Nguyên ĐBQH, nguyên TVTU, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt, người con trung hiếu của giai cấp công nhân, một tấm gương mẫu mực, vừa mới lắng lòng, chuẩn bị trở về với đất.
Cù lao Rùa - xã Thạnh Hội thuộc TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có diện tích chưa đến 450ha, dân cư chưa quá 4.500 người, là một vùng đất nhỏ xíu so với tỉnh Sông Bé trước đây và tỉnh Bình Dương hiện nay. Vậy mà từ cái cù lao nhỏ ấy, và nếu khu biệt lại ở ấp Nhựt Thạnh có diện tích 85ha, với dân số 1.250 người nhưng lại sinh ra 2 đại biểu Quốc hội khóa XII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là TS Huỳnh Ngọc Đáng và ThS Huỳnh Tấn Kiệt, 2 người họ Huỳnh là hậu duệ đời thứ 4 của cử nhân Huỳnh Văn Tú, là một trong 15 cử nhân của tỉnh Biên Hòa thời ấy, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm giữ chức Bố chính tỉnh Cao Bằng năm 1820.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thăm hỏi và tiễn công nhân về quê đón Tết Đinh Dậu 2017. Ảnh: Văn Truyên |
Khái quát đơn sơ đôi nét về quê hương và gia tộc của anh Huỳnh Tấn Kiệt, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, người con trung hiếu của giai cấp công nhân Việt Nam - Đồng Nai và là một tấm gương mẫu mực, ý chí tự lực vươn lên của cù lao Rùa, vừa mới lắng lòng, chuẩn bị trở về với đất.
****
Tháng 4-1957, gia tộc ông Huỳnh Ngọc Khải, là chiến binh kháng chiến chống Pháp, được phân công hoạt động hợp pháp ở miền Nam với vỏ bọc là ông thợ hớt tóc lưu động trên một chiếc xe đạp cà tàng và vợ là bà Lương Thị Nho (em của thiếu tướng Lương Văn Nho, nguyên Tư lệnh Pháo binh Miền) hết sức vui mừng khi đứa con trai thứ 4 là Huỳnh Tấn Kiệt cất tiếng khóc chào đời ở một miền quê bốn bề sông nước.
Lớn lên giữa một miền quê giàu truyền thống cách mạng và một gia đình trí thức yêu nước nồng nàn. Nên khi mới mười ba, mười bốn tuổi, Huỳnh Tấn Kiệt đã là một liên lạc viên tích cực cho chính ba của mình, vốn là một cán bộ Công vận của Thị ủy Biên Hòa thời kháng chiến chống Mỹ.
Đầu mối giao liên của Tư Kiệt là chú Tư Trung (Cogido), vốn là Chủ tịch Công đoàn Giải phóng tỉnh Biên Hòa và nhiều đầu mối khác ở Khu công nghiệp Biên Hòa. Được ba giao nhiệm vụ gì, Tư Kiệt cũng mưu trí vượt qua các bót đồn, trạm kiểm soát của quận Đức Tu và xã Bình Trước để hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy có thể nói, từ thuở thiếu niên, Tư Kiệt đã gắn bó với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trên quê hương của mình bằng những chiến công thầm lặng.
Được trui rèn trong lửa đỏ của chiến tranh giúp cho Tư Kiệt vững vàng trước những áp lực của cuộc đời. Anh nói với tôi: “Thời ấy, làm được chút gì gọi là đóng góp cho cách mạng là điều đáng quý, chớ có đòi hỏi, thắc mắc gì đâu”.
