Báo Đồng Nai ngày 24-12 có đăng bài viết Chủ động ngăn ngừa các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em đã phản ánh thực trạng về nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn còn diễn ra. Đây là vấn đề đang được cộng đồng quan tâm.
Báo Đồng Nai ngày 24-12 có đăng bài viết Chủ động ngăn ngừa các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em đã phản ánh thực trạng về nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn còn diễn ra. Đây là vấn đề đang được cộng đồng quan tâm.
Một buổi tư vấn về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Ảnh: Dương Bá Thông |
Theo nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai, sở dĩ tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành vẫn xảy ra nhiều là do những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được xử lý nghiêm khiến kẻ xấu coi thường pháp luật.
* Trẻ em cần “tấm khiên” bảo vệ
BĐ Nguyễn Đình Hiểu, một cán bộ công chức về hưu ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Hiện nay, trên môi trường mạng, nhất là các trang mạng xã hội, bên cạnh những thông tin tích cực cũng có quá nhiều nội dung độc hại, có tác động tiêu cực đến người xem, nhất là giới trẻ nhưng cơ quan chức năng chưa quản lý hết được. Trong khi đó, nhiều gia đình, cha mẹ lại thiếu sự quan tâm, tư vấn, hướng dẫn cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình, khiến các em thiếu đi “tấm khiên” chống đỡ khi bị bạo hành, xâm hại”.
“Cha mẹ không thể theo sát con cái 24/24 giờ, nên phải cho con “công cụ” để tự bảo vệ bản thân. Công cụ ở đây là giúp các cháu nhận biết được những hành vi, nguy cơ bị xâm hại, bị bạo hành; khi gặp tình huống ấy phải: la lớn cầu cứu, tìm cách thoát ra khỏi người đang khống chế, đang đánh đập mình; biết tố giác người đã xâm hại, bạo hành, gọi đường dây nóng Tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) để được hỗ trợ trong tình trạng khẩn cấp” - BĐ Nguyễn Đình Hiểu chia sẻ.
Bà Phạm Thị Xuân Lan (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), giáo viên một trường THCS ở Biên Hòa cho rằng, nhiều người quan niệm chỉ những trường hợp xâm hại tình dục, bạo hành gây thương tích, để lại chứng cứ cụ thể trên thân thể trẻ em mới được cho là hành vi phạm tội cần phải tố cáo. Còn những hành vi dâm ô bằng lời nói, mắt nhìn hay bạo hành tinh thần thì ít bị tố cáo hoặc có tố cáo cũng khó xử lý vì thiếu chứng cứ. Chính vì hành vi xấu không được ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ xấu tiếp tục có những hành vi xâm hại các em với mức độ nặng nề hơn.
* Cần xử lý mạnh tay để răn đe
Tại phiên họp Quốc hội ngày 27-5, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho biết, tại Việt Nam trung bình mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại (cả tình dục và thân thể). Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng.
Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn cho biết, Tỉnh đoàn đã thành lập CLB Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em tỉnh Đồng Nai với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ tâm lý, đoàn viên thanh niên, sinh viên và những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em các huyện và thành phố. Theo định kỳ hằng tháng, hằng quý, CLB sẽ mời các chuyên gia nói chuyện chuyên đề về phòng chống xâm hại, phòng chống bạo hành để trang bị kỹ năng tự phòng vệ bản thân cho các em. |
BĐ Đặng Thị Lan Hương (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng, xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại bởi người thân nên gia đình đã tự “ém” sự việc, không tố cáo vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Chưa kể, một nghịch lý tồn tại trong các vụ việc trẻ bị hiếp dâm, lẽ ra dư luận phải lên án kẻ phạm tội, thì nạn nhân lại trở thành sự kỳ thị của những người biết chuyện, dẫn đến nhiều gia đình có con bị xâm hại không lên tiếng tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến uy tín gia đình và cuộc sống con trẻ.
“Người dân cần nắm rõ các quy định pháp luật để tố giác tội phạm, không thể để những kẻ phạm tội đứng ngoài vòng pháp luật, tiếp tục là mối đe dọa cho con em của mình và nhiều trẻ nhỏ khác” - BĐ Đặng Thị Lan Hương nói.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có những khung hình phạt đối với tội dâm ô, hiếp dâm, bạo hành trẻ em. Tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà có thể phạt tù người gây ra hành vi ít là 3 năm, nhiều hơn là từ 7-15 và khung hình phạt cao nhất tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Liên quan đến vấn đề nói trên, Phó giám đốc Sở
LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh chia sẻ, trong công tác phòng chống xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, thì gia đình giữ một vai trò quan trọng, đặc biệt là người mẹ. Ngoài việc chủ động tạo môi trường lành mạnh, giữ gìn an toàn cho con trẻ, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ kỹ năng tự phòng vệ bản thân khi bị lâm vào những tình huống nguy hiểm. Hoặc khi thấy con có những dấu hiệu tâm lý khác thường, cha mẹ nên tìm hiểu để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa.
Bị xâm hại, bạo hành là những cú sốc để lại di chứng nặng nề về tinh thần lẫn thể chất của trẻ em. Sự tổn thương này sẽ đeo bám các em trong suốt cuộc đời. Cho nên, để trẻ được sống trong môi trường an toàn, rất cần đến những “lá chắn” từ gia đình, thầy cô và cộng đồng.
An Nhiên