* Ông Phạm Ngọc Lịnh (KP.Phước Hải, TT.Long Thành, H.Long Thành) thắc mắc: " Việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng thực hiện như thế nào mới đúng quy định?".
* Ông Phạm Ngọc Lịnh (KP.Phước Hải, TT.Long Thành, H.Long Thành) thắc mắc: “ Việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng thực hiện như thế nào mới đúng quy định?”.
- Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp), Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai cho biết, Điều 48, Luật Công chứng năm 2014 quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau: người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây: công chứng di chúc; theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Diễm Quỳnh (ghi)