****
Những ngày cuối tháng 4-1975, chú bé giao liên Tư Kiệt như con thoi đến nhiều đầu mối liên lạc mà Tư Kiệt không hề biết nội dung của các bức thư ấy là gì. Sau này, Tư Kiệt mới biết nội dung chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy U1 Phan Văn Trang - chú Năm trân quý, giao nhiệm vụ cho giai cấp công nhân Biên Hòa phải làm chủ, bảo vệ an toàn cho được Khu công nghiệp Biên Hòa, nhà máy nước ở Phước Lư, nhà máy điện ở chợ Đồn. Sau này, trong lúc tâm tình, Tư Kiệt nói với tôi với tư cách là bạn bè gần gũi: “Đó là tầm nhìn sâu sắc của lãnh đạo đầy tính nhân văn, trách nhiệm của chú Năm Trang - thủ trưởng của ba tôi…”
****
Sau năm 1975, Tư Kiệt tham gia bộ máy của Công đoàn Giải phóng Biên Hòa một cách chính danh và người ta không bao giờ dám gọi anh là “cán bộ tân - gia ba” như chúng tôi mới tham gia cách mạng sau ngày 30-4-1975. Và với tiểu sử “rất đỏ” của mình, anh Tư Kiệt được giới thiệu sang Liên Xô học ở Trường Công đoàn trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. 4 năm ở xứ Bạch Dương, quê hương của lãnh tụ Lênin, anh Tư Kiệt nhận được sự ưu ái trong vòng tay đầy tình thương của nhân dân Liên Xô anh em dành cho Việt Nam.
Sau khi học xong chương trình đại học Công đoàn ở Liên Xô, anh trở về Việt Nam với khát vọng cống hiến cho tổ chức Công đoàn bằng trái tim đầy nhiệt huyết.
****
Nếu như cuộc đời có chút duyên ngộ, thì tôi và anh Tư Kiệt hẳn có duyên ngộ của những người cùng quê, sinh ra cùng thời; tâm tính và suy nghĩ về lý tưởng, cuộc đời, cách sống tương đối giống nhau. Nếu tôi với anh là đôi bạn đồng điệu đến mức - như tôi hiểu, có những điều anh không nói được với vợ con, tổ chức mà chỉ nói riêng với tôi về “nhân tình thế thái” mà anh đau đáu những nỗi ưu tư.
Anh chia sẻ với tôi với tư cách là một người thủ lĩnh của giai cấp công nhân Đồng Nai: “Cả đời tôi sống với công nhân, nhưng Năm Bé ơi! Điều tôi buồn nhất là thấy anh chị em công nhân ở những khu nhà trọ không phải là nhà cấp 4, mà là nhà cấp 5, cấp 6... Tôi đau lắm… Năm Bé… Nhưng lực bất tòng tâm, biết làm sao?”.
Là những người bạn, khi anh Tư Kiệt trở về Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, với tư cách là người giúp việc cho anh Ba Phương, cả 2 anh đều có những nỗi niềm đầy ưu tư đối với giai cấp công nhân Đồng Nai, nhất là vấn đề thu nhập, đời sống, học tập tiến bộ của công nhân - một lực lượng được tôn vinh là giai cấp lãnh đạo.
Với tôi, tôi hiểu nỗi niềm của anh Tư Kiệt, một người mà từ lúc thiếu niên đến lúc tuổi già - nghỉ hưu đều gắn bó hết mình với tổ chức Công đoàn, luôn suy nghĩ tìm kế sách lo cho công nhân được ấm no, hạnh phúc như mong ước của Bác Hồ.
****
Khi trở bệnh, anh Tư bảo với Bảy Hào, người em út, bảo tôi xuống nhà gửi gắm tôi việc đời riêng của anh. Trong lưng tròng nước mắt, hai anh em nắm tay nhau, song tôi biết, tôi mắc nợ anh một lời dặn dò trước lúc đi xa.
Thôi thì xin vĩnh biệt anh Tư - người anh, người bạn cùng quê đất Linh Quy - người con trung hiếu của giai cấp công nhân Việt Nam, giai cấp công nhân Đồng Nai, người con nặng nghĩa, trọn tình với quê hương, người chồng thủy chung - người cha mẫu mực của gia đình.
Đồng chí Huỳnh Tấn Kiệt, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX, nhiệm kỳ 2010-2015; nguyên Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy LĐLĐ tỉnh Đồng Nai; nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII, Đại biểu HĐND tỉnh khóa VII; nguyên Ủy viên Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam các khóa IX, X, XI; nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai các khóa VII, VIII, IX. Đồng chí đã từ trần hồi 5 giờ ngày 8-12-2020. Lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ ngày 8-12-2020. Lễ truy điệu diễn ra lúc 7 giờ 30 ngày 12-12-2020. Sau đó, linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang An viên Vĩnh hằng (H.Vĩnh Cửu). |
Mai Sông Bé