số tiền đủ để xử lý hình sự. Còn người bán các món “đồ chơi” cờ bạc bịp rất khó xử lý hình sự. Do đó, cần có chế tài ngăn chặn việc kinh doanh dụng cụ cờ bạc bịp, không để việc mua bán diễn ra tràn lan như hiện nay, tạo điều kiện cho những người gian lận có cơ hội lừa đảo người khác một cách tinh vi. |
Minh Thành